T2, 06/07/2020 01:58

Tháo gỡ bất cập cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Biển đang ngày càng “cạn kiệt”, mỗi chuyến ra khơi của ngư dân phải đi xa hơn và kéo dài hơn. Thế nhưng, họ còn đối diện với rất nhiều trở ngại trong cuộc mưu đó, khi “đường ra biển” ngày một hẹp dần và phương tiện ra khơi dần trở thành gánh nặng.

Trả lại “đường” cho ngư dân

Tại rất nhiều bãi biển, các khu nghỉ dưỡng, khu resort được chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng đã khiến cho các làng biển bị đẩy lùi vào sâu bên trong và đường ra biển của ngư dân bị chặn lại. Sự việc này xảy ra nhan nhản tại các vùng biển đẹp ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… cả chục năm qua

Điển hình như tại Đà Nẵng, từ năm 2008, 12 km đường bờ biển trải dài trên quận Ngũ Hành Sơn hầu hết bị phủ kín bởi các khu resort, khách sạn. Những năm nay, người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp thẩm quyền mở đường xuống các bãi biển nhưng không giải quyết được. 

Lãnh đạo TP Đà Nẵng thừa nhận, việc triển khai thực hiện quy hoạch mở các lối xuống biển cho người dân đang gặp khó khăn. Lý do là bởi chính quyền đã bán đất cho nhà đầu tư, giờ muốn mở lối đi thì phải thương lượng, xin lại. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp không đồng ý vì không muốn khuôn viên khách sạn bị chia cắt!

Cùng với đó, Khu du lịch sinh thái Nam Ô, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cũng đã bị các resort đẩy sâu vào bên trong, khiến cho việc mưu sinh của họ trên biển gần như bị đóng cửa và làng nghề nước mắm Nam Ô nức tiếng đang đứng trước nguy cơ tiêu tán.

Nhiều công trình xây dựng đang bịt kín lối ra biển của ngư dân – Ảnh: ST

Năm 2016, người dân huyện Sầm Sơn, Thanh Hóa cũng buộc phải lên tiếng đòi đường xuống biển cho tàu, thuyền. Người dân yêu cầu chính quyền để một khoảng không gian nhất định ven biển để cơ nơi neo đậu tàu, thuyền, cũng như ra biển. Phải mất rất nhiều thời gian, những kiến nghị chính đáng của ngư dân mới được quan tâm giải quyết.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hỏi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường “Làm thế nào để cho bà con ngư dân không bị các khu du lịch, khách sạn bịt kín lối sinh kế ra biển?”. Trong khi Bộ trưởng Cường băn khoăn sợ câu hỏi lạc đề thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lên tiếng lưu ý: Bộ NN&PTNT phải có tiếng nói cho ngư dân. Vì ngư dân – những người đánh bắt cá trên biển là đối tượng mà Bộ phải lo. Bộ phải có tiếng nói với cán bộ ngành nào, địa phương nào đang bịt kín lối ra biển của ngư dân. 

Chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội nhận được sự đồng lòng rất lớn của ngư dân. Bởi họ không thể mãi “con kiến kiện củ khoai”. Hy vọng sẽ có sự dàn xếp ổn thỏa giữa các bộ, ngành để lối đi của ngư dân không bị chặn.


Gỡ khó cho tàu cá

Bất cập được các đại biểu đề cập là việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị định khuyến khích đóng tàu này ra đời năm 2014, nhằm mục đích “kép”. Do là phương tiện mới, trong quá trình đóng còn xảy ra tình trạng sai sót dẫn đến 40 tàu bị hỏng hóc. Hiện nay, 55 chiếc tàu đóng mới nằm bờ nhưng không ra khơi được do nhiều nguyên nhân như đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, hay chủ tàu không tích cực tham gia. Các chủ tàu đến kỳ bảo dưỡng nhưng không mang tàu đi bảo dưỡng.

Cùng đó, có tâm lý ỷ lại nên theo đề xuất của tư lệnh ngành nông nghiệp là sẽ không hỗ trợ tối đa như trước nữa mà ngư dân ai có tiềm lực thì ra khơi. Dân tự bỏ tiền ra mới khai thác hiệu quả được.

Và việc nhiều tàu 67 hoạt động không hiệu quả cũng đã dẫn đến tình trạng nợ xấu ngày càng tăng mạnh. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trước tình hình nợ xấu phát sinh, tới đây sẽ tham mưu, hướng dẫn ngư dân sản xuất khai thác hiệu quả hơn; rà soát các trường hợp có thể hỗ trợ, nhưng nếu ỷ lại sẽ phối hợp thu hồi nợ.

Về vấn đề này, giám đốc một ngân hàng thương mại tỉnh Khánh Hòa đã từng chia sẻ, nhà nước hỗ trợ ngư dân thế nào cần tách biệt rõ ràng, doanh nghiệp làm ăn cần có lãi, hai vấn đề này đang đan chéo vào nhau khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, bởi không ít ngư dân cho rằng, số tiền đó là do nhà nước hỗ trợ. 

Nhiều chủ tàu làm ăn khó khăn khiến hoạt động trả nợ không thực hiện được, một số người “té nước theo mưa” cũng cố tình không trả. Nợ xấu tăng lên, buộc ngân hàng phải đưa vụ việc ra tòa. Vậy nhưng, rất khó để giải quyết triệt để vấn đề. 

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!