T2, 06/07/2020 01:24

Tập đoàn Minh Phú: Sức hút cổ phiếu MPC

Chưa có đánh giá về bài viết

Là nhà xuất khẩu tôm số một thế giới, top 50 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất toàn cầu nên cổ phiếu của Tập đoàn Minh Phú (mã MPC) có một sức hút tiềm ẩn đến khó cưỡng đối với các nhà đầu tư chứng khoán.

9 tháng năm 2018, Tập đoàn Minh Phú lãi tới 535 tỷ, tăng gần 80% so 9 tháng đầu năm 2017 Ảnh: Nguyệt Nga

Sức hút này không chỉ đến từ thương hiệu của doanh nghiệp dẫn đầu ngành thủy sản mà còn được bảo chứng bởi kết quả kinh doanh khả quan của Minh Phú trong hai năm trở lại đây.

Từ kết quả kinh doanh khả quan

Sau 2 năm suy thoái, 2017 là một năm khá thành công của Minh Phú khi tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 21.424 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 15.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, tăng 24% so kế hoạch đề ra (647 tỷ đồng) và gấp 8 lần so năm 2016. Trong số gần 20 công ty của Tập đoàn, riêng Công ty Minh Phú Cà Mau ghi nhận doanh thu đạt 11.668 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 566 tỷ đồng. Công ty Minh Phú Hậu Giang doanh thu đạt 9.755 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng lên mức 226 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu riêng công ty con tại Cà Mau trong năm 2017 là 7.573 tỷ đồng và tại Hậu Giang là 8.253 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2018, Minh Phú ghi nhận 8.261 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,9 % so cùng kỳ 2017. Số lãi của Tập đoàn lên tới gần 535,7 tỷ đồng sau thuế, tăng gần 80 % so 9 tháng đầu năm ngoái. Chỉ riêng quý III/2018, doanh thu của Minh Phú đạt 3.811 tỷ đồng, tăng 19,5% so cùng kỳ năm ngoái; Lợi nhuận sau thuế trong quý cũng đạt tới 223,1 tỷ đồng, tăng 30,3% so cùng kỳ 2017.

Năm 2018, Minh Phú đặt kế hoạch tăng giá trị xuất khẩu lên 800 triệu USD, doanh thu 18.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 990 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 40% so năm trước. Những tín hiệu khả quan và thông tin Minh Phú đang xin quy hoạch dự án 10.000 ha vùng nuôi tôm công nghệ cao ở Kiên Giang đã có sức mời gọi khá lớn đối với các nhà đẫu tư chứng khoán sàn UPCoM.

Bước đi của người khổng lồ

Là thương hiệu số một ngành tôm, không chỉ lớn mạnh về mặt doanh thu, những bước phát triển của Minh Phú cũng luôn chứng tỏ một tầm nhìn chiến lược. Sau những thành công trong dự án nuôi tôm sinh thái gìn giữ môi trường tại khu vực rừng Nhưng Miên – Kiến Vàng, tỉnh Cà Mau, “Vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú lại đề xuất một dự án “khủng” gây tiếng vang lớn. Đó là dự án xin quy hoạch tới 10.000 ha nhằm xây dựng một vùng nuôi tôm công nghệ cao ở Kiên Giang. Hiện, Bộ NN&PTNT và tỉnh Kiên Giang đã ủng hộ. Để hiện thực hóa dự án này, Minh Phú đang xin cơ chế ưu đãi Chính phủ rót vốn tới 100%, khả năng thành công về nguồn vốn đầu tư phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng và Quốc hội. Đây là một bước đi quan trọng, bởi diện tích nuôi tôm của Minh Phú hiện tại mới chỉ có 300 ha ở Vũng Tàu, 600 ha ở Kiên Giang. Nếu nuôi hết và áp dụng công nghệ cao thì mới đáp ứng được 30% nguyên liệu của Tập đoàn. Theo ông Lê Văn Quang, trước mắt, trong 3 đến 5 năm, Minh Phú sẽ áp dụng hết diện tích tự nuôi thành vùng nuôi công nghệ cao, tăng năng suất 10 tấn/ha/năm lên 150 tấn/ha/năm. Sau đó, Minh Phú mới phát triển thêm diện tích nuôi. Để thúc đẩy nuôi trồng bền vững, Minh Phú sẽ tiến tới trích 1% doanh thu hàng năm để thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển lĩnh vực tôm bố mẹ, con giống và công nghệ nuôi cùng dinh dưỡng và thức ăn tôm.

