T2, 06/07/2020 11:44

Tàu “Dream” của thuyền trưởng Luận

Chưa có đánh giá về bài viết

Vừa qua, tại bến cá Tịnh Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra lễ hạ thủy hai chiếc tàu cá vỏ thép cho ngư dân Huỳnh Luận và Nguyễn Hữu Ngọt. Ít người biết rằng ngư dân Huỳnh Luận xuất thân từ một làng chài không có bến đậu, không có tàu thuyền, không có nhiều vốn. Vậy mà ngư dân này đã “đạp sóng” để trở thành ông chủ hai con tàu lớn.

Cỗ máy “Dream”

Dream trong tiếng Anh có nghĩa là giấc mơ. Có một thời người Việt Nam mơ có được một chiếc xe Honda Dream. Còn đối với ông ngư dân Huỳnh Luận thì cả đời sống lênh đênh giữa biển khơi, anh chỉ mơ mình có một chiếc tàu vỏ thép xuôi ngược trên biển đánh cá. Giấc mơ đó giờ thành sự thật. Vậy nên, mọi người gọi con tàu mới hạ thủy bằng cái tên của thời đại kim khí, là tàu cá vỏ thép. Nhưng trong thâm tâm của riêng anh thì đây chính là chiếc Dream trên biển cả. Thậm chí còn hơn cả Dream. Vì chiếc tàu vỏ thép vừa được hạ thủy có những thông số tối ưu của một chiếc tàu đi biển xa. Tàu có chiều dài 26 mét, rộng gần 7 mét, cao 3,4 mét, công suất máy hơn 800 mã lực. Trị giá mỗi tàu là 8,7 tỷ đồng. Thiết kế mỗi tàu có 5 khoang chứa cá và nước ngọt; nhiên liệu trên tàu đủ phục vụ cho hải trình khai thác hải sản liên tục 1 tháng. Tàu được trang bị hệ thống giàn đèn hiện đại, hệ thống định vị vệ tinh GPRS phục vụ đánh bắt.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng của đơn vị đóng tàu, có mặt tại buổi lễ hạ thủy cho biết thêm: “Lần này tàu được thi công bằng thép tốt của Hàn Quốc, thuộc nhóm vật liệu đóng tàu cấp 1. Nếu quá trình sử dụng mà chủ tàu bảo đảm quy trình bảo dưỡng và tuân thủ các quy định về đăng kiểm thì tuổi thọ của tàu đạt 50 năm”.

Thuyền trưởng Huỳnh Luận, có thâm niên hơn 25 năm làm biển. Bố Luận già yếu bàn giao lại con tàu vỏ gỗ cho anh. Hiện nay anh có trong tay hai con tàu. Thuyền trưởng Huỳnh Luận so sánh sự khác biệt rất lớn giữa con tàu vỏ gỗ của mình với con tàu vỏ thép mới hạ thủy. Đó là trước đây đi tàu gỗ, anh chỉ có thể sắm một chiếc máy cũ già nua được nhập trong lô hàng bãi. Tàu đi biển, người phập phồng vì thỉnh thoảng máy lại trở chứng. Còn lần này, tàu mới, máy mới 100%. Chiếc tàu vỏ thép mang số QNg 94359 TS được trang bị máy Mitsubishi 811 HP của Nhật Bản. Theo thợ máy, đây là những loại động cơ siêu bền và vận hành rất an toàn. Ngư dân đi biển gặp sóng to gió lớn không còn lo chuyện chết máy trôi dạt.

Thuyền trưởng Luận bên con tàu mơ ước – Ảnh: LVC

Tại buổi lễ hạ thủy tàu vỏ thép, quan khách sau khi cắt băng khánh thành thì đi ngắm nghía con tàu. Còn người tinh ý thì phát hiện ra thuyền trưởng Huỳnh Luận quên chuyện lễ lộc, lao ngay vào cabin tàu vỏ thép để thực hiện cuộc điện đàm với chiếc tàu gỗ mang số QNg 98559 TS đang đánh lưới ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hiện nay Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố lệnh cấm biển phi lý, nhưng tàu của anh Luận vẫn đánh bắt bình thường tại quần đảo Hoàng Sa. “Tàu vỏ thép hạ thủy rồi, mai mốt ra đó tiếp ứng. Anh em vừa làm vừa quan sát, không ngán” – Thuyền trưởng Luận nói.

