Tháo gỡ vướng mắc trong khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của các địa phương và hội viên ngư dân, vừa qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị một số vướng mắc trong thực hiện Luật Thủy sản 2017.


Bà con ngư dân còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong thực thi Luật Thủy sản

Bất cập hạn ngạch

Theo công văn của Hội Nghề cá Việt Nam, trong quá trình triển khai thực hiện Luật, các hội viên và bà con ngư dân phản ánh có một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ để việc thực thi Luật có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân, chống đánh bắt bất hợp phát (IUU), tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cụ thể, việc chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang chiều dài (m) và cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá còn nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều địa phương có tàu cá với công suất lớn 90 CV (trước đây là tàu khai thác xa bờ), nay do có chiều dài dưới 15 m không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi, thậm chí có tàu công suất 300 – 500 CV làm nghề lưới vây, pha xúc, chụp mực, rê, câu cá ngừ đại dương nhưng vì chiều dài dưới 15 m không được cấp phép vùng khơi, phải vào vùng lộng, nghề nghiệp không phù hợp nên nằm bờ.

Theo số liệu báo cáo của các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Bình, hiện đã có 3.270 tàu cá lơn hơn 90 CV không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi. Tại Phú Yên, có đến 732 tàu cá (chiếm trên 60%) không được cấp hạn ngạch theo Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS (Quyết định 1481) ngày 2/5/5 của Bộ NN&PTNT, trong khi trước đây những tàu cá này hoạt động ở ngư trường truyền thống Trường Sa và Hoàng Sa. Kỹ thuật các nghề khai thác xa bờ khác với khai thác gần bờ, do vậy khi phải chuyển vào hoạt động gần bờ thì công năng của tàu cá không phù hợp và không hiệu quả.

Ngược lại, tỉnh Quảng Trị có 200 tàu công suất chỉ từ 24 – 60 CV nhưng chiều dài 15 – 16 m trước đây chỉ khai thác vùng lộng và ven bờ, nay theo quy định buộc phải ra khai thác vùng khơi. Thế nhưng, số tàu này cũng không thể ra khơi đánh bắt được vì không đảm bảo an toàn và không có nghề khai thác phù hợp.

Thiết bị và cảng cá thiếu và yếu

Phản ánh của các địa phương, hiện nay việc triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị tàu cá còn nhiều bất cập, khó khăn. Theo quy định, thời hạn 1/7/2019 các tàu từ 24 m trở lên phải hoàn thành lắp đặt thiết bị nhưng đến nay nhiều địa phương chưa thực hiện được, thậm chí có tỉnh mới tiến hành 1/3 số tàu cần lắp đặt (Cà Mau 500/1.500 tàu). Mặt khác, đối với tàu cá từ 15 – 24 m, Bộ NN&PTNT chưa công bố danh mục các loại thiết bị đủ điều kiện lắp đặt có thể kết nối được các trạm bờ của trung ương và địa phương, trong khi đó trên thị trường có nhiều loại thiết bị khác nhau nên các địa phương không có cơ sở để hướng dẫn ngư dân triển khai, bởi nếu lắp đặt thiết bị không phù hợp sẽ gây khó khăn cho việc vận hành, quản lý, giám sát và xử lý sai phạm, gây lãng phí.

Cùng với đó, các trạm bờ của địa phương trước đây được đầu tư chủ yếu phục vụ cho việc giám sát thực hiện theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg nên chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và cần phải được đầu tư nâng cấp hoàn thiện phần mềm kết nối với thiết bị.

Về hậu cần phục vụ nghề cá, phần lớn các cảng cá ở nước ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu cho các tàu thuyền đánh bắt; nhiều cảng cá luồng lạch ra vào bị cạn, tàu không vào được, cộng với cơ sở hậu cần yếu kém, nên nhiều tàu cá chuyển ra bến tư nhân để xuống cá… Chưa kể, năng lực quản lý cảng còn nhiều bất cập, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý cảng không đáp ứng được nhiệm vụ, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Hơn nữa, các địa phương cho rằng việc giao Ban Quản lý cảng cá thực hiện chức năng quản lý Nhà nước là không phù hợp. Vì theo quy chế hoạt động của cảng cá là đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp và hướng tới việc xã hội hóa quản lý cảng cá; Mặt khác, với bờ biển dài trên 3.260 km, nhưng theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư của Bộ NN&PTNT, các tàu khai thác xa bờ chỉ được cập tại 57 cảng được Bộ NN&PTNT công bố có đủ điều kiện chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác. Đây là vấn đề khó khăn bất cập cho hoạt động của ngư dân và tàu cá.

