Tăng cường giống cá đặc sản trong nuôi lồng, bè

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 23/9, tại Nhà khách Minh Thanh, TP Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Tuyên Quang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng Trung du miền núi phía Bắc”.

Tham dự có ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diện Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam cùng nhiều đơn vị và một số hộ nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Các đại biểu dự Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp

Theo Tổng cục thủy sản, 6 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện… Đến hết tháng 8/2016, số lượng lồng, bè nuôi cá của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc là 8.765 lồng, sản lượng ước đạt 17.478 tấn. Trong đó, nhiều nhất là Hòa Bình 2.800 lồng, sản lượng 3.200 tấn; Sơn La 640 lồng, sản lượng 1.200 tấn; Phú Thọ 962 lồng, sản lượng 2.994 tấn… Các loại cá chính được nuôi là: chiên, lăng, tầm, trắm, chép, rô phi, điêu hồng…

Ban cố vấn giải đáp các thắc mắc của các đại biểu

Nuôi cá lồng bè tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tuy chưa tạo thành hàng hóa xuất khẩu, nhưng đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn, cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, giải quyết việc làm, giảm tệ nạn phá rừng…

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về những lợi thế trong phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ trong khu vực. Đồng thời nêu ra một số khó khăn, tồn tại như: chất lượng môi trường nuôi ngày càng suy giảm do tác động của nhà máy công nghiệp; công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cá đặc sản còn ở mức thấp; việc quảng bá, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí triển khai nhân rộng các mô hình nuôi, đặc biệt là mô hình nuôi cá đặc sản, cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao còn hạn chế…

tăng cường giống cá đặc sản nuôi lồng, bè

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng của hộ ông Bùi Phương Diện, xã Yên Lập (Chiêm Hóa)

Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó tập trung vào việc sản xuất giống cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu nuôi hàng hóa của người dân; hướng dẫn, nhân rộng các mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP;  tăng cường hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi để có những khuyến cáo về môi truòng, dịch bệnh… và có giải pháp giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Trần Liên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!