Sức khỏe đại dương, mối lo ở ACOFB

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần 400 đại biểu đại diện các quốc gia biển, ven biển và quốc đảo ở châu Á và các chuyên gia thuộc các tổ chức quốc tế và khu vực tham dự và góp ý kiến tại Hội nghị châu Á về Đại dương, An ninh thực phẩm và Tăng trưởng xanh (ACOFB 2013) diễn ra từ 18 – 21/06/2013, tại Bali, Indonesia.

 

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội nghị ACOFB 2013.

Hội nghị thực chất là một diễn dàn hậu Rio+20 để các chuyên gia, các nhà quản lý quốc gia và khu vực châu Á chia sẻ các kết quả giải quyết vấn đề anh ninh thực phẩm thông qua vai trò của đại dương và tăng trưởng xanh bền vững được thực hiện ở các cấp độ khác nhau.

Với thông điệp “Tăng trưởng xanh cho sự thịnh vượng!” (Blue Growth for Prosperity), Hội nghị đã phác thảo tầm nhìn: “Sức khỏe của các đại dương thuộc khu vực châu Á để phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản bền vững; xúc tiến an ninh dinh dưỡng và thực phẩm gắn với duy trì các dịch vụ của hệ sinh thái biển và đại dương – yếu tố nền tảng bảo đảm tăng trưởng xanh cho sự thịnh vượng kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân địa phương”.

Giải quyết các thách thức chủ yếu: khai thác quá mức nguồn lợi biển và đại dương, vượt quá cường lực đánh bắt; làm thay đổi và mất các nơi cư trú tự nhiên của các loài (habitat); làm suy giảm đa dạng sinh học biển và đại dương; gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương; quản lý tập trung quan liêu. 

Trên cơ sở đó, Hội nghị đã xác định các hành động ưu tiên ở cấp khu vực và quốc gia, chủ yếu là: áp dụng cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành trong quản lý biển và đại dương cũng như vùng bờ biển; quản trị biển và đại dương hiệu quả; chú trọng các sáng kiến nghề cá nhỏ và ở cấp cộng đồng địa phương; hỗ trợ tăng cường sức chống chịu của đại dương, vùng bờ biển và cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu, trước những thay đổi dưới tác động nhân sinh ở cấp khu vực và quốc gia; giảm thiểu hoặc loại bỏ các tác động đánh bắt hủy diệt và suy thoái môi trường biển thông qua phục hồi nơi cư trú của thủy sản và các hệ sinh thái liên quan; tăng cường nỗ lực mới để quản lý các tác động xấu trong nuôi thủy sản trên biển, bảo đảm tính bền vững trong vai trò tăng trưởng của nó góp phần mở ra một lĩnh vực mới đối với tăng trưởng xanh; bảo đảm tài chính bền vững cho tăng trưởng xanh dựa vào “nguồn vốn thiên nhiên”; quản lý tốt hệ thống thông tin nghề cá, cùng với tăng cường kiểm soát và giám sát viêc thực hiện nghề cá có trách nhiệm. 

Giải pháp chiến lược là thúc đẩy cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các cam kết, thỏa thuận khu vực về nghề cá trách nhiệm, về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường biển và đại dương khu vực châu Á, về Tuyên bố Đại dương toàn cầu Manado, về Kế hoạch hành động Bali của APEC, v.v.

Thông điệp và lộ trình bảo đảm an ninh thực phẩm dựa vào nguồn lực của đại dương và tăng trưởng xanh của ACOFB 2013 là bước chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về Hành động Đại dương toàn cầu sẽ được tổ chức tại La Hay (Hà Lan) vào đầu tháng 10 năm 2013.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi (gửi về từ Bali, Indonesia)

Infonet

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!