T2, 06/07/2020 01:12

Tạp chí Thủy sản Việt Nam: “Cầu nối của ngành và tài liệu của sinh viên, học sinh”

Chưa có đánh giá về bài viết

Phát hành số báo đầu tiên vào tháng 7/2008, đến nay, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã bước qua chặng đường 10 năm phát triển với gần 300 số báo và trang thông tin điện tử có lượng truy cập lớn; trở thành cầu nối thân thiết giữa các cấp ngành và bà con ngư dân, doanh nghiệp; ngày càng nhận được nhiều sự yêu mến. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (ảnh) đã có những chia sẻ, động viên đầy tâm huyết.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám 

PV: Những năm qua, ngành nông nghiệp nói chung trong đó có lĩnh vực thủy sản đã có những bước phát triển vượt bậc, theo Thứ trưởng, thành quả này chủ yếu đến từ đâu?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Ngành thủy sản của Việt Nam có truyền thống đáng tự hào mà chúng ta sẽ kỷ niệm 60 năm vào 2019, đã có những bước phát triển vượt bậc trong 20 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng nhanh với mức tăng bình quân gần 15%/năm, từ mức thấp 550 triệu USD năm 1995 lên 8,3 tỷ USD năm 2017. Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đã góp phần vào quá trình tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của cả nước nói chung.

Thành tựu này là sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, sự quan tâm của Chính phủ, sự vào cuộc sát sao của cấp ủy, chính quyền các địa phương và đặc biệt, chúng ta tự hào vì đã hình thành được cộng đồng doanh nghiệp và nông dân, ngư dân năng động, sáng tạo, có đủ năng lực vượt qua khó khăn, thách thức. Đồng thời, hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành không ngừng kiện toàn và nâng cao năng lực, bắp kịp yêu cầu hội nhập và luôn đồng hành, gắn bó với doanh nghiệp và nông dân, ngư dân.

Phát triển hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm nghề khai thác hải sản 

PV: Nhiều nhận định cho rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của biển và đại đương và nuôi trồng thủy sản là tương lai tất yếu trong định hướng phát triển thủy sản của nhân loại. Thứ trưởng có thể chia sẻ về điều này?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Thực tế 20 năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã chuyển qua hướng phát triển nuôi trồng thủy sản và năm 2007, lần đầu tiên sản lượng nuôi trồng vượt sản lượng khai thác và Luật Thủy sản cũng như tái cơ cấu ngành thủy sản đang chuyển theo hướng này.

Mặt khác, Việt Nam là quốc gia biển, nhưng nghề khai thác hải sản về cơ bản vẫn là nghề cá nhỏ, nặng về khai thác tự nhiên, chưa chú ý đến nuôi biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cùng với khắc phục “thẻ vàng” của EC và triển khai Luật Thủy sản 2017, chúng ta đang nỗ lực để chuyển nghề khai thác hải sản từ nghề cá nhân dân quy mô nhỏ sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển hiệu quả, bền vững.

PV: Thưa Thứ trưởng, phát triển thủy sản bền vững có mối liên hệ như thế nào trong an ninh lương thực và gìn giữ chủ quyền biển, đảo quốc gia?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Trước hết, phát triển thủy sản bền vững là cách tiếp cận mới, đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả kinh tế, hiệu quả về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hiệu quả về an sinh xã hội, an toàn cho người sản xuất – kinh doanh; vừa phù hợp với yêu cầu hội nhập vừa phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ phát triển đất nước. Trong đó, có đảm bảo an ninh lương thực (nghĩa rộng) và giữ gìn, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, nghề khai thác hải sản là nghề khai thác tài nguyên có tái tạo nên muốn phát triển bền vững phải dựa vào cách tiếp cận theo hệ sinh thái, khai thác phải trên cơ sở bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); tức là phải xây dựng nghề cá có trách nhiệm, ngư dân khai thác có hiệu quả và được bảo vệ sẽ yên tâm vươn khơi bám biển; nhờ đó góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

