Sông Cầu – Phú Yên: Cá chết hàng loạt vì ô nhiễm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi cá mú ở đầm Cù Mông đang phát triển mạnh, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Tuy nhiên, người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi mật độ quá dày, không xử lý vệ sinh lồng, bè nuôi… khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Thủ phạm Vibrio Alginolyticus

Theo UBND TX Sông Cầu, diện tích nuôi trồng thủy sản ao, đìa tại thị xã này khoảng 675 ha và nuôi thủy sản lồng bè khoảng 25.500 lồng; trong đó nuôi cá mú hơn 2.500 lồng, chủ yếu ở các xã ven đầm Cù Mông (Xuân Hòa, Xuân Thịnh, Xuân Lộc, Xuân Cảnh, Xuân Bình…). Sản lượng thu hoạch hàng năm trên 100 tấn, nghề nuôi cá mú đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, có hộ thu nhập khá. Ông Võ Thanh Bình (thôn Hòa Thọ, xã Xuân Hòa) cho biết: Hòa Thọ có hơn 80% số hộ nuôi cá mú. Năm nay, giá cá giống và thức ăn cho cá tăng cao hơn năm trước, kéo theo chi phí đầu tư tăng. Ngay từ đầu vụ nuôi, cá giống đã bị chết lai rai khi ủ, cá có triệu chứng lở loét ngoài thân và đầu chuyển sang đen dần rồi chết. Nhưng khoảng một tháng nay cá mú nuôi bị chết hàng loạt, cá nuôi 6 – 10 tháng, trọng lượng 0,4 – 1kg/con. Triệu chứng cá chết là trên thân có nhiều vết lở loét, bong tróc vảy và cá nuôi lồng bị chết nhiều.

Cá mú nuôi ở đầm Cù Mông chết hàng loạt – Ảnh: Phạm Ngọc Chung

Theo UBND TX Sông Cầu, số cá bị bệnh chỉ xảy ra với cá nuôi lồng nhưng chủ yếu cá có trọng lượng 0,5 – 1kg/con, cá nhỏ và cá nuôi ao, đìa chưa thấy xuất hiện bệnh. Dấu hiệu ngoại quan khi cá mắc bệnh là trên thân cá có nhiều vết loét hình tròn, một số trường hợp bị nặng có hiện tượng bong tróc vảy và xuất huyết ngoài da. Theo thống kê ban đầu, tại xã Xuân Thịnh có gần 380 lồng nuôi với khoảng 75.400 con, tỷ lệ cá chết đến 70 – 100%; tại xã Xuân Hòa bị thiệt hại 30 – 40% trong gần 4.700 con. Ông Phạm Xuân Hương, Trưởng trạm Thú y TX Sông Cầu, cho biết: “Khi nhận được thông tin cá mú nuôi lồng ở thôn Hòa Thọ (xã Xuân Hòa) và các thôn Phú Dương, Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh) bị chết với tỷ lệ lớn, Trạm Thú y đã cử cán bộ chuyên môn đến hiện trường để nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân ban đầu và báo cáo cấp trên. Nguyên nhân có thể là do thời tiết nắng nóng bất thường làm nhiệt độ nước tăng cao, mặt khác do mật độ nuôi quá dày, đặc biệt đối với vùng nuôi thuộc xã Xuân Thịnh với mật độ thả nuôi 250 – 300 con/lồng. Ngoài ra, việc vệ sinh lồng, bè nuôi cá mú chưa được người nuôi quan tâm đúng mức, đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển nhanh trên đàn cá nuôi trong thời gian ngắn. Ngày 12/4, Trung tâm Thú y vùng IV Đà Nẵng cùng Trạm Thú y TX Sông Cầu lấy mẫu cá, mẫu nước xét nghiệm. Kết quả dương tính với vi khuẩn Vibrio Alginolyticus.

 

Khẩn trương phòng chống dịch bệnh

Trước tình hình cá mú và cá chẽm nuôi bị chết hàng loạt, UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, phường tiến hành kiểm tra các vùng nuôi cá mú và thống kê danh sách hộ nuôi bị thiệt hại. Hướng dẫn người nuôi cách điều trị, tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi cá trên địa bàn thị xã cách phòng, chống dịch bệnh và đưa mẫu đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân cá chết. Tổ chức họp dân để thông báo cho các hộ nuôi kịp thời phát hiện cá chết, đưa vào trong bờ chôn hoặc đốt, xử lý tiêu độc, khử trùng, tuyệt đối không được vứt bỏ tại vùng nuôi. Tạm thời dừng thả nuôi cho đến khi có hướng dẫn cụ thể.

Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Phòng Kinh tế cùng Trạm Thú y TX Sông Cầu đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và các biện pháp phòng trị bệnh cá mú để người nuôi áp dụng.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, tình hình cá mú nuôi trên địa bàn xã đã dần ổn định, lượng cá bị bệnh chết cũng giảm. Tuy nhiên, đến nay có hơn 80 hộ nuôi cá mú ở địa phương bị thiệt hại lớn, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ để các hộ nuôi khôi phục sản xuất.

Theo UBND TX Sông Cầu, năm 2013 chủ trương của TX là đa dạng hóa vật nuôi thủy sản, thân thiện môi trường, trong đó có đối tượng nuôi là cá mú. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở quản lý chặt quy hoạch các vùng nuôi theo hướng bền vững. Tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, phường quản lý theo phương án phân vùng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển. Triển khai biện pháp phát huy hiệu quả vai trò các tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng trừ dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường vùng nuôi. Vận động, hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện thả thưa, đúng lịch thời vụ; thả xen canh, luân canh với vật nuôi khác. Chủ động nguồn giống sản xuất tại địa phương trên cơ sở gắn kết các khu quy hoạch trại sản xuất giống, đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống chất lượng và sạch cho địa phương…

>> Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu: Đợt dịch bệnh cá mú vừa qua đã ảnh hưởng đến nhiều hộ nuôi ở các xã Xuân Thịnh, Xuân Hòa, Xuân Cảnh…; đề nghị Sở NN&PTNT sớm chỉ đạo kiểm tra và xem xét hỗ trợ các hộ nuôi bị thiệt hại để khôi phục sản xuất.

Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!