Tăng lợi nhuận trong xuất khẩu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới vẫn chưa ra khỏi suy thoái, nhưng đầu năm nay xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng trưởng khá; trong đó, mặt hàng thủy sản vẫn khẳng định được vị trí mũi nhọn.

Ấn tượng thủy sản

6 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt 2.866,5 nghìn tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá 2.128,3 nghìn tấn (tăng 1,9%), tôm 312,9 nghìn tấn (tăng 20,8%). Sản lượng nuôi trồng 6 tháng đạt 1.453.000 tấn, tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước; trong đó, tôm 229.500 tấn (tăng 26,2%). Khai thác thủy sản 230.900 tấn (tăng 3,8%), trong đó khai thác biển 213.700 tấn (tăng 4,2%).

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ 6 tháng đầu năm đạt 804,71 triệu USD (tăng 41,3% so cùng kỳ năm 2013), sang Nhật Bản tăng 7,32%, sang Hàn Quốc tăng 51,33%. Giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước 7 tháng đầu năm ước đạt 4,2 tỷ USD là một thành công ngoài dự báo.

Riêng với cá ngừ. Ngày 5/8 vừa qua, tại thành phố Quy Nhơn, Công ty CP Thủy sản Bình Định và Công ty Kato Hitoshi ở thành phố Osaka (Nhật Bản) đã ký hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương. Đây là hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương đầu tiên thực hiện theo mô hình thí điểm khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật. Với những bước đi đầu tiên này, cá ngừ đại dương đang mở ra kỳ vọng mới cho sản phẩm xuất khẩu chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam.

 

Triển vọng thị trường

Thị trường Mỹ hiện chiếm 23% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và đang có xu hướng nhập nhiều sản phẩm tôm Việt Nam nên dự báo xuất khẩu thủy sản sang đây vẫn tăng 37%. EU tiếp tục là thị trường lớn thứ hai về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo nhận định của VASEP, nhờ tôm, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng thị trường EU hơn nữa.

Australia đang được đánh giá nhiều hứa hẹn, với dân số hơn 23 triệu người và mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tăng 25 kg/năm. Năm 2013, nước này nhập  khoảng 1,46 tỷ USD thủy sản. Việt Nam hiện là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Australia (sau New Zealand và Trung Quốc) nhưng chỉ chiếm khoảng 11% thị phần, ước trị giá 160 triệu USD. Chính phủ nước này đang khuyến khích thị trường quan tâm cá tra Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Tây Á, Nam Á và châu Phi tăng nhanh. Xuất khẩu sang Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đạt 33,75 triệu USD (tăng 23%), Ả rập Xê út 33,66 triệu USD (tăng14%), Israel 23,83 triệu USD (tăng 20%), Cô-oét 6,28 triệu USD (tăng 30%), Iraq 3,3 triệu USD (tăng 153%)…

Chế biến cá tra xuất khẩu – Ảnh: Nam Anh

Tuy nhiên, những con số này chưa phản ánh hết thực tế. Bởi nhiều chuyên gia và các nhà khoa học vẫn tiếp tục cảnh báo tình trạng Việt Nam phải nhập khẩu đầu vào với giá cao, khiến lợi nhuận thực trong lĩnh vực xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều.

7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu thủy sản đạt 605 triệu USD (tăng 74,3% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là Ấn Độ (32,7%) và Đài Loan (6,5%). Các chuyên gia cho rằng con giống, thuốc thú y và chi phí thức ăn thủy sản chiếm gần 80% tổng giá thành sản phẩm; nếu không chủ động được đầu vào thì lợi nhuận thực của doanh nghiệp và người nuôi trồng Việt Nam giảm nhiều.

 

Phải đến tận tay người tiêu dùng

Một số doanh nghiệp cho rằng nghịch lý hiện nay chưa giải quyết được, đó là Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua trung gian (nhà nhập khẩu) ở các nước. Quá trình này khiến giá đội lên cao, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều. Một số thông tin cho biết: “Độ chênh giữa giá xuất khẩu và giá bán tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng ở nước nhập khẩu có thể đến 10 lần”. 

Hạn chế của các nhà xuất khẩu Việt Nam là việc “nội địa hóa” sản phẩm, chưa tốt đối với các thị trường, phải nhờ cậy các siêu thị, các nhà phân phối ở các nước. Thống  kê cho thấy có đến 70% sản lượng xuất khẩu chủ lực ở dạng sơ chế (đông lạnh). “Cứ 2,8 kg nguyên liệu cho ra 1 kg sản phẩm, 1 kg cá fillet xuất khẩu thu được 2,8 USD thì chi phí nguyên liệu đã 2,52 USD, còn lại 28 cent chênh lệch bao gồm tất cả chi phí sản xuất và lợi nhuận”.

Ngành thủy sản Việt Nam chắc chắn cần một cuộc cách mạng lớn trong việc xuất khẩu các sản phẩm được chế biến tinh, nếu muốn tăng giá trị lợi nhuận xuất khẩu. Con số cho thấy cơ cấu sản phẩm hàng thủy sản xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam mới chiếm 8,2%; trong khi sản phẩm công nghệ cao của Indonesia 18%; Philippines 33%; Thái Lan 49%, Malaysia 67%. Đây sẽ là bài toán cho ngành thủy sản Việt Nam thời gian tới.

>> Với đà tăng trưởng như hiện nay, đặc biệt là mặt hàng tôm, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục đi lên. Dự kiến trong quý III này, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 2,1 tỷ USD.

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!