Tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp (cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) không phải vấn đề mới; tuy nhiên trong thời gian qua vấn đề này còn nhiều bất cập. Thời gian tới, cần cố gắng tháo gỡ những bất cập này, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Cần có mối quan hệ chặt chẽ trong chuỗi sản xuất giữa người nông dân, nhà cung cấp giống và vật tư cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nhằm ổn định “đầu vào, đầu ra”, giảm đến mức thấp nhất rủi ro về giá cả, thị trường, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” hay “mất mùa được giá”.

Có một đầu mối liên kết dựa trên sự hợp tác tự nguyện giữa chính quyền, ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng cung cấp loại nguyên liệu nào đó và tiếp nhận thông tin để mỗi khi gặp khó khăn phát sinh, cùng hợp lực giải quyết.

Với nông dân, nên chăng tổ chức lại sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ quản lý cộng đồng, để cùng hỗ trợ và giám sát nhau trong việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu thị trường với giá thành hợp lý, khả năng cạnh tranh cao; nên có hợp đồng tiêu thụ có giá trị pháp lý ngay từ đầu vụ sản xuất (đây là cơ sở tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn vay) để nông dân an tâm sản xuất và có cơ sở tự bảo vệ mình nếu có tranh chấp.

Ngành cá tra đang rất cần sự liên kết để phát triển bền vững – Ảnh: CTV

Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần minh bạch trong việc cung cấp các thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho người nông dân, cho nhà khoa học và Nhà nước, để tổ chức sản xuất ra sản phẩm theo yêu cầu của thị trường và khách hàng; đặc biệt doanh nghiệp cần quan tâm chia sẻ quyền lợi với nông dân, là phương châm kinh doanh quan trọng góp phần phát triển ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đoàn kết lại và thành lập những hội, đoàn, tập đoàn kinh tế để hỗ trợ nhau trong chế biến, trong cân đối nguồn nguyên liệu, bảo quản và điều tiết giá thị trường. Tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho sản phẩm cùng loại trên thị trường. Việc đoàn kết trong kinh tế, trong việc nâng cao uy tín, thương hiệu và sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trên thị trường quốc tế, chính là cách các doanh nghiệp tự bảo vệ quyền lợi của mình và góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nhà nước cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thông qua việc thu thập, phân tích thông tin đưa ra dự báo dài hạn, trung hạn và ngắn hạn giúp nông dân định hướng sản xuất theo hướng đón đầu thị trường, định hướng nhu cầu của người tiêu dùng. Địa phương cần có quy hoạch vùng sản xuất; có chủ trương, chính sách cụ thể cho từng vùng, từng ngành nghề sản xuất, hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi giá trị.

Nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kịp thời, góp phần giảm tối đa giá thành sản xuất, tăng tối đa lợi nhuận cho nông dân.

Nếu tất cả các bên liên quan thực hiện việc cân đối và kiểm soát được các khâu từ sản xuất nguyên vật liệu đầu vào, dịch vụ kỹ thuật, con giống đến việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ và thị trường xuất khẩu theo chuỗi giá trị thì vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp mới đạt hiệu quả ổn định, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Phương Dung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!