Tạo động lực phát triển nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Trung tâm nghề cá được xác định là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển của nghề cá Việt Nam. Việc nhanh chóng xây dựng các trung tâm này được đặt ra cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá hiện đại.


Tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản luôn ổn định và ở mức khá cao

Quy hoạch đã có

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản luôn ổn định và ở mức khá cao. Tuy nhiên, trên thực tế ngành cũng đang gặp phải nhiều khó khăn; trong đó có việc nhiều cảng cá xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường… không đáp ứng được nhu cầu đánh bắt thủy hải sản. Trong khi, nguồn vốn để xây dựng trung tâm nghề cá lại đang gặp khó, việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cũng không dễ…

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 5 Trung tâm nghề cá gắn với những vùng khai thác trọng điểm tại: Hải Phòng (ngư trường Vịnh Bắc bộ), Đà Nẵng (Biển Đông và Hoàng Sa), Khánh Hòa (ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa), Bà Rịa – Vũng Tàu (ngư trường Đông Nam bộ), Kiên Giang (ngư trường Tây Nam bộ).

Trung tâm nghề cá lớn gồm tổ hợp cảng cá động lực kết nối với hệ thống các hạ tầng kinh tế, xã hội, dịch vụ hầu cần nghề cá, có quy mô cấp quốc gia, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản, đặc biệt khai thác xa bờ, gắn với các ngư trường trọng điểm. Việc đầu tư xây dựng các Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm là nhu cầu tất yếu phù hợp với nguyện vọng của ngư dân nhằm cơ cấu lại nghề cá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, hợp lý hóa khai thác ven bờ, là nhiệm vụ chiến lược, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế ngành thủy sản nói riêng và kinh tế biển nói chung gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Tập trung đẩy mạnh

Ngày 7/6/2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển kinh tế thủy sản, xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025: tăng trưởng giá trị sản xuất 2,5%/năm, sản lượng tăng 2,5 – 3%/năm; giá trị sản xuất thủy sản chiếm 43,9% trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất nhóm ngành nông nghiệp; hoàn thành xây dựng Cảng cá động lực và hạ tầng cơ bản của các phân khu chức năng thuộc Trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ. Giải pháp thực hiện là tập trung nguồn lực, xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm Nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; thu hút đầu tư, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế thủy sản…

Tại Khánh Hòa, trong thời gian qua tỉnh đã hoàn thiện việc quy hoạch chi tiết, phân hạng mục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo các chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trung tâm nghề cá lớn. Đồng thời, tỉnh cũng sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia xây dựng các hạng mục trong Trung tâm nghề cá lớn.

Là địa phương có lĩnh vực khai thác thủy sản phát triển mạnh trong cả nước, Kiên Giang kêu gọi đầu tư với 64 danh mục dự án, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; nuôi thủy sản trên biển; nuôi tôm nhà kính; công nghệ đánh bắt thủy sản xa bờ và bảo quản sau đánh bắt; Trung tâm nghề cá; khu trung chuyển nông sản; công nghiệp chế biến nông sản; cấp nước và xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; các dự án du lịch. Ngoài ra, tỉnh cũng mời gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các cảng biển, cảng sông…

>> Ước tính nguồn vốn để xây dựng 5 Trung tâm nghề cá trên khoảng 14,9 nghìn tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 800 tỷ đồng, số vốn còn lại sẽ được xã hội hóa.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!