Là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, đương nhiên Minh Phú sẽ luôn điều chỉnh sách lược kinh doanh dựa trên tình hình thực tế của thị trường, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra đã đưa mức thuế nhập khẩu tôm tẩm bột của Trung Quốc vào Mỹ từ mức 0% lên 10% và sẽ lên 25% vào cuối năm 2018. Trước yêu cầu của các khách hàng Mỹ đề nghị Minh Phú bán hàng cho họ để bù vào lượng thiếu hụt mà Trung Quốc không bán được, Tập đoàn đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy tôm tẩm bột công suất 40.000 tấn/năm. Nhà máy mới được đặt tại phần đất của Công ty Minh Phú Hậu Giang nhằm giảm chi phí vận chuyển tôm nhập về cũng như tôm tẩm bột xuất đi. Cùng đó, do các kho lạnh bên Mỹ đã quá tải lượng hàng nhập khẩu của Minh Phú vào Mỹ và phát sinh nhiều chi phí. Tập đoàn có chủ trương đầu tư xây dựng 1 kho lạnh 10.000 pallet tại Los Angeles và 1 kho10.000 pallet tại New York. Được biết, Minh Phú thường nhập hàng vào Mỹ qua hai cảng này.

Hút hàng cổ phiếu MPC

Hơn 3 năm về trước, ngày 15/3/2015, Minh Phú khiến giới đầu tư chứng khoán ngỡ ngàng khi rút niêm yết cổ phiếu MPC tại sàn HOSE. Còn nhớ lúc rời sàn, giá MPC vẫn đang ở mức rất cao, đạt 122.000 đồng/cổ phiếu và Minh Phú vừa có một năm 2014 thành công vượt bậc. Lý giải cho sự rút lui táo bạo này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn đưa ra nguyên nhân do MPC bị giới hạn room ngoại ở mức 49% cản trở khả năng tăng vốn, trong khi Minh Phú lại đang tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Phía đối tác chiến lược chỉ chịu đầu tư nếu Minh Phú không là một công ty đại chúng. Để đáp ứng yêu cầu này, MPC đã phải tạm thời rời sàn Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh để thực hiện một số giải pháp kỹ thuật. Do các giải pháp này không đạt hiệu quả tối đa nên mối “lương duyên” với đối tác Nhật Bản này đã không thành hiện thực.

Sau hai năm rời sàn chứng khoán, Minh Phú gặp không ít khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2015 – 2016 sụt giảm. Sự bứt phá của Tập đoàn năm 2017 đã tạo một cú hích phấn khởi, góp phần tạo nên sự trở lại ngoạn mục của mã MPC trên sàn UPCoM ngày 16/10/2017. Để chào đón các nhà đầu tư mới, Minh Phú đã thông báo họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2018 nhằm bàn về kế hoach tăng vốn điều lệ, đầu tư nhà máy, bầu nhân sự mới… Theo đó, do có nhà đầu tư muốn mua 35,1% cổ phiếu mới nên Tập đoàn sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ lên 2.157 tỷ đồng theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư (tỷ lệ tăng vốn là hơn 54%). Tổng số lượng cổ phần dự kiến phát hành là 75,72 triệu cổ phiếu, tương ứng với tổng giá trị theo mệnh giá 757 tỷ đồng theo phương thức chào bán riêng lẻ. Cổ phiếu phát hành đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Tổng số tiền dự kiến thu được từ chào bán riêng lẻ sẽ tăng cường năng lực tài chính và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Minh Phú. Đồng thời, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với tổ chức niêm yết. Cũng tại Đại hội đồng Cổ đông bất thường lần này, Minh Phú sẽ đưa ra tờ trình lấy ý kiến nới room cho cổ đông nước ngoài lên trên 51% bằng việc bỏ bớt một số ngành nghề như kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, vận tải hàng hóa đường bộ, cho thuê xe có động cơ.

Rõ ràng, nhìn cả trung hạn và dài hạn, dựa vào kết quả kinh doanh khả quan và những bước đi vững chắc của Minh Phú, cổ phiếu MPC tạo sức hút với giới đầu tư chứng khoán cũng không có gì lạ. Chắc chắn, khi những kế hoạch phát triển của Tập đoàn được “Vua tôm” Lê Văn Quang vạch ra thành hiện thực thì mã cổ phiếu MPC sẽ còn hút khách hơn nữa, đặc biệt khi Minh Phú đang mong muốn sớm quay trở lại sàn chứng khoán HOSE.

>> Nắm vững bí kíp win – win (đôi bên cùng có lợi), “Vua tôm” Lê Văn Quang đã chèo lái Tập đoàn Minh Phú phát triển bền vững qua hơn 1/4 thế kỷ. Ông chia sẻ: “Quan điểm của tôi là làm sao áp dụng được công nghệ nuôi bền vững, người nuôi tôm ít nhất cũng đảm bảo lợi nhuận đạt 20 – 30%, người dân có lời thì mình mới có nguồn nguyên liệu ổn định. Đối với khách hàng, tôi xem họ như là tri kỷ, tri kỷ thì mới sẵn sàng giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau. Từ văn hóa đó Minh Phú mới phát triển nhanh, phát triển nhanh nhưng bền vững”.

Nguyệt Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!