T2, 06/07/2020 12:46

Thanh Hóa: Lúng túng khắc phục tàu thép hư hỏng

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ đã hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá công suất lớn vươn khơi xa, phục vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, những con tàu vỏ thép của ngư dân Thanh Hóa mới đưa vào hoạt động đã gặp nhiều trục trặc khiến nhiều ngư dân lâm cảnh nợ nần.

Các địa phương còn lúng túng trong cách giải quyết, khắc phục sự cố

Các địa phương còn lúng túng trong cách giải quyết, khắc phục sự cố

Gặp sự cố

Xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc được coi là địa phương có nhiều “tàu 67” nhất tỉnh với 6 phương tiện, trong đó 4 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, cả 2 tàu vỏ thép của ngư dân trong xã từ khi hạ thủy đến nay, liên tục gặp trục trặc sau mỗi chuyến ra khơi. Cụ thể, tàu vỏ thép TH 92668 TS công suất 811 CV của anh Nguyễn Văn Quang (thôn Hòa Ngư) vừa đưa vào sử dụng trong tháng 3, ngay chuyến đầu tiên đã bị đứt dây tời, văng tời làm một ngư dân trên tàu tử vong. Sau đó, tàu bị phía công an giữ để tiến hành điều tra nên mất một thời gian không khai thác được. Trong các chuyến biển thứ 2, 3 và 4, tàu đều bị trục trặc nên phải về sớm hoặc không khai thác được dẫn tới lỗ vốn hàng trăm triệu đồng tiền dầu và chi phí nhân công cho 10 thuyền viên. Chuyến biển gần đây nhất, tàu khai thác mà không gặp sự cố, nhưng chỉ hòa vốn, chưa có lợi nhuận.

Cũng tại xã Hòa Lộc, tàu vỏ thép TH 93869 TS, công suất 811 CV của anh Nguyễn Văn Dự cũng bị hư hỏng, phải sửa chữa thường xuyên. Giọng trầm buồn, anh Dự chia sẻ, trong chuyến biển gần đây nhất, lưới trôi tự do vướng vào hệ thống đá ngầm dưới đáy biển, bị rách phải vứt bỏ một vàng lưới trị giá hơn 400 triệu đồng.  Đáng nói, hầm đá của tàu có vấn đề, không làm lạnh theo tiêu chuẩn được nên hải sản bảo quản về bị ươn, chỉ bán được cho các cơ sở làm mắm với giá rẻ…

Oái oăm hơn, gia đình ông Trần Văn Thượng, ở xã Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) còn đứng trước nguy cơ phá sản với nợ nần chồng chất bởi con tàu vỏ thép liên tục hư hỏng nặng. Từ khi đưa vào sử dụng vào tháng 2/2016, tàu TH 93007 TS, công suất 829 CV của gia đình hỏng tời ngay từ chuyến biển đầu tiên, sau đó liên tục hỏng hóc nhiều bộ phận khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác. Ngoài việc vỏ tàu bị rỉ sét nhiều thì mũi tàu quá hếch, khó khăn cho khai thác nên gần đây, gia đình phải “nhồi” thêm 18 m3 bê tông vào phần khoang mũi tàu. Tiền trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi thì vẫn không ngừng tăng lên, trong khi năm 2016, hoạt động vươn khơi của ông Thượng đã lỗ vốn gần 500 triệu đồng.

Khắc phục chậm trễ

Trước thực trạng trên, ngày 5/7 vừa qua, tại UBND TP Sầm Sơn, Công ty CP Đại Dương (đơn vị đóng tàu vỏ thép ở tỉnh Thái Bình) đã tổ chức đối thoại với ông Nguyễn Duy Muộn (chủ tàu vỏ thép TH 93968 TS ở phường Quảng Cư). Tàu của ông Muộn hạ thủy từ tháng 10/2016 – 6/2017, 9 lần ra khơi, trong cả 9 lần, tàu đều bị hư hỏng, mỗi lần phải nằm bờ sửa chữa từ 15 – 30 ngày. Theo ông Muộn những hư hỏng như trục trặc đèn điện, cần tời, chân vịt không bảo đảm…, trách nhiệm phải thuộc về công ty đóng tàu, nhưng đơn vị chưa thực sự hợp tác trong sửa chữa. Trong khi, ông Lê Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Dương khẳng định, Công ty đã rất có trách nhiệm trong việc hợp tác sửa chữa những hư hỏng, ngay cả khi hết thời gian bảo hành (ngày 21/2/2017). Sau các lần ông Muộn gọi điện báo, Công ty đã 9 lần cử cán bộ kỹ thuật vào cùng khắc phục, sửa chữa, hỗ trợ ông Muộn hàng trăm triệu đồng. Và, trên thực tế, một số hư hỏng không phải do chất lượng tàu mà do vận hành chưa đúng quy trình, trong đó có việc tàu mắc vào bãi cạn làm cong chân vịt.

Qua tìm hiểu của phóng viên những ngày vừa qua, dường như các huyện ven biển có tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 còn lúng túng trong cách giải quyết, khắc phục. Các địa phương này đều có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT để chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên. Từ thực tế trên, thiết nghĩ các cấp, sở, ngành có liên quan của tỉnh, các ngân hàng cho vay vốn cần phối hợp vào cuộc để kiểm tra, rà soát những hư hỏng của tàu vỏ thép, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của chủ tàu để có giải pháp kịp thời; nhằm bảo đảm quyền lợi cho ngư dân trong quá trình khai thác hải sản.

>> Sau gần một năm triển khai Nghị định 67, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt danh sách 67 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới. Tuy nhiên, trong 23 tàu vỏ thép đã đưa vào hoạt động thì có tới 15 tàu thường xuyên xảy ra trục trặc, hư hỏng; trong đó, TP Sầm Sơn có 5 tàu, huyện Hoằng Hóa 4 tàu, huyện Hậu Lộc 4 tàu và huyện Tĩnh Gia 2 tàu.

Hồng Đô

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!