Gỡ khó cho ngư dân

Với ngư dân, đánh bắt hải sản là nghề duy nhất để nuôi sống gia đình, họ không thể để tàu cá nằm bờ. Do đó, để đảm bảo kế sinh nhai, nhiều ngư dân có tàu không đủ điều kiện chiều dài trên 15 m nước vẫn phải lén lút ra khơi để đánh bắt, và như vậy, ngư dân trở thành đánh bắt bất hợp pháp và bị lực lượng chức năng xử phạt. Sản phẩm khai thác bất hợp pháp, không có nguồn gốc nên việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, việc cấp hạn ngạch cho tàu cá là cần thiết, tuy nhiên cần phải có lộ trình và thời gian để ngư dân chuyển đổi kịp, đồng thời phải có tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại nghề khai thác ở các vùng biển. Do đó, Hội kiến nghị Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc này cho ngư dân; có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi và phù hợp với đặc điểm từng nghề khai thác hải sản, chỉ đạo và hướng dẫn ngư dân cải hoán và chuyển đổi tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15 m nhưng có công suất trên 90 CV thành tàu đủ điều kiện khai thác vùng khơi, nên có lộ trình trong vòng 3 năm từ ngày luật có hiệu lực để ngư dân có đủ thời gian chuyển đổi. Trước mắt, đề nghị Bộ NN&PTNT cấp bổ sung hạn ngạch khai thác hải sản vùng khơi cho số tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên nhưng chiều dài dưới 15 m tạo điều kiện để ngư dân tiếp tục ra khơi, vừa đảm bảo đời sống cho gia đình vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đồng thời cho phép tàu nhỏ có công suất dưới 90 CV nhưng chiều dài trên 15 m tiếp tục hoạt động khai thác vùng lộng phù hợp với trình độ kỹ thuật và nghề nghiệp hiện có.

Ngoài ra, Hội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm công bố danh mục chủng loại các thiết bị giám sát hành trình đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và khả năng tích hợp kết nối với các trạm của trung ương và địa phương, đồng thời có giải pháp đầu tư nâng cấp các trạm bờ đủ tiêu chuẩn để giám sát tốt hoạt động của tàu cá. Đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao năm đầu cho các tàu cá từ 15 m trở lên (như kinh nghiệm của TP Đà Nẵng).

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống các cảng cá, tổ chức nạo vét luồng lạch ra vào cảng để có nhiều cảng cá đủ khả năng cho tàu cập cảng, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm. Cần có biện pháp nâng cao năng lực quản lý cảng cá và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành cảng cá đảm bảo chất lượng phục vụ cảng cá ngày một tốt hơn; xây dựng mô hình xã hội hóa trong quản lý cảng cá như một số nước trong khu vực.

Mặt khác, theo Luật Thủy sản, hiện một số nghề như lưới kéo ven bờ, lồng xếp, khai thác kết hợp ánh sáng ven bờ… đột ngột bị cấm đã ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, do vậy, cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ để tránh ảnh hưởng đến đời sống và tâm tư của ngư dân.

>> Thời gian qua, rất nhiều lần tàu Trung Quốc ngang nhiên vi phạm vùng biển, đảo Việt Nam; đâm húc, cướp, phá tài sản của tàu cá ngư dân Việt Nam; khiến ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản luôn đối mặt với nhiều bất an, rủi ro. Hội Nghề cá Việt Nam luôn phản đối mạnh mẽ hành động này, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam cần tăng cường sự hiện diện của lực lượng chức năng trên biển để hỗ trợ ngư dân và có biện pháp cứng rắn xua đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi chủ quyền biển Việt Nam.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!