T2, 06/07/2020 12:55

Sóc Trăng: Giá tôm cuối vụ nhiều biến động

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo các doanh nghiệp chế biến và đại lý thu mua tôm ở Sóc Trăng, từ đầu tháng 11 đến nay, giá tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng liên tục có sự biến động theo kích cỡ tôm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ những năm trước.

Tôm sú cỡ lớn thu hoạch lúc cuối cụ đang giảm giá khá mạnh   Ảnh: X.T

Tôm sú cỡ lớn thu hoạch lúc cuối cụ đang giảm giá khá mạnh Ảnh: X.T

Biến động và bất ngờ nhất chính là sự sụt giảm mạnh của giá tôm sú cỡ lớn. Nếu như đầu tháng 11, giá tôm sú loại 30 con/kg được các thương lái và nhà máy thu mua ở mức 235.000 – 260.000 đồng/kg, đến ngày 10/11 giá chỉ còn 200.000 đồng/kg. Loại tôm sú từ 40 con/kg trở lên giá giảm 15.000 – 25.000 đồng/kg. Cụ thể, tôm sú loại 40 – 50 con/kg chỉ còn 145.000 – 155.000 đồng/kg và loại trên 50 con/kg đến 60 con/kg giá ở mức 140.000 – 145.000 đồng/kg.

Đối với tôm thẻ chân trắng (TTCT), sau thời gian tăng giá mạnh, gần đây, giá tôm cỡ nhỏ bắt đầu giảm đáng kể. Hiện, TTCT loại 80 – 100 con/kg chỉ được mua vào với giá 100.000 – 115.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg. Tôm loại 40 – 50 con/kg cũng giảm 3.000 – 5.000 đồng/kg còn 140.000 – 150.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 158.000 đồng/kg.

Như vậy, so với tháng 10 và tuần đầu của tháng 11, cả TTCT và tôm sú đều giảm giá ở hầu hết các kích cỡ. Anh Nguyễn Văn Quý, một đại lý chuyên thu mua tôm ở thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Năm nay, do giá tôm ổn định ở mức cao và trúng mùa lớn ở vụ nuôi đầu tiên nên người nuôi thả gối đầu liên tục. Vì vậy, đến giờ này, dù đã vào cuối vụ nhưng lượng tôm tôi thu mua hàng ngày vẫn không giảm nhiều; trong đó, chủ yếu là tôm sú cỡ lớn và TTCT cỡ nhỏ đến trung bình (loại 60 – 100 con/kg). Theo tôi, giá tôm giảm vài nghìn đồng mỗi kg như hiện nay là chuyện bình thường do sản lượng vụ nuôi 2017 của tỉnh là khá lớn”.

Còn theo các doanh nghiệp chế biến tôm tại Sóc Trăng, nguyên nhân giá tôm vào cuối vụ lại giảm thay vì tăng so những năm trước, là vì vào đầu tháng 11, giá tôm có phần nhích lên, nhất là đối với tôm cỡ lớn, nhưng chủ yếu và tôm của những trại nuôi đạt chuẩn ASC hoặc VietGAP và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp gom hàng cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng phục vụ khách đến tham dự APEC. Hiện, giá tôm giảm trở lại là do phần lớn các doanh nghiệp đã gom đủ hàng cho các hợp đồng giao trong tháng 12, trong khi các hợp đồng cho năm 2018 vẫn chưa được ký kết nhiều.

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ngoài vùng nuôi ven biển của thị xã Vĩnh Châu, còn lại các vùng nuôi trong nội đồng khác độ mặn đã về 0‰ từ những ngày đầu tháng 10. Vì vậy, số diện tích hiện đang còn tôm chủ yếu là người nuôi sử dụng lại nguồn nước từ vụ nuôi trước, nhưng độ mặn cũng chỉ dao động quanh mức 2 – 5‰.

Với những trận mưa lớn do ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới vừa qua, độ mặn tại một số ao nuôi gần như đã về 0‰, việc chăm sóc tôm nuôi hết sức khó khăn. Do đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã khuyến cáo người nuôi không nên tiếp tục thả nuôi tôm sú và TTCT, mà nên chuyển sang lấp lại vụ lúa hoặc thả nuôi đối tượng thủy sản khác, như: tôm càng xanh hay cá rô phi để làm sạch môi trường, chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2018.

Theo ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục  trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đến 6/11, toàn tỉnh đã thu hoạch 33,5 ha tôm nuôi, với tổng sản lượng trên 106.000 tấn (trong đó, TTTC gần 23.000 ha, sản lượng 93.360 tấn) và hiện có gần 12.000 ha còn tôm, chủ yếu là TTCT. Như vậy, nhiều khả năng sản lượng tôm nuôi của Sóc Trăng sẽ đạt xấp xỉ năm 2016, tức khoảng 150.000 tấn trở lên.

Mai Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!