Sóc Trăng: Làm giàu từ cá chốt

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là mô hình của ông Nguyễn Văn Hết, ấp Hòa Nhờ B, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên khi lựa chọn nuôi loài cá “nhà quê” này, mang lại hiệu quả khả quan trong hơn một năm qua; mở thêm hướng sản xuất cho người dân tại địa phương.

Hướng đi mới

Với người dân sống ở vùng nông thôn, cá chốt được xem là một trong những loài cá quen thuộc, chúng có khả năng chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên, đặc biệt là thích nghi nước mặn tốt (nếu ở mức 12 – 14‰ cá vẫn ăn tốt lớn nhanh và có thể chịu được độ mặn trên dưới 20‰); thịt cá thơm ngon nên trở thành món ăn đặc sản tại các nhà hàng, thu hút nhiều thực khách.

Đưa chúng tôi tham quan ao cá chốt vừa thu hoạch xong rộng trong một tấm lưới lớn để cung cấp ra thị trường, ông Nguyễn Văn Hết bộc bạch: “Tôi có tổng cộng 7 ao nuôi tôm nhưng thời gian dài nuôi tôm gặp rất nhiều rủi ro nên quyết định tìm hướng đi mới bằng việc nuôi con cá chốt. Do muốn nuôi thử nghiệm, tôi đã bắt 5,5 kg cá bố mẹ về cho cá sinh sản tự nhiên và can thiệp kỹ thuật trên đàn cá bố mẹ đã thu được một lượng cá con đem đi thả trong ao nuôi. Sau 5 tháng thả nuôi cá theo hình thức “thử” cho ăn các loại thức ăn, cách chăm sóc, bổ sung các loại thức ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng của cá nhằm đúc kết kinh nghiệm nuôi và khi cá tự ép nuôi trong ao phát triển tốt, tôi mạnh dạn tìm mua nguồn cá giống ở tận Cà Mau thả nuôi thêm 2 ao, số lượng mỗi ao 150.000 con/1,5 m2.

Vợt con cá chốt trắng nõn, đưa cho chúng tôi xem, ông Hết tiếp lời, ban đầu mua số cá giống về nuôi, ông vẫn cứ thả vào ao nuôi tôm với lượng nước vừa phải, nhưng do chưa cải tạo kỹ ao nuôi nên cá bị thiệt hại; mặt khác, do cá chốt lúc nhỏ thịt trắng, mềm, da trắng sáng dễ nhìn thu hút các loài cá, tép thậm chí là chuồn chuồn ăn thịt. Nên ao nuôi thứ hai nuôi số lượng cá nhiều nhưng đến khi thu hoạch chỉ được 850 kg. Qua 2 ao nuôi, ông đã vững vàng “kinh nghiệm” để tiếp tục thả nuôi ao thứ 3 thì cá tăng trưởng nhanh chỉ tầm hơn tháng nữa là đến thu hoạch ao cá này.

Chú trọng khâu chăm sóc

Để nuôi cá chốt đạt hiệu quả cao, theo ông Hết, trước khi thả cá giống cần phải cải tạo ao nuôi thật kỹ bằng cách rút nước trong ao còn tầm 5 tấc (0,5 m), dây thuốc cá đập dập cho vào ao nhằm tiêu diệt một số loài cá để nguyên nước trong vòng 1 đêm, xả nước ra ao khác, sau đó phơi ao tầm 3 ngày, rồi mới lấy nước vào tầm 4 tấc (0,4 m) mới thả cá. Cứ như thế mỗi ngày bơm nước cho ao, bơm trong vòng 5 – 6 ngày đủ lượng nước vừa phải ao nuôi là được.

Riêng thức ăn cho cá, khi cá mới thả, luộc chín cá rô phi, lọc bỏ xương, lấy thịt xoay nhuyễn rồi rải đều lên mặt ao, mỗi ngày cho cá ăn 2 lần (sáng và chiều) trong tuần đầu tiên. Đến tuần thứ 2, cho cá ăn thức ăn dành cho TTCT, tiếp đến khi cá lớn hơn chỉ cần cho ăn thức ăn của cá kèo, dạng thức ăn viên nổi. Trong quá trình cho ăn, để tránh thức ăn bị hao hụt trôi trên mặt nước, ông Hết sử dụng dạng lưới dày tạo thành hình cái mẹt to tròn để thức ăn viên vào, đến giờ mang thức ăn ra chỉ việc dùng cây gõ thành tiếng động theo thói quen đàn cá lập tức tập trung quanh mẹt lưới ăn mồi. “Bí quyết của tôi để nuôi cá chốt thành công thì mật độ cá chuẩn tầm 100 con/m2, chạy quạt vào khoảng 00 giờ khuya đến sáng hôm sau sẽ tạo độ ôxy trong ao tốt cá ăn mạnh hơn…” – ông Hết tâm sự.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng đánh giá, mô hình nuôi cá chốt của ông Hết là một trong những hướng đi mới của nông dân trong việc phát triển thêm loài thủy sản nhằm tăng thu nhập tại hộ dân, đây là loài cá thích hợp nuôi cho cả vùng nước ngọt, mặn, lợ nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư cho vụ nuôi thấp. Với hiệu quả của mô hình này, tới đây ngành nông nghiệp sẽ có những khuyến cáo cũng như thông tin đến bà con về các loài thủy sản nuôi mới để hộ dân lựa chọn, nhằm đa dạng hóa vật nuôi, tăng thu nhập gia đình…

Thúy Liễu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!