Thành công từ các mô hình rong sụn

Chưa có đánh giá về bài viết

Do chi phí đầu tư thấp, dễ trồng và hiệu quả kinh tế cao nên cây rong sụn đang được nhiều người dân ven biển lựa chọn. Đồng thời, đây cũng là đối tượng mà ngành khuyến nông chú trọng.

chương trình có sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông quốc gia

Khả quan thí điểm

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Khánh Hòa đã thực hiện hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân. Về thủy sản, gồm các loài như tu hài, ốc hương, rong sụn, rong nho, cá chẽm, cá chim vây vàng… trong đó, mô hình trồng rong sụn và rong sụn kết hợp các đối tượng nuôi khác được đánh giá rất triển vọng.

Từ năm 2011, Trung tâm triển khai dự án “Nhân rộng mô hình trồng rong sụn trong lồng lưới trên biển” được thực hiện trên địa bàn thành phố Cam Ranh. Mô hình là biện pháp kỹ thuật mới nhằm hạn chế cá ăn rong hay bị gãy do sóng gió lớn. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, dự án đã đạt những hiệu quả kinh tế đáng kể. Năng suất bình quân 18 tấn rong khô/ha, lợi nhuận bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm. Rong sụn được canh tác 2 vụ/năm.

Dự án đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, thu nhập tăng so với nghề trồng rong truyền thống. Bởi, vốn đầu tư cho đối tượng này không lớn. 1 ha cần 2 tấn rong giống với số vốn 14 triệu đồng. Sau 1 tháng thả, rong phát triển đều và sau đó cứ 45 ngày thu hoạch 1 lần, năng suất đạt 20 tấn rong tươi/ha. Với giá bán ổn định, đây là đối tượng nuôi trồng đầy tiềm năng.

 

Dễ kết hợp

Nắm bắt được những lợi thế trong việc trồng rong sụn, nhất là với những đặc tính phát triển thuận lợi của cây rong, người ta đã nảy ra nhiều sáng kiến về nuôi trồng kết hợp.

Chẳng hạn, để nâng cao hiệu quả nuôi trồng rong sụn, Viện Nuôi trồng Thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu cải tiến mô hình trồng rong sụn bằng cách hạn chế cá dìa ăn rong” với hình thức trồng rong sụn trong các loại lưới. Hay mô hình nuôi kết hợp rong sụn với sò mồng được triển khai tại các phường Cam Phúc Bắc, Cam Nghĩa (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) với quy mô 1.000 m2, hoàn toàn sử dụng thức ăn tự nhiên trong quá trình nuôi. Kết quả sau 6 tháng nuôi, sản lượng rong đạt 7.440 kg rong tươi, năng suất trên 18 tấn khô/ha; sò mồng đạt 30 – 40 con/kg, năng suất trên 28 tấn/ha. Đây là mô hình nuôi ghép đạt hiệu quả cao có khả năng nhân rộng hơn so với các mô hình nuôi đơn lẻ.

thành công từ các mô hình rong sụn

Rong sụn là đối tượng được ngành khuyến nông nhiều địa phương chú trọng – Ảnh: Xuân Trường

Ngoài ra, mô hình trồng rong sụn kết hợp với nuôi cá ngựa của ông Lê Văn Hoàng ở phường Cam Phúc Bắc cũng là một hướng rất khả quan. Năm 2013, ông đầu tư 15 triệu đồng mua 1.500 con cá ngựa về thả nuôi. Sau 2 tháng, cá ngựa phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Vụ đó ông thu trên 60 triệu đồng từ nuôi cá ngựa. Ông Hoàng chia sẻ, ngoài cá ngựa, mỗi năm gia đình ông Hoàng thu khoảng 250 – 300 triệu đồng từ rong sụn. “Cả rong sụn và cá ngựa đều chăm sóc rất đơn giản, không tốn nhiều chi phí, chúng tự tìm nguồn dinh dưỡng và thức ăn trong nước biển để sinh trưởng và phát triển. Hai đối tượng này cũng rất ít dịch bệnh”, ông Hoàng cho biết thêm.

 

Mở rộng ra Bắc

Đầu năm 2015, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ninh phối hợp với anh Nguyễn Hữu Hòa (xã Đông Hải, Tiên Yên) đưa cây rong sụn từ Ninh Thuận ra trồng thí điểm tại khu neo đậu tàu thuyền Mũi Chùa (xã Tiên Lãng, Tiên Yên). Bước đầu cây rong sụn phát triển khá tốt, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao. Cán bộ phụ trách của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho biết: Mô hình được trồng thí điểm với quy mô 1 ha. Thời điểm đó, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng rong sụn vẫn phát triển khá tốt. Từ 1 kg giống, sau hơn 30 ngày cho thu hoạch được khoảng 10 kg rong thương phẩm.

Theo nhận định, trồng rong sụn đầu tư không lớn, 1 ha cần khoảng 10 tấn giống. Sau 2 tháng sẽ thu hoạch được trên dưới 100 tấn rong thương phẩm. Với giá bán bình quân trên thị trường 28.000 – 30.000 đồng/kg thì sau 2 tháng người trồng rong có thể thu trên dưới 300 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 180 triệu đồng/ha. Cùng thời điểm đó, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Quảng Ninh cũng đã trồng thử nghiệm gần 1 ha rong sụn trên Vịnh Hạ Long. Kết quả ban đầu rất khả quan.

Theo kế hoạch, sau bước đầu thử nghiệm 1 ha, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đại dương China (TP Hạ Long) sẽ nhân rộng lên 10 ha rồi thiết lập trang trại trồng 100 ha rong sụn trong năm 2015 và kế hoạch mở rộng lên 500 ha vào năm 2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc trồng rong sụn tại Quảng Ninh đã không như mong muốn. Đại diện Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh chia sẻ, có nhiều điều kiện ảnh hưởng đến sự phát triển của đối tượng này, như bị cá ăn, nhiệt độ cao khiến rong không phát triển được. Do vậy, việc thí điểm trồng rong sụn trên địa bàn tỉnh hiện tạm dừng, đến khi nào điều kiện thích hợp hoặc có giải pháp khắc phục tốt chúng tôi có thể lại trồng lại loài này.    

>> Rong sụn hiện được nhiều địa phương trong cả nước đầu tư trồng và cho hiệu quả kinh tế rất cao như Ninh Thuận, Khánh Hòa. Cây rong sụn phát triển tốt trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm. Như vậy một năm có thể trồng 2 – 3 vụ.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!