T2, 06/07/2020 01:33

Tăng cường quản lý nghề cá ven bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, các ngành có liên quan của tỉnh và các địa phương đã tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động khai thác thủy sản vùng ven bờ.

Các ngành có liên quan của tỉnh tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân về các quy định của pháp luật trong khai thác hải sản tại Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn).

Toàn tỉnh hiện có 3.580 tàu cá có công suất dưới 20 CV được phân cấp cho UBND các huyện, thành phố ven biển quản lý. Phần lớn các tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ, công nghệ và phương pháp khai thác lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm… Thậm chí, vẫn có trường hợp khai thác hải sản bằng cách sử dụng xung điện, lưới có kích cỡ mắt nhỏ hủy diệt các loài thủy sản, nhất là vào mùa sinh sản, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái. Trên một số tuyến sông vẫn còn tình trạng người dân làm đăng, đó khai thác thủy sản. Nhận thức của ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao, tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác còn gia tăng dưới nhiều hình thức, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Một số chủ tàu cá chưa thực hiện nghiêm các quy định về trang bị an toàn cho người và tàu cá, như: Thiếu phao cứu sinh, thiếu máy thông tin liên lạc, không báo cáo vị trí và vùng hoạt động của tàu với các cơ quan quản lý…

Trước thực trạng trên, thực hiện “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa” năm 2019, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phối hợp với các lực lượng có liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố ven biển tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tại các khu vực cửa sông, vùng ven biển và việc chấp hành các quy định pháp luật của ngư dân trong khai thác hải sản. Phát hiện, ngăn chặn xử lý nhiều vụ vi phạm với các hình thức sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm, chất nổ, xung điện để khai thác thủy, hải sản, khai thác sai vùng. Xây dựng các chương trình, dự án chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thủy, hải sản ven bờ. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm theo Thông tư số 89/2011/TT-BNNPTNT ngày 29-12-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức phát sổ nhật ký khai thác cho tất cả các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên; cử cán bộ trực tiếp xuống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu, thuyền hướng dẫn cho ngư dân cách ghi nhật ký khai thác. Tăng cường trang bị về phương tiện và con người cho lực lượng thanh tra chuyên ngành bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh, tranh cổ động, khẩu hiệu, phát tờ rơi… nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và ngư dân các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an toàn tàu cá. Tập trung nêu rõ tác hại của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản, qua đó vận động nhân dân tự nguyện ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai kế hoạch thực hiện “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa” năm 2019 (từ ngày 15-3 đến 15-5-2019) phấn đấu 100% cán bộ quản lý thủy sản, 60% ngư dân của các xã nghề cá tại các huyện, thành phố ven biển được phổ biến nội dung của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Giảm 70% số vụ vi phạm về xung kích điện để khai thác thủy sản; giảm 80% tàu cá làm nghề lưới kéo khai thác thủy sản vi phạm về vùng khai thác, các quy định trong thời gian tổ chức thực hiện tháng hành động. Ngăn chặn hiệu quả các hoạt động khai thác vi phạm tại vùng biển ven bờ, hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong thời gian thực hiện tháng hành động.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Theo Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!