T2, 06/07/2020 11:36

Thành phần loài sán lá ký sinh ở một số loài cá biển ven bờ từ Hải Phòng đến Quảng Bình

Chưa có đánh giá về bài viết

Bài báo này cung cấp các dẫn liệu mới về thành phần loài sán lá ký sinh ở 83 loài cá thuộc 33 họ cá biển ven bờ Việt Nam (đoạn từ Hải Phòng đến Quảng Bình), trong số 39 loài sán lá (thuộc 26 giống, 10 họ, 3 bộ) ghi nhận ký sinh ở cá biển ở vùng ven bờ từ Hải Phòng đến Quảng Bình, đã phát hiện 2 loài mới cho khoa học, bổ sung 29 loài mới cho khu hệ sán lá ký sinh ở cá biển Việt Nam.

TÓM TẮT

Bài báo này cung cấp các dẫn liệu mới về thành phần loài sán lá ký sinh ở 83 loài cá thuộc 33 họ cá biển ven bờ Việt Nam (đoạn từ Hải Phòng đến Quảng Bình), trong số 39 loài sán lá (thuộc 26 giống, 10 họ, 3 bộ) ghi nhận ký sinh ở cá biển ở vùng ven bờ từ Hải Phòng đến Quảng Bình, đã phát hiện 2 loài mới cho khoa học, bổ sung 29 loài mới cho khu hệ sán lá ký sinh ở cá biển Việt Nam. Trong 10 họ sán lá, họ Hemiuridae có số loài bắt gặp cao nhất (12 loài), 3 họ (Bucephalidae, Gyliauchenidae Sanguinicodae), mỗi họ chỉ bắt gặp 1 loài, các họ còn lại có số loài bắt gặp từ 2-9 loài. Số lượng loài sán lá ký sinh phát hiện nhiều nhất ở bộ vược- Perciformes với 28 loài trên 570 cá thể.

Abstract. This study provides new data on the species composition of trematodes, parasitized on 83 species of fish belonging to 33 families, in coastal area of Vietnam. Among 39 species (belonging to26 genera, 10 families, three orders) of trematodes, parasitized on fish from coastal area from Hai Phong southwards to Quang Binh Province, two are new species and 29 species are recorded for the first time from Vietnam. Of 10 recorded families, Hemiuridae is the most diverse family with 12 species, three families (Bucephalidae, Gyliauchenidae and Sanguinicodae) contain one species each, other families consist of 2-9 species each. The species richness of trematodes is highest in the order Perciformes with 28 recorded species in 570 individuals of fish.

 

Từ khóa: Thành phần loài, sán lá ký sinh, cá biển, vịnh Bắc bộ, Việt Nam

 

I. Đặt vấn đề

Hiện nay, nghề nuôi thủy sản đang gặp nhiều khó khăn về phòng chống bệnh ký sinh trùng trên cá nuôi xuất khẩu, ở nước ta, hàng năm có khoảng 40 – 50% trại nuôi thủy sản bị bệnh ký sinh trùng gây hại, làm thiệt hại nhiều tỷ đồng. Các ký sinh trùng tồn tại trong tự nhiên cùng với vật chủ, gặp điều kiện thuận lợi về môi trường nuôi (mật độ dày, môi trường ô nhiễm) và sự mẫn cảm của vật chủ có thể bùng phát thành dịch bệnh [1]. Thực tế hiện nay, nghề nuôi cá biển đang trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Ở vịnh Cái Bèo- Cát Bà (Hải Phòng), năm 2008, xảy ra hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt đã gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi cá. Năm 2009 và 2010, thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết ở các lồng nuôi, vào tháng 8 năm 2011 cá nuôi bị chết nhiều ở khu vực vịnh Cái Bèo. Nguyên nhân có thể do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, do kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh của người dân còn hạn chế… Hiện tại, số lượng bè nuôi tại Cát Bà giảm xuống rất nhiều. Năm 2008, tại vịnh Bến Bèo có 305 bè nuôi với 6.478 ô lồng, tới năm 2010 theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng số lượng bè nuôi còn 240 bè. Số lượng ô lồng trung bình trên bè là 30-60 ô lồng nhưng số lượng ô lồng thực tế sử dụng chỉ đạt khoảng 70%. Do vậy, việc thường xuyên điều tra, đánh giá sự có mặt của KST có thể giảm thiểu thiệt hại.

