Tàu vỏ thép cho ngư dân: Cần thiết để phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

Dự án tàu vỏ thép cho ngư dân được nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, bởi chúng không chỉ bảo vệ ngư dân trước hiểm họa thiên nhiên mà còn tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản…

Nhiều ý kiến

Thông tin về việc đóng tàu vỏ thép cho ngư dân đang “nóng” trên các báo. Các ý kiến liên quan phong phú, nhiều chiều. Một số báo cho rằng quyết sách của Chính phủ sẽ mở đường cho lộ trình thay thế 3.000 tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép. Một số chuyên gia thì nhận định, số tiền trên 10.000 tỷ đồng dành cho chương trình này chỉ đủ đóng khoảng 1.000 tàu cá vỏ thép. Con số khác, lạc quan hơn, cho rằng Việt Nam có thể đóng 30.000 tàu vỏ thép trong thời gian tới.

Về cơ bản, các con số trên chỉ mang tính dự báo. Ông Lê Ngọc Phước, một chuyên gia đóng tàu cho biết: “Thời gian qua nhiều báo đưa tin về chương trình đóng tàu vỏ thép hay chương trình thép hóa tàu đánh cá, nhưng thông tin chưa chính xác, vì đến nay vẫn chưa có chương trình nào như thế”. Theo ông Phước, Chính phủ có chính sách chung, hỗ trợ ngư dân bám biển bằng cách cho vay với lãi suất ưu đãi để đóng mới và sửa chữa tất cả các loại tàu (cả tàu vỏ thép, vỏ nhựa và tàu gỗ) chứ không riêng tàu vỏ thép.

Tàu vỏ thép thể hiện bước tiến bộ trong đánh bắt hải sản, nhưng thông tin không đầy đủ sẽ khiến người dân ồ ạt đóng tàu vỏ thép, hoặc nghĩ rằng phát triển tàu gỗ sẽ không được ưu đãi, đều là không đúng. Ông Phước cho biết: Tàu vỏ thép không phải công nghệ mới, càng không phải vật liệu mới. Chúng ta từng đóng tàu vỏ thép phục vụ ngư dân nhiều năm qua, với nhiều loại công suất. Theo ông Phước, nếu nói vật liệu mới thì phải là tàu vỏ nhựa mà nhiều nước đang nghiên cứu phát triển. Trung Quốc ồ ạt phát triển tàu vỏ sắt, song thực tế tàu vỏ nhựa mới là xu hướng của thế giới và theo ông Phước thì tàu vỏ nhựa có rất nhiều điểm ưu việt.

Tàu vỏ thép Sang Fish 1 vừa được Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy bàn giao cho ngư dân – Ảnh: Nguyễn Huy

Tuân theo quy luật phát triển

Ông Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP Hồ Chí Minh phát biểu trên báo chí: “Vẫn phải giữ tàu cá vỏ gỗ, nhưng xác định hướng phát triển cho tương lai là phải nghĩ đến tàu cá vỏ thép; thời gian gần đây, do gỗ ngày càng hiếm nên giá thành tàu gỗ ngày càng cao; việc thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép hoặc nhựa sẽ diễn ra tự nhiên theo quy luật phát triển.  

Chuyển sang tàu vỏ thép và tàu vỏ nhựa, không đơn giản chỉ cần kinh phí. Theo các chuyên gia, ngư dân ta đang quen với việc tàu nhỏ lắp công suất máy lớn, nay nếu đóng tàu cá hiện đại thì máy nào đi với tàu đó? Như thế đòi hỏi thuyền trưởng phải được đào tạo bài bản và cần có lộ trình.

Một số người làm thủy sản lão thành, thậm chí từng nhiều năm khai thác trên biển, đều cho vấn đề “tàu vỏ thép tàu võ gỗ” là quan trọng nhưng không quan trọng bằng khâu hậu cần nghề cá. Việc hình thành các khu vực thu gom thủy hải sản ngay trên biển, nhất là ở Hoàng Sa, Trường Sa, với những tàu hậu cần lớn, đóng gói sản xuất ngay trên đại dương mới thực sự làm thay đổi thói quen khai thác ngư trường hiện nay, chứ không đơn giản là thay vỏ tàu. Trong các chuyến công tác, chúng tôi thường nghe ngư dân tâm sự: Đánh bắt xa bờ, chạy vào bờ bán, chi phí xăng dầu lớn quá, lãi chẳng còn bao nhiêu. Một số người còn cho biết: Tàu cá Trung Quốc đón tàu cá của ta ngoài khơi gạ ta bán cá, thực tế bán trên biển lãi hơn đưa vào bờ.

 

Và quy luật thị trường

Chủ trương tiếp tục bám biển, khai thác và làm chủ đại dương ngày càng chứng tỏ sự đúng đắn của nó. Tuy nhiên, yếu tố thị trường sẽ quyết định nhiều đến việc ngư dân có bám biển hay không. Không thể đi biển mà luôn chịu thua lỗ năm này qua năm khác, dù tàu vỏ thép hay vỏ nhựa. Ông Phước cho biết: “Trước kia chúng ta từng có đội đánh bắt cá bằng tàu vỏ thép, nhưng đó là của các hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước, còn người dân chủ yếu dùng tàu gỗ”. Nhiều ngư dân hỏi: “Tàu lớn, khấu hao lớn, liệu có được nhiều cá, bán cho ai, giá thế nào?”. Việc không đánh bắt thường xuyên cũng dễ khiến tàu vỏ thép bị hư hại. Thiết bị phụ tùng đắt tiền, không dễ kiếm, cũng là vấn đề.

Thay đổi công nghệ đánh bắt cá, từ tàu vỏ gỗ và sang vỏ thép và vỏ nhựa, cũng là thay đổi tập quán đi biển từ nghìn đời nay. Quá trình này không thể diễn ra ngày một ngày hai và chỉ một mình ngư dân sẽ không thể thành công. Nó đòi hỏi hạ tầng cơ sở sản xuất, bảo dưỡng, bảo trì tàu vỏ thép, tàu vỏ nhựa với quy mô 30.000 tàu cá hiện đại vào năm 2020 (theo dự báo của một số người có trách nhiệm). Để làm chủ được việc sản xuất máy móc, phương tiện, cần phải xây dựng ngành công nghiệp tàu biển năng động, nhiều thành phần, và nhất thiết phải có hiệu quả.

>>Theo các nhà chuyên môn, tàu vỏ thép đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS, ngư dân sẽ an toàn hơn khi hoạt động ngoài khơi xa. Vận tốc cao (9 – 11 hải lý/giờ), thời gian ra khơi của tàu vỏ thép ngắn hơn và ít tiêu hao nhiên liệu hơn tàu gỗ.  

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!