T2, 06/07/2020 01:09

Tăng chất lượng, giảm giá thành

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây được xem là hai trong số những giải pháp trọng tâm trong phát triển ngành tôm bền vững được các đại biểu đề xuất tại Hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững” tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu ngày 6/6 vừa qua dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình nuôi tôm hồ nổi tròn tại Bạc Liêu Ảnh: PTC

Để giá thành hạ

Liên quan đến giải pháp nuôi tôm sạch, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) đề xuất: “Con tôm sạch được các nhà nhập khẩu, phân phối chấp nhận là con tôm có chứng nhận quốc tế như: ASC, BAP… Tuy nhiên, để đạt các tiêu chuẩn trên, các hộ nuôi nhỏ lẻ khó lòng kham nổi, bởi chi phí quá lớn, khó đảm bảo hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiến hành song song giữa việc hình thành các THT, HTX với chủ trương tích điền tạo nên các trang trại, khu nuôi lớn, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hành nuôi tôm sạch”.

Cùng mong muốn có được con tôm sạch, giá thành hạ nhưng ông Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Mạnh không khỏi băn khoăn: “Cái khó hiện nay là chất lượng con giống chưa thật sự tốt, giá thành thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất trong nuôi tôm còn cao ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công và tính hiệu quả cho người nuôi. Hệ thống thủy lợi phục vụ cấp, thoát nước cho vùng nuôi chưa đồng bộ, dễ gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Nguồn điện có nơi thì thiếu, nơi có thì lại yếu khiến nhiều hộ dù đã thực hiện ao nuôi hoàn chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thể thả nuôi được. Đặc biệt, người nuôi đang thiếu vốn để đầu tư nuôi công nghệ cao và giá tôm tăng, giảm thất thường cũng khiến họ chưa thật sự an tâm”.

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh nêu hai vấn đề quan trọng cần giải quyết để thực hiện chiến lược phát triển ngành tôm bền vững là làm sao giảm được giá thành nuôi tôm và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Theo ông Huy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần sớm có giải pháp căn cơ để giảm giá thành nuôi tôm, vì dư địa để thực hiện còn khá lớn. Ông Huy dẫn chứng: “Chỉ riêng ở chuỗi cung ứng vật tư đầu vào nuôi tôm thôi thì hầu hết đều phải qua trung gian đại lý, vì đa số người nuôi tôm thiếu vốn. Do vậy, Tổng cục Thủy sản cần sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi để làm cơ sở cho các ngân hàng mạnh dạn cho hộ nuôi vay vốn, giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó sẽ giảm được giá thành nuôi tôm”.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Vấn đề mở rộng thị trường theo ông Võ Quan Huy, một số nước Nam Mỹ như Brazil rất đông dân và cũng có nhu cầu tiêu thụ tôm khá lớn và một số thị trường tiềm năng khác nữa, rất cần được khai thác để mở rộng thị phần. Riêng thị trường Trung Quốc dù hiện tại họ đang siết chặt việc nhập khẩu tiểu ngạch nhưng lại sẵn sàng mở cửa đối với thị trường chính ngạch nên cũng cần được chú trọng khai thác. Còn theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, thị trường nội địa của Việt Nam còn rất lớn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tiếp cận thị trường này, thông qua việc nuôi tôm đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, vì nếu không sẽ không vào được các hệ thống siêu thị.

Cũng liên quan đến vấn đề thị trường, người nuôi tôm và doanh nghiệp cho rằng, chính sách này đang bị lạm dụng, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành tôm trong nước. Ông Hòe minh chứng: “Hiện nay, Trung Quốc đang có xu hướng mua tôm từ Ấn Độ nhiều hơn tôm Việt Nam nhưng chủ yếu lại thông qua con đường tạm nhập, tái xuất từ Việt Nam, nên ngành chức năng cần tăng cường giám sát để tránh gian lận thương mại và đưa khách hàng Trung Quốc trở lại với con tôm Việt Nam. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất: “Vấn đề tạm nhập tái xuất chỉ nên thực hiện trong những thời điểm khan hiếm nguồn nguyên liệu tôm trong nước, còn khi sản lượng tôm dồi dào thì không nên để giúp ổn định giá tôm, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi”.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong đợt giá tôm giảm mạnh vừa qua, về tổng thể Việt Nam là quốc gia ít bị tác động nhất do chúng ta chưa vào chính vụ và phần lớn lượng tôm thu hoạch ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, muốn ngành tôm phát triển bền vững, có tính cạnh tranh và khả năng thích ứng với biến động thị trường, dứt khoát chúng ta phải nuôi tôm sạch và có giá thành hạ. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: “Để có con tôm sạch và giá thành hạ, dù có khó cách mấy đi chăng nữa các địa phương cũng phải cố gắng tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị con tôm. Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn người nuôi thực hiện đúng quy trình và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới để giảm chi phí, tăng tỷ lệ thành công và hiệu quả nghề nuôi”.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới là điều chắc chắn, nên các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi nhưng hạn chế thu hoạch tôm thẻ cỡ nhỏ nhiều nhằm tránh giảm giá. Giá tôm giảm chỉ là tạm thời, vấn đề quan trọng hiện nay là cần điều chỉnh nhanh khâu sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo có một vụ tôm thành công như mục tiêu đề ra. Cùng đó, người nuôi tôm phải bình tĩnh trước tình hình hiện nay. Đối với người nuôi thâm canh thì không bán tôm non; bà con nuôi ao đất thì cần điều chỉnh về quy trình nuôi, cho tôm ăn hợp lý. Đối với các doanh nghiệp đầu vào nên xem đây là cơ hội rà soát lại quản trị để hạ giá thành đi đôi với chất lượng, để nuôi dưỡng thị trường lâu dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến phải chia sẻ khó khăn với người nuôi, coi người nuôi là bạn hàng bền vững cho mình.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!