Từ các năm của thập niên 60 đến 70 của thế hệ trước, các nhà ký sinh trùng học người Liên Xô như: Osmarin [16], Mamaev [11], Parukhin [17] và Lebedev [10] đã công bố thành phần loài giun sán ký sinh ở vịnh Bắc Bộ, Việt Nam. Cho đến nay, ở nước ta chưa có được công trình nghiên cứu đầy đủ nào về khu hệ giun sán ký sinh trên cá biển ven bờ Việt Nam. Vì vậy, điều tra tình hình nhiễm sán lá ký sinh ở cá biển ven bờ từ Hải Phòng đến Quảng Bình hiện nay có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

II. Đối tượng, vật liệu và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sán lá ký sinh ở cá biển ven bờ tại: Hải Phòng (Đồ Sơn), Nam Định (Giao Thủy), Nghệ An (Diễn Châu), Quảng Bình (Đồng Hới). Các nghiên cứu được tiến hành định kỳ vào các tháng 3, 5, 8 10 năm 2012- 2014.

Mẫu cá biển được chụp ảnh và định loại tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Mẫu sán lá ký sinh được định hình trong nước biển, xử lý và bảo quản trong cồn 70%. Mẫu sán lá được nhuộm borat carmin, làm kiệt nước qua các bước cồn etanol 70, 80, 95 và 100% và gắn nhựa dính canada. Mẫu vật được bảo quản tại phòng Ký sinh trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

III. Kết quả và thảo luận

1. Thành phần loài sán lá ký sinh đã xác định ở một số loài cá biển ven bờ từ Hải Phòng đến Quảng Bình.

Kết quả phân tích và định loại các mẫu vật thu được, bước đầu đã xác định được 39 loài sán lá, thuộc 10 họ (bảng 1).


Bảng 1. Thành phần loài sán lá ký sinh ở một số loài cá biển ven bờ từ Hải Phòng đến Quảng Bình.

(**- loài mới cho khoa học, *- loài mới cho khu hệ)

Trong 10 họ sán lá, họ Hemiuridae có số loài bắt gặp cao nhất (12 loài), có 3 họ: họ Bucephalidae,họ Gyliauchenidae và họ Sanguinicodae, mỗi họ chỉ bắt gặp 1 loài, các họ còn lại có số loài bắt gặp từ 2-9 loài.

Trong 39 loài sán lá được phát hiện thuộc 26 giống, 10 họ, 3 bộ, đã phát hiện 2 loài mới cho khoa học, bổ sung 29 loài mới cho khu hệ sán lá ký sinh ở biển Việt Nam, đồng thời đã ghi nhận nhiều vật chủ mới cho các loài sán lá ký sinh đã phát hiện.

Hai loài mới cho khoa học gồm: Bianium tonkinensissp1.,Bianium tonkinensissp2.. Các loài mới bổ sung cho khu hệ gồm:Aphanurus sp., Hemiurus arelisci Yamaguti, 1938; Parahemiurus sp., Erilepturus hamati (Yamaguti, 1934) Manter, 1947; Stomachicola muraenesocis Yamaguti, 1934; Elytrophalloides sp., Lecithochirium alectis Yamaguti, 1970; Lecithochirium alectis Yamaguti, 1970; Merlucciotrema praeclarum (Manter, 1934) Yamaguti, 1971; Opecoelus brevifistulus (Ozaki, 1928) Crowcroft, 1947; Opecoelus pteroisi Shen, 1986; Coitocaecum sp., Opecoeliva  sp., Pseudopecoeloides sp., Helicometra posodonophaeHa, 2011., Helicometrina nimiaLinton, 1910, Opistholebes amplicoelusNicoll, 1915, Opistholebes sp., Amphicreadium denspeniculusBray & Cribb, 2001, Gyliauchen oligolandulosus Gu & Shen, 1979, Metadena sp., Mehrailla sp.,Neometadena ovata Yamaguti, 1952, Parasaccocochium sp., Skrjabmolecithum sp., Paramphistotata sp.,Cetiotrema carangis (Mac Callum, 1913) Manter, 1970; Schitoma sp.

Đa số các loài sán lá phát hiện đều ký sinh trên một vật chủ, hoặc 1 họ vật chủ, tuy nhiên cũng đã xác định một số loài sán lá ký sinh trên nhiều vật chủ ở nhiều vùng địa lý:loài Lecithocladium excisum (Rudolphi, 1819) Lühe, 1901 được phát hiện ký sinh ở các loàicá Alepes melannoptera, Caranx sp., Decapterus sp., Sardinella sp., Selar crumenophthalmus. Loài Phyllodistomum sp. ký sinh ở 2 loài cá thuộc 2 họ khác nhau (loài Nibea albiflora– thuộc họ Sciaennidae và loài Rastrelliger brachysoma thuộc họ Scombridae).

