Sóc Trăng: Nuôi tôm không hóa chất, kháng sinh

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm hướng tới việc sản xuất tôm thương phẩm chất lượng cao, an toàn dịch bệnh; từ tháng 3 đến tháng 8/2016, Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao Công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL và Công ty Enzyma đã triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng chế phẩm BioWish cho hiệu quả cao.

Nhiều triển vọng

Năm 2016, Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao Công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL và Công ty Enzyma đã triển khai mô hình trong 3 đợt: Đợt 1 (9/3 – 20/5): Cỡ tôm giống PL28; mật độ 80 con/m2; số ngày nuôi 73 ngày. Đợt 2 (15/6 – 28/8): Chia làm 2 lô: Lô 1 (3 ao) thả giống cỡ PL25; Lô 2 (3 ao) thả giống cỡ PL32; mật độ 50 con/m2; số ngày nuôi 75 ngày tính đến 28/8/2016. Đợt 3 từ ngày 31/7/2016: Cỡ tôm giống PL30; mật độ 100 con/m2; số ngày nuôi là 30 ngày tính đến 28/8/2016.

Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học mang lại giá trị cao cho người dân Sóc Trăng – Ảnh: H.T

Đại diện cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cho biết, với diện tích 1.000 m2/ao, được lót bạt xung quanh bờ; sau mỗi vụ nuôi tiến hành cải tạo vét sạch bùn, phơi khô 15 – 30 ngày, sau đó lấy nước từ ao chứa qua túi lọc để loại bỏ trứng cá tạp, tôm tép… Nước cấp vào ao đạt độ sâu 1,5 m. Tiếp đến xử lý gây màu, thức ăn tự nhiên bằng chế phẩm sinh học BIOWISH AquaFarm với liều lượng 20 g/1.000 m3 nước, té đều khắp ao. Mỗi ao được lắp 2 dàn quạt 10 cánh/1 dàn với công suất 1,5 – 2 CV/dàn. Sau 4 ngày tiến hành tiếp tục xử lý nước bằng chế phẩm sinh học BioWish AquaFarm với liều lượng như ban đầu. Sau 1 ngày tiến hành thả giống. Nguồn tôm giống từ Công ty TNHH F1.NT và Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung. Trung tâm phối hợp với Trại giống Công ty TNHH F1.NT gièo ương con giống từ cỡ PL10 lên PL25 – 32 mới tiến hành thả ra ao nuôi. Cùng đó, sử dụng thức ăn của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long. Cho ăn 3 lần/ngày, lượng thức ăn khoảng 4 – 5% trọng lượng thân.

Trong quá trình nuôi, sử dụng men BioWish 3PS trộn vào thức ăn với liều lượng 3 – 4 g/kg thức ăn. Trước khi trộn với thức ăn, men vi sinh được hòa đều với dầu ăn (với tỷ lệ 3 g men vi sinh trộn với 10 ml dầu ăn). Để cho men ngấm vào thức ăn khoảng 10 – 15 phút tiến hành cho tôm ăn. Hằng ngày, cán bộ kỹ thuật đo và kiểm tra các yếu tố môi trường nước như: Nhiệt độ, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan. Ngoài ra, định kỳ 7 – 10 ngày kiểm tra thêm các chỉ số môi trường: NO2-, kim loại nặng, số lượng và các loại tảo có lợi, có hại, số lượng Vibrio trong ao. Định kỳ 6 – 7 ngày bổ sung thêm chế phẩm sinh học BioWish AquaFarm. Sau 60 ngày nuôi lượng chất thải hữu cơ trong ao tăng nhiều. Vì vậy, cần định kỳ 4 – 5 ngày bổ sung chế phẩm sinh học BioWish AquaFarm với liều lượng 30 – 40 g/1.000 m3 nước. Mặt khác, tiến hành kiểm tra môi trường nước hằng ngày và ổn định pH, độ kiềm bằng vôi CaCO3 và Dolomite để đảm bảo pH: 7,8 – 8,2; độ kiềm 120 – 160 mg/l.

 

Cần được nhân rộng

Kết quả thu được từ mô hình rất khả quan với tổng thu từ bán tôm thương phẩm đợt 1 của lô 1 thu hơn 275 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 140 triệu đồng. Tương tự, hạch toán chi phí sản xuất lô 1 đợt 2 thả tôm nuôi có tổng chi phí khoảng 132 triệu đồng, tổng thu từ bán tôm hơn 242 triệu đồng, thu lãi trên 110 triệu đồng. Hiện nay, tại lô 2 với 2 ao nuôi đang bắt đầu thả giống nuôi tôm đợt 1.

Qua hai đợt nuôi thử nghiệm cho thấy chi phí thức ăn giảm (hệ số thức ăn giảm dưới 1.1 (1,056 – 1,063 kg thức ăn/kg tôm); trong khi, nuôi tôm thông thường ngoài mô hình có hệ số thức ăn từ 1.3 – 1.5). Trong quá trình nuôi, chất hữu cơ trong nước và chất thải và đáy ao nuôi được phân hủy; hệ vi sinh vật có lợi được bổ sung và tăng dinh dưỡng trong môi trường ao nuôi, tăng cường sức khỏe và khả năng kháng bệnh cho tôm; giúp tôm ăn và tiêu hóa thức ăn tốt hơn; giảm thiểu sự hình thành tảo, chất hữu cơ dư thừa và chất thải; giảm thiểu mùi hôi tanh của chất thải, nước ao nuôi; giảm tỷ lệ phát sinh bệnh tôm, giảm chi phí sử dụng hóa chất như thuốc, điện, dầu…

Theo Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao Công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL, để tôm sinh trưởng và phát triển tốt hơn trong quá trình nuôi cần định kỳ bổ sung thêm các loại khoáng đa lượng, vi lượng (Ca, Mg và K) để tăng độ cứng vỏ và màu sắc tôm được sáng bóng hơn. Để giảm lượng NO2- trong ao nuôi, cần bổ sung thêm chủng vi khuẩn Nitrobacter để chuyển hóa NO2- sang NO3-, rồi Nitơ tự do giải phóng ra ngoài môi trường. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn để nhân rộng.

>> Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đang ngày càng lan rộng và là xu thế tất yếu. Dự kiến trong năm 2017, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu, thử nghiệm xây dựng mô hình trình diễn để nhân rộng, tạo sản phẩm sạch, an toàn cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Huy Thạch

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!