Thanh Hóa: Ngao chết trắng tại bãi sông Yên

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian gần đây, gần như 100% đồng ngao ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương có hiện tượng ngao chết hàng loạt. Nhiều đồng nuôi, tỷ lệ ngao chết hơn 80% khiến nhiều chủ đồng thất thu hàng trăm triệu đồng.

Tận dụng bãi bồi đoạn cuối dòng sông Yên khu vực gần cửa biển Lạch Mom, hàng chục hộ dân xã Quảng Nham đã phát triển nghề nuôi ngao và trở thành nghề mưu sinh chính từ nhiều năm qua. Hiện tại, xã vùng biển này có hơn 30 hộ nuôi ngao với tổng diện tích khoảng 45 ha. Hàng trăm lao động địa phương có việc làm nhờ hoạt động nuôi ngao. Được biết, hiện tượng ngao ở đây chết lẻ tẻ đã diễn ra vài tháng nay, song thời gian gần đây, ngao chết hàng loạt trong sự bất lực của các chủ đồng. Nhiều gia đình có diện tích lớn như các ông: Ngô Văn Phương, Ngô Văn Năm trên dưới 10 ha. Một số gia đình phải vay lãi để đầu tư, nay đang đứng ngồi không yên trước nguy cơ nợ nần chồng chất, có khi trắng cả cơ nghiệp.

Ngao chết trắng tại bãi sông Yên

Vẻ mặt buồn rầu, ông, bà Đinh Bá Bao – Trần Thị Hiền, cho biết: Gia đình tôi chính là hộ tiên phong trong việc cải tạo bãi sông hoang để nuôi ngao của xã Quảng Nham vào năm 1991. Với gần 1 ha nuôi ngao hiện tại, chúng tôi đã thả 450 triệu tiền ngao giống hồi tháng 6 âm lịch năm 2012, khoảng 40 triệu đồng tiền cải tạo bãi ngao và nhiều khoản lặt vặt khác. Dự kiến thu hoạch từ 60 đến 70 tấn ngao. Như những năm trước, ngao được bán hết trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng năm nay đầu ra bị ế, không tiêu thụ được đành để đến nay. Ngao bỗng chết hàng loạt, gia đình chưa biết lấy tiền đâu trả ngân hàng (40 triệu đồng) và 130 triệu vay ngoài để đầu tư. Mấy ngày gần đây, 4 lao động trong gia đình và một lao động thuê ngày nào cũng phải dùng thuyền tôn ra bãi hốt ngao chết mang đi đổ để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước, ngao ở xã Quảng Nham phần lớn được các tư thương tỉnh Thái Bình, Nam Định và xã Hải Lộc (Hậu Lộc) đến thu gom để xuất khẩu đi Trung Quốc. Ngao nuôi hàng năm đa phần đều được thu hoạch hết trước và sau Tết Nguyên đán và chưa năm nào bị ế hàng. Năm nay, thị trường Trung Quốc đóng cửa, các thương lái cũng không về Quảng Nham mua ngao. Do đó, ngao đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất được. Mỗi chủ đồng ngao thay vì nhập gọn hàng chục tấn ngao thịt như những năm trước, nay chỉ khai thác mỗi ngày khoảng 1 bì (khoảng 1 tạ) để bán nhỏ lẻ cho nhu cầu tiêu dùng tại các chợ trong vùng. Đầu ra ế ẩm, giá ngao theo đó cũng chỉ còn 12.000 – 14.000 đồng/kg (tại đồng) trong khi giá ngao vụ trước 25.000 đồng/kg.

Đi cùng anh Phạm Văn Phượng, chúng tôi được dịp thị sát nhiều bãi ngao của các chủ hộ thuộc thôn Thanh, thôn Đông trong xã. Tại bãi ngao của anh Phượng khi nước triều xuống, màu trắng vỏ ngao trải dài trên mặt bùn. Đào một khoảnh nhỏ dưới lớp bùn, hàng chục vỏ  ngao khác bị vùi lấp đã chết tự bao giờ. “Đây là một trong những bãi ngao có tỷ lệ ngao chết cao nhất trong xã với trên 80%” – anh Phượng ngậm ngùi cho biết. Thực tế, bãi này thả xen ngao đỏ với ngao trắng Bến Tre. Số ngao đỏ gần như không chết, 100% ngao trắng đã chết. Tiếp tục đến các đồng nuôi bên cạnh, xác ngao vẫn trắng bãi, cả một khu vực trở nên đìu hiu vì chủ đồng không muốn ra thăm ngao như trước. Theo các hộ dân, tỷ lệ ngao chết nhiều nhất là gia đình ông Phạm Văn Đức, ở thôn Đông, nay đã mất trắng. Các hộ nuôi ngao tại đây rất mong được hỗ trợ, nhất là việc miễn giảm thuế thuê đất trong những vụ tới.

Theo các hộ dân, ngao chết hàng loạt là do không bán được, nay đến mùa sứa gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, nước thải từ hoạt động chế biến cá và váng dầu của tàu thuyền từ Bến cá Quảng Nham đã gây ô nhiễm cho nguồn nước nơi đây. Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Sau khi có thông tin, Chi cục Thú y tỉnh đã xuống kiểm tra, lấy mẫu ngao, mẫu đất và nước ở đây gửi ra Cục Thú y để kiểm tra. Qua kết luận của Cục Thú y vừa gửi về, trên ngao không có các ký sinh trùng gây bệnh như lâu nay đã từng biết. Song, trong môi trường đất và nước ở đây, chất NH3 lại cao hơn tỷ lệ cho phép gấp 10 lần. Ông Thọ phân tích thêm, việc ngao không bán được, tỷ lệ lại dầy (trên 300 con/m2, trong khi khuyến cáo chỉ nên nuôi 150 đến 200 con/m2) nên ngao thiếu thức ăn, yếu. Thời gian này lại là mùa sinh sản của ngao, những con mang trứng rất yếu, trong khi thời tiết thì nóng – lạnh, mưa – nắng liên tục thay đổi cũng có thể là nguyên nhân khiến ngao chết. Qua đây, ông khuyến cáo với các hộ dân không nên nuôi ngao mật độ dầy so với quy định.

Lê Đồng

Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!