Loài S.bicoronatum đã được phát hiện ký sinh ở các họ cá Clupeidae, Cynoglossidae, Percichthyidae, Sciaenidae ở Địa Trung Hải; biển Adriatic;  Tunisia; biển Đen; Đại Tây Dương;Trung Quốc; biển Nhật Bản; Ấn Độ Dương. Loài S. ditrematis đã được phát hiện ký sinh ở các họ cá Carangidae, Centropomidae, Embiotocidae, Priacanthidae, Sciaenidae, Triakidae ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, biển Ả rập, biển Đỏ, Mozambique, Địa Trung Hải, Corsica, Brazil, Mỹ, biển Caribe (Bartoli & Bray, 2001 [1]; Bray & Cribb, 2008 [4]). Loài L. excisum được phát hiện ký sinh ở nhiều họ cá thuộc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Mêxicô, Canada,… Loài C.carangis được phát hiện ở Trung Quốc, Ôxtrâylia, Trung Mỹ, Địa Trung Hải…

2. Thành phần sán lá ký sinh ở các bộ vật chủ

Nghiên cứu 1115 cá thể cá thuộc 83 loài, 10 bộ, trong đó bộ cá vược- Perciformes có số lượng cá thể nghiên cứu nhiều nhất (570 cá thể). Chính vì vậy mà số lượng loài sán lá ký sinh phát hiện nhiều nhất ở bộ này (28 loài). Tuy nhiên số lượng mẫu sán lá chúng tôi phân tích xác định loài còn rất ít trong tổng số mẫu chúng tôi thu được. Vì vậy trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục phân tích mẫu để bổ sung thêm về thành phần loài, khu hệ sán lá ký sinh ở cá biển.

Bộ cá Trích- Clupeiformes: phát hiện loài Elytrophalloides sp. thuộc họ Hemiuridae ký sinh ở cá Đé- Thrissa mystax.

Bộ cá Mối- Myctofhiformes: Phát hiện 1 loài sán lá Stephanostomum fistulariae thuộc họ Acanthocolpidae ký sinh ở loài cá Khoai- Harpedon nehereus.

Bộ cá Chình- Anguilliformes: Xác định 2 loài sán lá: Stomachicola muraenesocis thuộc họ Hemiuridae và Helicometra posodonophae sp. thuộc họ Opecoelidae.

Bộ cá Đối- Mugiliformes: Phát hiện 3 loài sán lá, trong đó có 1 loài thuộc họ Bucephalidae, và 2 loài: Parasaccocochium sp., Skrjabmolecithum sp.

Bộ cá Vược- Perciformes: Khu hệ sán lá ký sinh ở bộ cá Vược gồm 28 loài thuộc 6 họ: họ Bucephalidae gồm 1 loài (Prosorhynchus sp.), họ Hemiuridae gồm 5 loài (Hemiurus arelisci, Erilepturus hamati, Lecithocladium excisum, L. alectis,), họ Opecoelidae gồm 9 loài (Opecoelus haduyngoi sp., O. brevifistulus, O. pteroisi, Coitocaecum sp., Opecoeliva sp., Pseudopecoeloides sp., Helicometra fasciata, Helicometrina nimia), họ Acanthocolpidae 4 loài (Pleorchis hainanensis, P. sciaenae,Stephanostomum ditrematis, S. Bicoronatum), họ Gyliaunhenidae 1 loài (Gyliauchen oligolandulosus), họ Cryptogonimidae 3 loài (Metadena sp., Mehraillasp., Neometadena ovate), họ Gorgoderidae 3 loài (Cetiotrema carangis, Phyllodistomum sp.).

Bộ cá Mù làn- Scorpaenniformes: Trong 20 cá thể nghiên cứu có 7 cá thể nhiễm sán lá, xác định được 1 loài Merlucciotrema praeclarum thuộc họ Hemiuridae ký sinh ở cá Chai- Platycephalus indicus.

Bộ cá Nóc- Tetraodontiformes: Xác định 3 loài sán lá ký sinh thuộc 2 họ: họ Lepocreadiiae gồm 2 loài (Amphicreadium denspeniculus sp., Bianium tonkinensissp1.) và loài Paramphistotata sp.

IV. Kết luận và kiến nghị

1.Trong 39 loài sán lá ghi nhận ký sinh ở cá biển ở vùng ven bờ từ Hải Phòng đến Quảng Bình (thuộc 26 giống, 10 họ, 3 bộ), đã phát hiện 2 loài mới cho khoa học, bổ sung 29 loài mới cho khu hệ sán lá ký sinh ở cá biển Việt Nam.

