Sóc Trăng: Thành công nhờ theo tôm sú

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là kinh nghiệm mà anh Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Hòa Đê, xã Hòa Tú I, huyện Mỹ Xuyên đúc kết lợi thế giữa con tôm sú với con tôm thẻ. Bởi so với tôm thẻ, nuôi tôm sú tuy lợi nhuận không cao bằng nhưng rủi ro thấp và có tính bền vững hơn.

Nuôi tôm sú rủi ro thấp và có tính bền vững

Do thời tiết không mấy thuận lợi nên mãi đến gần cuối tháng 5 anh Hồng mới thả nuôi tôm sú, bởi vậy, đến giờ này phần lớn diện tích thả nuôi của anh vẫn còn tôm. Hôm chúng tôi đến, có ao tôm đã vào cỡ 24 con/kg còn lại đa số chỉ mới hơn 2 tháng, nhưng cũng đạt cỡ 170 con/kg. Tuy nhiên, điều làm anh Hồng kém vui là khi tôm đạt kích cỡ thu hoạch thì giá tôm sú trên thị trường lại giảm so với đầu năm. Anh Hồng chia sẻ: “Đầu năm, tôm sú loại 30 con/kg nếu bán ôxy giá lên đến 210.000 đồng/kg, còn bán tôm ướp đá cũng khoảng 175.000 đồng/kg. Thế nhưng, khi giá tôm thẻ liên tục giảm mạnh, nhiều người chuyển sang nuôi tôm sú khiến giá tôm sú loại 30 con hiện tại chỉ còn 175.000 đồng/kg nếu bán tôm ôxy và 150.000 đồng/kg tôm ướp đá. Tuy vậy, tính ra người nuôi vẫn có lợi nhuận khá cao nếu nuôi đạt năng suất”.

Vụ tôm năm nay, anh Hồng thả nuôi tổng cộng 62.000 post tôm sú trên tổng diện tích 9.000 m2, trong đó có 1 ao với 10.000 tôm post đang cho thu hoạch, cỡ tôm đạt 24 con/kg. Anh Hồng cho biết: “Do giá tôm sú giảm nên để đạt lợi nhuận cao tôi chọn cách bán tôm ôxy vì tôm càng lớn giá bán càng cao. Hiện, mỗi ngày thương lái thu mua khoảng 100 – 200 kg tôm ôxy với giá 240.000 đồng/kg. Đối với diện tích còn lại tôm đã đạt cỡ 170 con/kg, tôi đang chuẩn bị sang ao để giảm mật độ, vừa giúp tôm mau lớn vừa giảm áp lực môi trường ao nuôi, hạn chế phát sinh dịch bệnh lúc cuối vụ”.

Theo anh Hồng, khu vực HTX của anh thuộc vùng tôm – lúa nên con tôm sú được chọn là đối tượng nuôi chính vì dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp phù hợp với khả năng tài chính và trình độ quản lý của người nuôi. Nếu tính về lợi nhuận tuyệt đối trên một đơn vị diện tích thì con tôm sú không bằng tôm thẻ, nhưng về tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư thì con tôm sú luôn cao hơn.

Hiện nay, việc nuôi tôm sú được anh Hồng thực hiện theo hình thức nuôi 2 – 3 giai đoạn để giúp con tôm mau lớn và ít dịch bệnh. Anh Hồng cho biết thêm: “Tôm giống mua về phải được ương trong ao nhỏ hoặc vèo lưới khoảng 20 – 30 ngày, sau đó mới bung ra ao lớn. Việc sang ao cũng có nhiều cách, như: sang khô (kéo tôm từ ao này sang qua ao kia – PV) hoặc phá bờ cho tôm từ ao nhỏ qua ao lớn. Cũng có thể sang tôm lần thứ hai nếu thấy mật độ còn cao để giảm thiểu chạy quạt ôxy và tạo môi trường thông thoáng hơn cho tôm có thêm nguồn thức ăn tự nhiên. Vì vậy, đối với số tôm còn lại dù đã đạt cỡ 170 con/kg nhưng tôi cũng chuẩn bị sang ao để tôm mau lớn kịp thu hoạch lấp lại vụ lúa”.

Đánh giá về vụ nuôi tôm sú của mình năm nay, anh Hồng nhận định: “Hiện tôm phát triển khá ổn định, vì ngoài ao nuôi 10.000 tôm post đang cho thu hoạch đều đặn tôm ôxy mỗi ngày, 52.000 tôm post còn lại cũng đang phát triển tốt, hy vọng đến cuối vụ sẽ đạt năng suất và lợi nhuận khá. Hiện, tôi và các thành viên HTX Hòa Đê vừa tích cực chăm sóc tôm nuôi vừa chuẩn bị lúa giống làm mạ để kịp vụ lúa sau khi thu hoạch dứt điểm vụ tôm. Vụ lúa năm nay, HTX có hợp đồng làm lúa hữu cơ giống ST24 (top 3 thế giới) với DNTN Hồ Quang theo giá hợp đồng bao tiêu khá cao nên lợi nhuận chắc chắn sẽ cao hơn mọi năm”.

>> Theo anh Mã Văn Hồng, nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến với mật độ 7 – 10 con/m2 nếu đạt năng suất và giá bán tương đối mỗi ha có thể lời 1 – 2 trăm triệu đồng là không khó, trong khi chi phí đầu tư chưa đến 100 triệu đồng.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!