Tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản, nhằm tạo điều kiện cho việc kiểm soát và quản lý chất lượng giống thủy sản được đồng bộ, hiệu quả nhất. TSVN đã trao đổi với ông Bùi Đức Quý (ảnh), Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư này nhằm mục đích gì?

Ngày 22/5/2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 26, nhằm quản lý chất lượng con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản. Bởi, tình hình sản xuất và kinh doanh giống thủy sản những năm gần đây có rất nhiều bất cập, đặc biệt với tôm giống. Như vấn đề chất lượng con giống không đảm bảo, giống trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng còn nhiều gây rủi ro cho người nuôi tôm. Bên cạnh đó, giống là một yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình nuôi trồng. Nếu con giống không đảm bảo chất lượng, nhiễm bệnh nguy hiểm, không xác định được nguồn gốc, người nuôi trồng thủy sản sẽ không có những biện pháp kịp thời để phòng chống dịch bệnh, dịch bệnh sẽ phát sinh trong quá trình nuôi gây tổn thất lớn cho người nuôi, giảm năng xuất và sản lượng và hiệu quả nuôi trồng không cao; đồng thời ảnh hưởng lớn tới sản xuất, tạo ra sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, gây khó trong quá trình tiêu thụ. Tôm giống (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) là một trong 4 đối tượng chính được đề cập tại Thông tư 26. Diện tích nuôi tôm không ngừng được mở rộng qua các năm; nhu cầu con giống rất lớn, nhất là thời điểm chính vụ.

 

Vấn đề quan trọng nhất mà Thông tư 26 đề cập là gì, thưa ông?

Thông tư gồm 7 chương, 28 điều, tập trung những lĩnh vực chính:

– Thứ nhất, phải quản lý được chất lượng con giống. Nghĩa là phải quản lý được về các tiêu chuẩn của một con giống sạch; không nhiễm mầm bệnh; điều kiện sản xuất tuân thủ quy trình công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn sinh học (cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phù hợp; sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường… có trong danh mục được phép lưu hành…); phải được kiểm tra xét nghiệm các bệnh thường mắc phải trước khi cho sinh sản, trước khi lưu thông. Đồng thời, giống bố mẹ và tôm post phải đảm bảo đủ sức khỏe, kích cỡ, tuổi thành thục, không nhiễm bệnh.

– Thứ hai, quản lý giống nhập khẩu. Phải đảm bảo con giống được nhập về có nguồn gốc rõ ràng, tại những cơ sở có uy tín, có kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề dịch bệnh.

– Thứ ba, vấn đề xã hội hóa. Nếu như trước đây, vấn đề gia hóa tôm bố mẹ chỉ được Bộ giao cho một số viện, trường, trung tâm…, thì nay đã mở rộng hơn, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cơ sở vật chất, áp dụng quy trình công nghệ đã được nghiên cứu và công nhận, đều có thể thực hiện gia hóa (Đây cũng là điểm mới trong thông tư này).

 

Gia hóa tôm bố mẹ cần thiết cho sự phát triển của nghề nuôi tôm – Ảnh: Phan Thanh Cường

Theo ông, Thông tư 26 được ban hành sẽ có tác dụng như thế nào đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống thủy sản và người nuôi?

Việc ban hành Thông tư sẽ có tác dụng rất lớn đối với nhiều đối tượng, thành phần, nhất là các cơ sở sản xuất giống và người nuôi thủy sản. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản sẽ hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các yêu cầu. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về giống thủy sản do mình sản xuất kinh doanh, nhằm tạo ra nguồn giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng.

Cùng đó, khi Thông tư 26 được thực thi và đạt hiệu quả, sẽ giúp người nuôi có được những con giống khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng; từ đó, hạn chế được rủi ro trong quá trình sản xuất. Về phía quản lý nhà nước, thông tư này đã tạo được sự thông thoáng, mang tính xã hội hóa, có phân cấp rõ ràng vai trò và nhiệm vụ các cấp. Tại Trung ương, thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về giống thủy sản trong cả nước; giám sát nhập khẩu; kiểm tra, thanh tra chất lượng con giống; kiểm tra trách nhiệm cơ quan quản lý địa phương trong quản lý giống thủy sản. Tại địa phương, các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản ở địa phương thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; kiểm tra chất lượng con giống được sản xuất và lưu hành tại địa phương; tổ chức tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về giống thủy sản; báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và chất lượng giống thủy sản về Tổng cục Thủy sản theo định kỳ 6 tháng, 1 năm…

 

Để Thông tư 26 đi vào thực tế và phát huy tác dụng, theo ông, việc cần làm là gì?

Để Thông tư 26 thực sự mang lại hiệu quả và có tính khả dụng cao, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong triển khai thực hiện. Tổng cục Thủy sản cần tổ chức thực hiện đồng bộ tại các tỉnh, thành, đặc biệt tại các vùng trọng điểm  nuôi trồng thủy sản và nhu cầu con giống cao như ĐBSCL, miền Trung… Chi cục NTTS, Cục Quản lý chất lượng, các viện nghiên cứu thủy sản, các cơ sở sản xuất giống và các tổ chức, cá nhân sản xuất thủy sản cần nắm bắt đầy đủ nội dung Thông tư. Trong tháng 6 này, Tổng cục cũng sẽ tổ chức Hội nghị sản xuất và cung ứng giống thủy sản, nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp, giải quyết thắc mắc xung quanh việc triển khai Thông tư. Các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và khắc phục những trường hợp vi phạm, để điều chỉnh cho phù hợp thực tế sản xuất.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!