T2, 06/07/2020 01:13

Thắt chặt quản lý trong cuộc chiến chống IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù, các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc xếp IUU vào nhóm tội phạm môi trường; trong khi, EU thực thi luật chống IUU, tuy nhiên, việc còn nhiều “lỗ hổng” đã khiến cho cuộc chiến này chưa thành công.


Nhức nhối

IUU đang diễn ra theo quy mô lớn ở những quốc gia có hệ thống quản lý yếu kém, tham nhũng tràn lan, hệ thống pháp lý thiếu minh bạch. Những quốc gia thiếu nguồn tài chính thường quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác hơn là đầu tư cho cuộc chiến chống IUU. Theo một nghiên cứu của Ủy ban Thủy sản Tiểu vùng Tây Phi (SRFC), với 7 quốc gia trong vùng, nguyên nhân khiến nhiều nước “bất lực” trước vấn nạn IUU là do cơ quan quản lý thiếu năng lực hoặc tham nhũng quá nhiều. Cũng do thiếu nguồn tài chính, một số quốc gia trong nhóm SRFC đã không đầu tư vào cơ sở hạ tầng kiểm soát khai thác như đội tàu giám sát khai thác hoặc các đội tuần tra trên biển… Rất khó để đưa ra con số chính xác về quy mô của hoạt động khai thác trái phép. Nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, thời kỳ tồi tệ nhất của IUU là giữa những năm 1990 đã qua, nhưng tới nay, sản lượng khai thác trái phép vẫn quá lớn, dao động 11 – 26 triệu tấn/năm, trị giá ít nhất 10 tỷ EUR/năm.

Có lẽ không một ngư trường nào hoàn toàn “sạch bóng” tàu khai thác trái phép. Theo các nhà bảo tồn và chuyên gia môi trường, tại tây Phi, trong 3 con cá được đưa lên bờ sẽ có 1 con khai thác trái phép. Tại Thái Bình Dương, IUU chiếm tỷ lệ 21 – 46% toàn bộ hoạt động khai thác. Sự mở rộng của Bắc Băng Dương và biển Arafura giữa Australia và Indonesia càng khiến nạn IUU thêm nhức nhối; tuy nhiên, IUU cũng xuất hiện ở châu Âu – nơi được cho là có hệ thống quản lý và giám sát cực kỳ phát triển. Tổ chức Greenpeace cho biết, khoảng 1.200 tàu khai thác cá công nghiệp tham gia vào hoạt động IUU. Rất nhiều trong số này treo cờ phương tiện nhưng không hiếm trường hợp chủ tàu là người châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Mỹ. Nhiều tàu đã lách luật như chuyển sang đăng ký tàu nước ngoài để giảm chi phí hoạt động thông qua việc sử dụng điều khoản luật lao động tại Belize, Liberia hoặc Panama.

Hành động mạnh tay

Cuộc chiến chống IUU đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư và hợp tác quốc tế chặt chẽ, trong đó việc quan trọng nhất của mỗi quốc gia là phải cải thiện hệ thống kiểm soát khai thác và thắt chặt mạng lưới giám sát trên biển và đất liền. Hiện, Hệ thống giám sát qua vệ tinh đang được nhiều nước sử dụng để theo dõi vị trí của tàu cá ở ngoài khơi hay ven bờ. Các phương pháp kiểm soát và chế tài cần phải được hợp tác trên toàn thế giới và được áp dụng nhất quán. Khoảng 170 quốc gia đã đồng ý áp dụng Bộ quy tắc ứng xử khai thác thủy sản bền vững (CCRF) do FAO ban hành năm 1995. Mặc dù, Bộ quy tắc trên không bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng nạn IUU đã giảm đáng kể tại các quốc gia tự nguyên thực thi như Na Uy, Australia, Malaysia, Naminia và Nam Phi.

Châu Âu, thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu lên đến 65% trở thành điểm đến hấp dẫn với các mặt hàng khai thác thủy sản trái phép; nhưng đồng thời cũng là châu lục tích cực nhất trong cuộc chiến chống IUU trên toàn cầu. Các hoạt động kiểm soát trên diện rộng là bắt buộc khi tàu cập bến dỡ hàng tại bất kỳ cảng biển nào thuộc châu Âu, thậm chí tàu cá phải báo cáo sản lượng trước khi cập cảng. Sau khi vào cảng, chủ tàu phải trình giấy phép khai thác, giấy phép hoạt động được cấp bởi cảng đăng ký và giấy phép khai thác ghi đầy đủ thông tin về loại cá được phép khai thác, địa điểm và khối lượng được khai thác. Những thông tin này sẽ được đối chiếu với sản lượng khai thác thực và với dữ liệu mà sổ ghi chép điện tử thu được. Bên cạnh đó, EU cũng đề ra các quy định về xử phạt tàu vi phạm. Các tàu cá nằm trong danh sách đen sẽ không được cấp phép khai thác và vận chuyển tại EU. Ngoài ra, các biện pháp chống IUU hiệu quả khác gồm Chứng nhận khai thác cho nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản ra vào EU; hoặc thiết lập Hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việс nhập khẩu các sản phẩm thủy sản IUU vào thị trường EU qua các hạng thẻ phạt.

Cuộc chiến chống IUU đã và đang được triển khai quyết liệt trên phạm vi toàn cầu và theo quan điểm của EU, thắt chặt quản lý bằng hệ thống kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt là con đường duy nhất chống IUU thành công. Tất cả đều nhằm một mục đích hướng đến tương lai phát triển bền vững nguồn lợi thủy hải sản trên toàn cầu. 

>> Theo quan điểm của EU, nhiều yếu tố đã tạo điều kiện cho đánh bắt cá IUU, trong đó gồm yếu tố kích thích kinh tế, cũng như năng lực hạn chế hoặc các cơ chế quản lý yếu kém, điều này khiến cho nỗ lực để đạt được hành vi đánh bắt có trách nhiệm hơn trở nên vô ích.

Đan Linh (Theo Eurofishing)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!