Tạo thuận lợi cho nghề nuôi ốc hương

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi ốc hương hiện đã phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương. Đây là thành quả của việc chủ động được con giống cho nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, để nghề nuôi này phát triển hiệu quả và bền vững, cần tạo những điều kiện thật thuận lợi.


Nghề nuôi ốc hương ở nước ta phát triển nhanh

Rất được ưa chuộng

Ốc hương thuộc loại ốc xoắn, vỏ màu vàng điểm các chấm nâu, phân bố khắp các miền cận biển với đáy cát pha bùn, kích cỡ cá thể lớn nhất dài không quá 10 cm và nặng khoảng 60 g. Nhìn bề ngoài, ốc hương có màu lốm đốm xanh trắng vàng rất sạch đẹp. Tại Việt Nam, ốc hương phân bố chủ yếu ở biển miền Trung rải rác dọc ven biển từ Bắc vào Nam, trong đó khu vực phân bố chính thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và đặc biệt nhiều ở Bình Thuận (Phan Thiết, Hàm Tân), Vũng Tàu.

Từ năm 2000 đến nay, nghề nuôi ốc hương ở nước ta phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ven biển; đồng thời đã thay thế và sử dụng hiệu quả những ao nuôi tôm bỏ hoang, kém hiệu quả. Hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất có sản phẩm ốc hương xuất khẩu từ con giống nhân tạo và Khánh Hòa trở thành “cái nôi” của nghề nuôi ốc hương dù đây là khu vực không có loại thủy sản này phân bố.

Tại Việt Nam, năm 2000, Viện Nghiên cứu NTTS III (RIA 3) triển khai đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc hương” thành công và chuyển giao công nghệ cho các địa phương. Đến năm 2015, nghề sản xuất ốc hương đã phát triển rộng khắp các tỉnh ven biển, đáp ứng nhu cầu con giống nuôi thương phẩm. Vùng sản xuất giống ốc hương chủ yếu ở huyện Vạn Ninh, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và một số huyện ở tỉnh Phú Yên.

Cùng với công nghệ sản xuất giống, nghề nuôi ốc hương cũng phát triển rất nhanh. Theo số liệu thống kê, diện tích nuôi ốc hương trên cả nước chưa đến 10 ha năm 2003 nay đã lên đến gần 1.000 ha. Riêng Ninh Thuận, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2015, diện tích nuôi ốc hương toàn tỉnh có 29 ha, thì năm 2016, diện tích đã tăng đến 111,55 ha; còn tại Khánh Hòa, diện tích nuôi ốc hương của tỉnh thường dao động 400 – 600 ha, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. 

Tạo điều kiện thuận lợi

Nuôi ốc hương thương phẩm và sản xuất giống nhân tạo ốc hương ở các tỉnh miền Trung bắt đầu rộ lên như là một nghề mang lại lợi nhuận cao; nhiều người đổ xô nuôi loại đặc sản biển này. Tuy nhiên do phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch nên đã phát sinh nhiều bất cập về dịch bệnh và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo kết quả nghiên cứu của RIA 3, hiện ốc hương thường gặp các bệnh như sưng vòi, đơ chân, hoại tử mang và bệnh ốc chui ra khỏi vỏ… Nguyên nhân do ký sinh trùng, vi khuẩn và nấm… gây ra. Tuy nhiên tác nhân chính gây ra tình trạng ốc chết hàng loạt bùng phát thành dịch trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cho đến nay vẫn chưa xác định được, cần phải nghiên cứu tiếp và không loại trừ khả năng do virus.

Từ đầu tháng 4/2019 đến nay, người nuôi ốc hương ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh như ngồi trên đống lửa vì ốc đồng loạt chết không rõ lý do. Người nuôi cho hay, ốc trước khi chết đều có biểu hiện nhắt vòi, bỏ vỏ và ngoi lên khỏi mặt đất. Họ đã tìm đủ mọi cách, thuốc thang nhưng tình trạng chết vẫn không có dấu hiệu dừng lại.

Về thị trường tiêu thụ ốc hương thương phẩm, người nuôi cho rằng còn nhiều rất hạn chế, chủ yếu xuất bán hàng sống sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch; tuy nhiên thị trường này không ổn định; còn trong nước giá cả cũng biến động thất thường. Mặt khác, ốc hương chỉ có giá trị cao khi bảo quản được ốc sống đến nơi tiêu thụ; trong khi, trên thị trường hiện nay vẫn chưa có các sản phẩm ốc hương đã qua chế biến, sơ chế để chủ động phân phối và lưu thông, giảm thất thoát trong quá trình vận chuyển và nuôi.

Để nghề nuôi ốc hương phát triển bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cũng như những định hướng phát triển nghề nuôi ốc hương và quy hoạch lại vùng nuôi; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về bệnh trên ốc hương và các biện pháp phòng trị; nghiên cứu các mô hình nuôi bền vững; nghiên cứu chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu ốc hương thương phẩm. Cùng đó, người nuôi nên chọn ốc hương giống có kích cỡ đồng đều, không bị biến dạng, có màu sắc đặc trưng. Cần chú ý loại bỏ ốc bị bể vỏ, đặc biệt là phần cuối của vỏ. Nên mua con giống tại những trại sản xuất uy tín.

>> Thịt ốc hương rất bổ dưỡng, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ốc cung cấp nhiều calo, các loại Vitamin B không thể thiếu cho hoạt động của não và hệ thần kinh. Chính vì thế đây là loại đặc sản biển cao cấp, được nhiều người ưa thích, xuất khẩu rất được giá.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!