Tháo gỡ khó khăn ngành hàng cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiều 7/5, tại An Giang, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị bàn về tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch COVID-19.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết, dịch COVID-19  đã và đang tác động đến kinh tế toàn cầu do việc hạn chế các hoạt động buôn bán, trao đổi qua biên giới; nhiều cửa hàng, nhà hàng đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh… làm cho nhu cầu thực phẩm giảm. Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc – đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30/3/2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.


Từ đầu năm đến nay ngành hàng cá tra bị thua lỗ nặng

Tương tự, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh chung của dịch COVID-19, các doanh nghiệp ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn về vốn và lãi suất. Theo phản ánh, các kho lạnh của doanh nghiệp đều đầy. Nhiều doanh nghiệp phải thuê kho lạnh để chứa hàng hoặc trang bị thêm các kho lạnh mới. Vì mặc dù xuất khẩu không được nhưng cá đến kích thước phải thu hoạch và phải có chỗ chứa.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khó khăn của ngành hàng cá tra được cho là do tình hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa gắn kết, còn mang tính thời vụ; việc chia sẻ lợi nhuận và rủi ro không hài hòa giữa các bên tham gia chuỗi liên kết. Đặc biệt sự tác động rõ nhất là khi có biến động thị trường xuất khẩu. Việc triển khai thực hiện quy hoạch nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL chưa đồng bộ… 

Theo đó, để khắc phục khó khăn và tiếp tục phát triển, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp thúc đẩy chất lượng ngành cá tra, triển khai cải thiện chất lượng con giống. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Đặc biệt, phải xây dựng kênh phân phối thị trường nội địa. Thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu trong thời gian tới cần tập trung vào các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản… và mở các thị trường tiềm năng mới. Đặc biệt, phải chú ý phát triển thị trường nội địa. Trong tháng 6, Bộ sẽ mời đại diện hiệp hội ngành hàng, các công ty lớn làm việc với các tập đoàn phân phối để tập trung phát triển thị trường nội địa.

Không những thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ đồng hành cùng địa phương, các ngành hàng, doanh nghiệp, người dân trong việc đẩy mạnh phát triển ngành hàng cá tra.

Ngọc Trinh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!