Sóc Trăng: Những thay đổi làm nên thành công

Chưa có đánh giá về bài viết

Chỉ với những thay đổi cơ bản về quy trình kỹ thuật nuôi, nhiều hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đã có được thành công từ đầu vụ nuôi đến nay, dù điều kiện thời tiết, môi trường luôn trong tình trạng bất lợi.

phối hợp trung tâm khuyến nông quốc gia

Sinh học từ cá

Khi đến khu vực nuôi của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh ở huyện Trần Đề, nhìn khung cảnh đìu hiu với hàng loạt ao bỏ trống, không ai có thể tin được, nơi này vừa trải qua một vụ thu hoạch rất thành công. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho biết, vùng nuôi tôm của Hiệp hội có trên 2.000 ha, nhưng do nhiều năm thua lỗ, nên từ đầu vụ đến nay chỉ mới thả nuôi khoảng 20% diện tích. Tuy nhiên, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi mới, như: nuôi ghép cá rô phi, cá chẽm trong ao lắng; nuôi với mật độ thưa; sử dụng chế phẩm vi sinh… tỷ lệ thành công rất cao.

Chúng tôi cùng đoàn công tác đến nhà ông Hứa Thành Hưng, một thành viên của Hiệp hội, người vừa thu hoạch 24 ao tôm với tổng sản lượng 162 tấn, lãi gần 11,2 tỷ đồng. Ông Hưng đúc kết: “Yếu tố thành công ở vụ nuôi năm nay chính là nhờ tăng số lượng ao lắng, ao chứa kết hợp nuôi cá chẽm, sau đó mới lấy nước này xử lý để nuôi tôm. Nhờ cách làm này mà hầu hết ao nuôi thả từ đầu năm đến nay đều thành công và bán được giá”. Khác với ông Hưng, ông Hai Hoàng sử dụng cá rô phi làm đối tượng nuôi ghép, kết hợp thả mật độ thưa (30 – 50 con/m2), nên trong số 30 ao chỉ có 1 ao thất bại. Tuy ông không nói ra, nhưng mức lợi nhuận của ông được những người nuôi tôm trong Hiệp hội cho biết cũng hơn chục tỷ chứ không ít. Ông Hai Hoàng cho biết: “Những năm trước tôi nuôi với mật độ dày phần lớn đều bị lỗ, chỉ có năm nay, nuôi mật độ thưa và nuôi bằng nước nuôi cá rô phi trong ao lắng, nên tỷ lệ thành công rất cao”.

sóc trăng thành công nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học

ThS Lâm Ánh Tiên và ThS Mai Thi (thứ nhất và thứ hai từ trái sang) với niềm vui hợp tác thành công trong ứng dụng chế phẩm sinh học – Ảnh: X.T

 

Nuôi nước trong nuôi tôm

Trước đây, hầu hết người nuôi tôm ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao, nên những năm gần đây, việc nuôi tôm bị thiệt hại rất nhiều. Hiện, tuy đã vào vụ nuôi chính, nhưng số diện tích ao bỏ trống vẫn rất nhiều do người dân không còn vốn để nuôi.

Đối với ao nuôi nhà anh Lý Chính Trường Sơn cũng vậy, chất lượng đất và nước trong ao luôn rất xấu, tảo silic thường phát triển nhiều, nên cứ thả là chết. Tuy nhiên, từ khi được ThS Mai Thi, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tư vấn và hỗ trợ chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường đất trong ao, chế phẩm men tiêu hóa hỗ trợ đường ruột cho tôm, nên ở vụ nuôi này ao tôm của anh phát triển khá tốt.

Điểm đặc biệt khi sử dụng các chế phẩm này là lấy nước vào không cần phải diệt khuẩn hay diệt tạp và độ mặn lên đến 28‰, nhưng đến nay, sau 46 ngày thả nuôi, tôm vẫn phát triển tốt, đạt kích cỡ 150 con/m2, mật độ thả 25 con/m2. Điều này được kiểm chứng qua số lượng cá bống con trong ao khá nhiều khi chài tôm lên. Anh Sơn bộc bạch: “Chế phẩm sinh học này giúp làm sạch môi trường đất và nước, đưa môi trường về gần với tự nhiên hơn nên tôm nuôi không còn bị dịch bệnh”.