2. Nghiên cứu 10 bộ cá bước đầu đã xác định 39 loài sán lá, trong đó bộ cá Vược nghiên cứu số lượng nhiều nhất (570 cá thể) và ghi nhận 28 loài sán lá ký sinh. Tuy nhiên, có nhiều loài cá số lượng nghiên cứu vẫn còn ít cần có những nghiên cứu tiếp theo với số lượng lớn hơn.

 

LỜI CẢM ƠN: Công trình này được tài trợ kinh phí từ Đề tài Điều tra cơ bản, mã số VAST.ĐTCB.01/13-14 và Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 106.15-2012.08.

 

 

TÀI TIỆU THAM KHẢO

1.Bộ thủy sản, 1996: Nguồn lợi thủy sản Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

2. Bray R. A., Gibson D. I. & Jones A. (Eds), 2008: Keys to the Trematoda. Volume 3. Wallingford: CABI Publishing and The Natural History Museum.

3. Buchmann K., 2007: An introduction to fish parasitological methods: Classical and Molecular techniques, Biofolia, 130p.

4.Đỗ Thị Như Nhung, 2007: Cá biển (Bộ cá vược). Động vật chí Việt Nam, tập 17, Nxb. KHKT, Hà Nội.

5.Gibson, D. I., Jones A. & Bray, R. A. (Eds), 2002: Keys to the Trematoda. Volume 1. Wallingford: CABI Publishing and The Natural History Museum.

6. Harrison, I. J., and H. Senou, 1997: Order Mugiliformes. Mugillidae. Mullets, p.2069-2108. In K. E. Carpenter and V. H. Niem (eds.), FAO species identification guide for fishery purposes. The living marine resources of Western Central Pacific. Vol. 4. Bony fishes part 2 (Mugillidae to Carangidae). FAO, Rome.

7.Heckmann R. A., 1980: “Parasites of Fishes, Methods of Examination and Examples” Proceedings Bonneville Chap. Am. Fish. Soc. Annual Meeting: 110-135.

8. Jones A., Bray R. A. & Gibson D. I. (Eds), 2005: Keys to the Trematoda. Volume 2. Wallingford: CABI Publishing and The Natural History Museum.

9.Lebedev B. I., 1970: Giun sán ký sinh ở cá biển Nam Trung hoa, Nxb. Khoa học. Matxcơva (tiếng Nga).

10. Mamaev J. L., 1970: Giun sán ký sinh ở cá biển vịnh Bắc Bộ. Nxb. Khoa học Matxcơva (tiếng Nga).

11.Nguyễn Hữu Phụng, 2001: Cá biển (Bộ cá cháo, bộ cá chình, bộ cá trích, bộ cá sữa). Động vật chí Việt Nam, tập 10, Nxb. KHKT, Hà Nội.

12. Nguyễn Khắc Hường, Trương Sĩ Kỳ, 2007: Cá biển. Động vật chí Việt Nam, tập 20, Nxb. KHKT, Hà Nội.

13.Nguyễn Nhật Thi, 2000: Cá biển (Phân bộ cá bống). Động vật chí Việt Nam, tập 2, Nxb. KHKT, Hà Nội.

14.Nguyễn Thị Lê, Hà Duy Ngọ, 2007: Sán lá ký sinh ở người và động vật. Động vật chí, tập 23, Nxb KHKT, Hà Nội.

15.Oshmarin P. G., 1965b: Helminthologia, 6:99-107. (in Russian).

16. Parukhin A. M., 1966c: New species of trematodes parasiting fish of the Gulf of Tonkin. Gelminto- fauna Zhivottnykh Yuzhnykh Morei. “Naukova Dumka” Kiev. (in Russian).

18. Sasaki, K., 2001: Sciaenidae. Croakers (drums), p. 3117-3174. In: K. E. Carpenter and V. H. Niem (eds.) FAO species identification guide for fishery purposes. The living marine resources of the Western Central Pacific. Vol.5. Bony fishes part 3 (Menidae to Pomacentridae). Rome, FAO: 2791-3380.

19. Whitehead, P. J. P., 1985: FAO species catalogue. Vol. 7. Clupeoid fishes of the world (suborder Clupeioidei). An annotated and illustrated catalogue of the herrings, sardines, pilchards, sprats, shads, anchovies and wolf-herrings. Part 1- Chirocentridae, Clupeidae and Pristigasteridae. FAO fish. Synop, 125: 1-303.

Nguyễn Văn Tăng1*, Nguyễn Văn Hà2, Hà Duy Ngọ2, Phạm Văn Lực2

1Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, tangvn@yahoo.com*

2Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!