 

Nhổ neo, mặc Trung Quốc ngang ngược

Thuyền trưởng Huỳnh Luận và Nguyễn Hữu Ngọt được Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi “chọn mặt gởi vàng”. Bởi Luận và Ngọt là những ngư dân có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác hải sản, chuyên đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Quá trình đánh bắt có phương án sản xuất và trả nợ; Quỹ cho ngư dân vay ưu đãi không lãi suất, thời hạn 11 năm, mỗi tàu trị giá 8,7 tỷ đồng, chủ tàu phải có vốn đối ứng là 1,2 tỷ đồng… Tôi tự hỏi: Thuyền trưởng Huỳnh Luận là người có “bản lĩnh” cỡ nào mà lại dám đứng ra nhận chiếc tàu vỏ thép hiện đại?

Ở Quảng Ngãi, có hai làng chài ngư dân rất nể phục. Đó là làng chài Bàng An và Phàn Thất huyện Đức Phổ. Đây là làng chài nhỏ, không có bến neo đậu, chỉ là một bãi ngang. Những ngư dân ở trong làng xuất thân là những người làm nông. Vậy là các ngư dân quyết tâm đổi đời bằng cách rủ nhau ra Đà Nẵng đi biển, sau đó thuê tàu đi làm và ăn chia theo tỷ lệ 6 – 4. Đó là những ngày thuyền trưởng Huỳnh Luận và các ngư dân ước mơ có một ngày trở thành chủ tàu thực sự, hết phận thuê tàu.

Ngư dân Huỳnh Luận từ người làm thuê trở thành ông chủ tàu vỏ gỗ, giờ làm thuyền trưởng tàu vỏ thép. Tàu vỏ thép Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01 hạ thủy cách đây 1 năm được thiết kế để làm nghề lưới vây. Còn con tàu của ngư dân Huỳnh Luận được lắp hai nghề, là chụp mực và lưới vây. Theo các ngư dân, tàu vỏ thép được trang bị một lúc hai loại nghề sẽ giúp cho bà con ngư dân nhanh chóng hoàn trả vốn vay.

Thuyền trưởng Huỳnh Luận không có nhiều thời gian kể về sự phấn đấu từ tay trắng trở thành ông chủ của mình. Ngồi trên cabin tàu vỏ thép vừa hạ thủy, anh nhấc máy Icom và từng phút dõi theo con tàu vỏ gỗ mang số QNg 98559 TS đang tiến vào khu vực Hoàng Sa, nơi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố cấm biển. Trong cabin tàu vỏ thép “mát” rượi. Nhưng ở ngoài biển khơi xa thì đang “nóng” lên từng ngày bởi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố cấm biển phi lý từ 12h00 ngày 16/5/2015 đến 12h00 ngày 1/8/2015. Trung Quốc còn tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm.

Con tàu gỗ của ngư dân Huỳnh Luận ở Hoàng Sa được xem là tàu mẹ. Nhưng giờ có tàu vỏ thép trong tay, anh Luận gọi đó là tàu con. Dù là tàu con, nhưng đó là con tàu được anh Luận đánh giá “tàu đó hên lắm, đánh đâu trúng đó”. Từ đầu năm đến nay, con tàu này đã thu về hơn 1,5 tỷ. Nay mai có tàu vỏ thép ra tiếp ứng thì chắc tàu gỗ bám biển dài ngày hơn và chắc chắc sẽ thành công.

Kể chuyện tàu vỏ thép, thuyền trưởng Huỳnh Luận như người đã chạm tay được vào được giấc mơ. Giấc mơ tàu vỏ thép của anh bấy lâu, giờ đã là sự thật.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!