Còn tại xã Hòa Tú 2 (huyện Mỹ Xuyên), mô hình ứng dụng vi sinh làm sạch môi trường ao nuôi của ông Nguyễn Văn Hết – Tổ trưởng Tổ hợp tác tôm – lúa ấp Hòa Nhờ B trên diện tích 1.500 m2 cũng cho thấy tôm phát triển rất tốt. Theo ông Hết, hàng năm, nếu nuôi tôm thẻ ông và các tổ viên đều phải sử dụng thuốc, hóa chất, nên nguồn nước và đất trong ao không được tốt, tôm thường bị dịch bệnh. Năm nay, ông sử dụng hoàn toàn chế phẩm vi sinh của ThS Mai Thi, tôm phát triển rất tốt, chi phí lại giảm hơn rất nhiều.

Cũng trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, đã 3 năm nay, ThS Lâm Ánh Tiên, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đã âm thầm ứng dụng chế phẩm sinh học này và cô luôn có được thành công nhất định qua mỗi vụ nuôi. Không nói đâu xa, ngay ở vụ tôm năm nay, hôm chúng tôi đến, cô đang có 1 ao nuôi được 100 ngày, nhưng tôm đã đạt kích cỡ khoảng 35 con/kg, màu sắc rất đẹp và biểu hiện của tôm khi chài lên cho thấy rất khỏe mạnh và đồng đều.

 

Hướng đến người nuôi nhỏ lẻ

Theo ThS Mai Thi, vấn đề làm sạch môi trường ao nuôi sau một thời gian dài lạm dụng hóa chất, thuốc thú y thủy sản luôn là vấn đề bức xúc của nghề nuôi. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề ra phương châm “nuôi nước cho nông dân nuôi tôm”, để tập trung nghiên cứu và cho ra sản phẩm xử lý môi trường ao nuôi (đất và nước) và chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa cho tôm. Đối tượng mà nhóm nghiên cứu hướng đến là những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, diện tích ít, nuôi mật độ thưa (< 40 con/m2 đối với tôm thẻ).

Các kết quả thu được trên 200 hộ nuôi ứng dụng chế phẩm vi sinh này trong gần 3 năm qua cho thấy mức độ thành công rất cao. ThS Mai Thi cho biết: “Chế phẩm này rất phù hợp với mật độ thả nuôi 20 – 40 con/m2 trong điều kiện độ mặn 5 – 15‰. Ở mật độ 40 con/m2, các kết quả thử nghiệm cho thấy, chỉ sau 60 ngày tôm nuôi đã đạt kích cỡ dưới 100 con/kg và khi tôm đạt cỡ 70 con/kg, giá thành chỉ vào khoảng 52.000 – 55.000 đồng/kg, còn khi nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ 20 con/m2, có thể nuôi tôm đạt đến cỡ 20 con/kg. Trong vụ nuôi năm 2016 này, chúng tôi quyết định thử nghiệm ở độ mặn đến 28‰ trên ao nuôi bị thiệt hại nhiều năm, đến nay tôm được 46 ngày tuổi, trọng lượng bình quân khoảng 150 con/kg”.

>> Ông Nguyễn Văn Hết, Tổ trưởng Tổ hợp tác tôm – lúa ấp Hòa Nhờ B phấn khởi cho biết: “Trên diện tích 1.500 m2 ao nuôi, tôi chỉ sử dụng 5 kg chế phẩm xử lý môi trường và 5 kg men tiêu hóa; đồng thời, bổ sung thêm chất khoáng, không sử dụng thêm thuốc kháng sinh hay bất kỳ hóa chất nào khác mà tôm vẫn đạt tỷ lệ sống cao và tăng trọng khá nhanh”.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!