Taprobane và cam kết bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Mục tiêu của Taprobane Sea Foods (Pvt.) Ltd., (TSG) là trở thành doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về thủy sản bền vững và có trách nhiệm với xã hội.


TSG hiện có 10 cơ sở chế biến trên khắp tỉnh phía Bắc và Tây Bắc Sri Lanka

Chất lượng và trách nhiệm

TSG là một công ty thủy sản cao cấp và lớn nhất ở Sri Lanka, được thành lập vào năm 2011 bởi ông Timothy O’Reilly and ông Dilan Fernando, người có chung tầm nhìn về sản xuất thủy sản tươi và chất lượng hoàn hảo. Nhà máy chế biến đầu tiên của TSG ở tỉnh phía Bắc và hiện Công ty đã có 10 cơ sở chế biến trên khắp tỉnh phía Bắc và Tây Bắc, sử dụng hơn 1.500 lao động.

TSG sản xuất thịt cua tiệt trùng, cá ngừ đông lạnh, cá ngừ tươi, tôm và các sản phẩm khác với một số thương hiệu thủy sản tiêu biểu đã có mặt ở Mỹ, EU và Nhật Bản.

TSG cũng là công ty thủy sản đầu tiên ở Sri Lanka đạt chứng nhận FSSC 22000 – chứng nhận cao nhất về tiêu chuẩn thực phẩm. Ngoài ra, cũng là một thành viên đáng tự hào của Sáng kiến đạo đức trong thương mại (The Ethical Trading Initiative – ETI), đảm bảo các điều kiện đạo đức cho người lao động thông qua việc thực hiện các quy tắc thực hành lao động dựa trên luật pháp quốc gia và tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Bên cạnh việc được đánh giá cao về các sản phẩm thủy sản đảm bảo chất lượng và an toàn, TSG cũng là đơn vị đi đầu trong thực hành lao động đạo đức trong ngành. Trong vài năm qua, Công ty đã chú ý rất nhiều đến đời sống, mức thu nhập, sự phát triển nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của nhân viên, những người đến từ một số cộng đồng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhất ở Sri Lanka.

Bắt đầu từ cua xanh

TSG bắt đầu xuất khẩu sản phẩm vào năm 2011. Ngày nay, các sản phẩm của TSG được người tiêu dùng yêu thích ở hơn nhiều quốc gia trên khắp 3 châu lục.

Khởi đầu của TSG là nghề đánh bắt cua xanh ở phía Bắc Sri Lanka nổi lên sau gần 30 năm xung đột dân sự vào năm 2009. TSG đã hợp tác với chính quyền địa phương, các cơ quan nghiên cứu và cộng đồng để đảm bảo rằng nghề đánh bắt cua xanh vốn chưa được khai thác của Sri Lanka sẽ được khai thác bền vững. Thời điểm đó, TSG là công ty duy nhất đã mở các trung tâm chế biến cua ở các khu vực bị ảnh hưởng xung đột trước đây ở phía Bắc Sri Lanka. TSG đã tạo ra hơn 500 cơ hội việc làm mới, chủ yếu dành cho phụ nữ, tạo thu nhập hàng ngày và giúp họ xây dựng lại cuộc sống vốn gặp nhiều khó khăn.

Đại diện TSG cho biết, đối với TSG, tính bền vững là tham gia vào các dự án đảm bảo quản lý và sử dụng bền vững các nguồn lợi thủy sản, để tạo việc làm lâu dài và cải thiện sinh kế của người Sri Lanka và Maldives. Tất cả các nhà máy chế biến của chúng tôi đều được kiểm tra nghiêm ngặt bởi các thanh tra viên bên thứ ba để đảm bảo chúng tôi có thể đảm bảo cho người mua và người tiêu dùng chỉ những sản phẩm thủy sản chất lượng cao nhất.

Nuôi trồng bền vững

Hiện nay, ngành công nghiệp thủy sản đang hướng tới các sản phẩm và phương pháp thân thiện với môi trường hơn với nhiều đột phá về nghiên cứu và công nghệ nhằm mang lại năng suất cao hơn trong khi vẫn bảo vệ hành tinh và con người một cách tốt nhất. Để đạt được điều này thì NTTS đã phát triển theo các phương pháp như Biofloc, IMTA, Biomimicry và hệ thống RAS. Những phương pháp này mang lại năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong NTTS mà không gây ô nhiễm môi trường và duy trì các khía cạnh môi trường; đồng thời những dự án như vậy cũng mang lại sinh kế cho cộng đồng địa phương và trao quyền cho họ. Hơn nữa, chứng nhận Thực hành NTTS tốt nhất (BAP) của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) cũng công nhận cao đối với các nhà sản xuất thực phẩm biển. Các tiêu điểm chính của BAP là ATTP, phúc lợi xã hội, thú y và môi trường, duy trì sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp trên toàn cầu. TSG cũng đang phát triển theo xu hướng đó.

Đầu tư vào tôm

Là một nhà xuất khẩu đạt được chứng nhận BAP, TSG tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế thông qua dự án nuôi TTCT sạch bệnh ở Mannar. Đây là dự án chính về TTCT đầu tiên ở Sri Lanka. Hiện nay, Mỹ có nhu cầu rất lớn đối với TTCT, điều này thúc đẩy nuôi tôm và mở đường cho ngành công nghiệp xuất khẩu 1 tỷ USD của TSG. Mục tiêu mà TSG đặt ra là đạt sản lượng khoảng 1.600 tấn tôm/ năm, tạo công ăn việc làm cho 400 công nhân và gia đình của họ trong 1 năm triển khai dự án đó.

Song song đó, TSG cũng vừa tiến hành xây dựng nhà máy thức ăn cho tôm đầu tiên ở Sri Lanka. Giám đốc Taprobane, Dilan Fernando cho biết, họ dự kiến sẽ thành lập một nhà máy thức ăn 20.000 tấn/năm vào năm 2020. Điều này sẽ phù hợp với tầm nhìn của Công ty để mở rộng kinh doanh tôm lên 30.000 tấn trong hai năm tới. “Chúng tôi hy vọng có thể đáp ứng 50% nhu cầu thức ăn tại địa phương”, ông Fernando nhận xét về nhà máy thức ăn mới.

>> Giám đốc điều hành TSG Timothy O’Reilly tin rằng, Trung Quốc sẽ là nhà nhập khẩu tiềm năng của thủy sản Sri Lanka, cùng với Singapore, Hồng Kông và Thái Lan. Các thị trường xuất khẩu khác mà TSG đã và đang mở rộng trong thời gian qua là Canada, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Philippines và Australia.

Sao Mai

(Theo Dailynews, Tsf)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!