Sóc Trăng: Tăng cường quản lý dịch bệnh cuối vụ nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh Sóc Trăng đạt 41.335 ha, trong đó tôm sú là 28.596 ha, tôm thẻ 12.739 ha và diện tích thiệt hại trên 12.000 ha, chiếm khoảng 29% diện tích thả nuôi.

Thực tế cho thấy điều kiện nuôi tôm năm nay tốt hơn năm rồi nên cho kết quả khả quan hơn. Ông Ngô Nhỏ ở ấp Trà Teo, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu còn một ao tôm sú 4.500 mét vuông sắp thu hoạch, hiện trọng lượng của tôm dưới 30 con/kg. Kết quả đạt được là do ông làm tốt khâu chọn giống, thực hiện tốt quy trình nuôi tôm.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, từ 01/08 đã kết thúc lịch thời vụ nuôi tôm 2013, đồng thời kết quả quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh thì điều kiện hiện nay không thích hợp cho việc thả giống mới, nhưng do giá tôm thương phẩm cao, diện tích tôm thẻ thả đầu vụ cho kết quả tốt, nên bà con vẫn tiếp tục thả giống, đặc biệt từ tháng 8 đến nay, diện tích thả giống mới ở thị xã Vĩnh Châu là trên 8.000ha.

Tăng cường quản lý dịch bệnh cuối vụ nuôi

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các yếu tố môi trường bất lợi như thời tiết có lúc nắng nóng gay gắt dài ngày, sau đó mưa nhiều làm biên độ nhiệt cao, độ mặn giảm, hàm lượng oxy hòa tan thấp… sẽ tạo cơ hội cho dịch bệnh rất dễ phát sinh.

Qua kết quả giám sát dịch bệnh của Chi cục Thú y từ đầu vụ nuôi đến nay cho thấy: tác nhân gây thiệt hại trên tôm chủ yếu là do vi rút đốm trắng, vi rút gây hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu. Ngành chức năng cũng khuyến cáo, bà con nên ngưng thả giống mới để có thời gian cải tạo chuẩn bị cho vụ nuôi mới, đối với vùng tôm lúa thì ngưng thả tôm chuyển sang trồng lúa để cắt đứt mầm bệnh. Thạc sĩ Trần Tuấn Phong- phòng Dịch tễ chi cục thú y Sóc Trăng có những lưu ý cùng bà con “ Đối với diện tích tôm đang nuôi cần phải áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng bệnh cho tôm nuôi như: Tăng cường chạy quạt đảm bảo lượng oxy hoà tan ≥ 5mg/l,  Quản lý các yếu tố môi trường không để biến động ( pH 7,5 – 8,2, kiềm 120 -160 mg/l). Tăng cường quản lý ao, hạn chế sự nhiễm chéo từ ao này qua ao khác”.

Để góp phần cho vụ nuôi năm nay thành công, ngoài việc người nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh, thì cần phải nâng cao nhận thức của mọi người trong bảo vệ môi trường chung. Thạc sĩ Trần Tuấn Phong- phòng Dịch tễ chi cục thú y Sóc Trăng có những lưu ý  thêm “Khi tôm nuôi bị thiệt hại thì cần báo ngay với cán bộ thú y hoặc ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Nước ao nuôi đang có dịch bệnh phải được xử lý trước khi xả ra môi trường”.

Ngoài ra, khi người dân thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh, cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương thống kê diện tích thiệt hại chính xác hơn. Đây cũng là căn cứ để hỗ trợ khi có chính sách của nhà nước cho người nuôi có diện tích bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Thanh Tòng

Đài PTTH Sóc Trăng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!