PV: Góp phần vào thành công của ngành thủy sản không thể không nói đến vai trò của công tác truyền thông. Là người ủng hộ Tạp chí Thủy sản Việt Nam từ những ngày đầu sơ khai đến nay, với cương vị là Thứ trưởng trực tiếp phụ trách lĩnh vực thủy sản, Thứ trưởng có chia sẻ gì về Tạp chí sau tròn 10 phát triển?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Tạp chí Thủy sản Việt Nam là tờ tạp chí chuyên ngành thủy sản, cơ quan ngôn luận của Hội Nghề cá Việt Nam; bước qua chặng đường 10 năm phát triển (2008 – 2018), Tạp chí đã thực sự trở thành cầu nối giúp bà con, nông dân, ngư dân, doanh nghiệp với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước; là diễn đàn trao đổi thông tin, quảng bá thương hiệu sản phẩm; phản ánh kịp thời những diễn biến tình hình thủy sản trên mọi phương diện từ nuôi trồng, khai thác, chế biến đến xuất khẩu.

Những năm qua, Tạp chí đã thực hiện nghiêm tôn chỉ mục đích cũng như chức năng nhiệm vụ của một cơ quan báo chí; bám sát sự chỉ đạo của Bộ, ngành. Tạp chí thu hút đông đảo đội ngũ cộng tác viên là những chuyên gia, nhà khoa học, những kỹ sư, phóng viên từ nhiều địa phương trong cả nước tham gia. Đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên Tạp chí ngày càng trưởng thành, giữ vững trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, khả năng tác nghiệp, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, sử dụng thành thạo các công nghệ làm báo hiện đại, để đáp ứng yêu cầu của Tạp chí chuyên ngành.

Ngoài hoạt động xuất bản phẩm, Tạp chí Thủy sản Việt Nam còn rất năng động, sáng tạo tích cực tham gia vào các hoạt động của ngành, như phối hợp với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, hội nghị về lĩnh vực thủy sản thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng người dân và doanh nghiệp; điển hình như Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp); Giải thưởng Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam… Các hoạt động này đã để lại nhiều dấu ấn và tiếng vang trong ngành, tạo niềm tin không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước, bạn đọc mà còn với người dân và doanh nghiệp.

Ngành thủy sản rất tự hào và đánh giá cao những đóng góp của Tạp chí Thủy sản Việt Nam đối với sự phát triển của ngành.

PV: Vậy còn ở vị trí một độc giả, Thứ trưởng có những nhận xét gì về Tạp chí Thủy sản Việt Nam?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Tạp chí được trình bày đẹp, khoa học, hấp dẫn từ hình thức tới nội dung với hàng loạt bài viết phản ánh những thành tựu của ngành thủy sản nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung; những mô hình, kinh nghiệm sản xuất giỏi trong cả nước; những bài báo khoa học có tính chuyên môn cao đã trở thành tài liệu hữu ích cho học sinh, sinh viên chuyên ngành thủy sản tại các trường đại học, cao đẳng. Và rất bổ ích cho những người làm công tác quản lý nhà nước về thủy sản. Cùng đó, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp, những bất cập từ các chính sách để từ đó giúp cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng tháo gỡ.

Tôi đánh giá cao chất lượng, hình thức của Tạp chí và luôn đón đợi được đọc Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

PV: Để có thể “chiếm sóng” nhiều hơn nữa, luôn song hành và không lạc nhịp với đà phát triển của toàn ngành, theo Thứ trưởng, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cần những điều gì?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Trong thời gian tới, Tạp chí cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung cũng như hình thức của các ấn phẩm, sản phẩm tuyên truyền, đẩy mạnh tuyên truyền trên ấn phẩm điện tử. Làm tốt vai trò cầu nối giữa các đơn vị, nhất là cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, ngư dân; phản ánh kịp thời hơi thở của ngành; giới thiệu những gương điển hình, mô hình sản xuất tốt, giỏi tới đông đảo bạn đọc và người dân trong cả nước biết đến học tập và làm theo; giới thiệu và tôn vinh những thương hiệu, uy tín trong ngành thủy sản. Cùng đó, bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tạp chí cần chú trọng phát triển đội ngũ phóng viên, cộng tác viên để nâng cao tính phản biện, tính hấp dẫn của ấn phẩm; đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tốt hơn nữa, năng động, sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm nội dung và hình thức của Tạp chí, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

>> Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, tôi xin chúc Tạp chí Thủy sản Việt Nam ngày một phát triển hơn, luôn đồng hành với nông dân, ngư dân, doanh nghiệp và đóng góp vào thành tựu chung của toàn ngành nông nghiệp trong đó có lĩnh vực thủy sản.

Nguyễn chi (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!