Thế hệ mới niềm tin mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Một thế hệ trẻ đang hình thành và lớn lên như thành quả của quá trình đổi mới, hướng đến những giá trị nhân bản, giàu trí tuệ, nhiều nghị lực và có tinh thần dân tộc sâu sắc. Đó là những gì chúng ta nhìn thấy và hy vọng vào lớp trẻ Việt Nam hôm nay.

Nguyên khí nghìn năm

Nước ta nhiều nhân tài, trải bao đời đều góp công làm nên lịch sử. Từ thời vua Hùng đã có Lý Ông Trọng, được Phạm Sư Mạnh ca ngợi: “Văn Lang thành cổ non trung điệp / Ông Trọng đền thiêng mây nhạt nồng”. Uy dũng lớn tới mức, khi Lý Ông Trọng mất, Tần Thủy Hoàng đúc tượng ông để ở cửa thành, khiến quân Hung Nô sợ phải rút lui.

Trần Hưng Đạo soạn binh thư, có nói đến trong Hịch Tướng sĩ, trực tiếp cầm quân đánh bại giặc Nguyên Mông. Đời Lê có Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú nhận xét: “Tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả”. Hồ Nguyên Trừng tài chế tạo súng đạn, được kính trọng; tài văn chương cũng trác việt, để lại cuốn Nam Ông Mộng Lục rất sâu sắc, ý nghĩa.

Nghiên cứu khoa học có Lê Quý Đôn ba lần đỗ đầu các kỳ thi. Dù bận việc quan nhưng ông vẫn viết rất nhiều sách khoa học giá trị cao (Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử, Vân Đài loại ngữ…). Phan Huy Chú nhận xét: “Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…”.

Thời đại Hồ Chí Minh, đất nước sinh ra nhiều vị tướng tài như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Sơn…; những nhà khoa học xuất sắc như Lương Định Của, Tôn Thất Tùng…; những tài năng nghệ thuật đặc biệt như Văn Cao, Tố Hữu… Hội nhập quốc tế, không ít người lo ngại cho lớp trẻ hôm nay, với những trò chơi vô bổ trên máy tính, những bài hát vô vị, những thú vui giời ơi đất hỡi… Nhưng sau những năm đổi mới, chúng ta càng chiêm nghiệm sâu sắc câu “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau / Nhưng hào kiệt thời nào cũng có”.

chủ nhân tương lai của đất nước

Những chủ nhân tương lai của đất nước – Ảnh: CTV

 

Những ngôi sao sáng

Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields là một ví dụ khẳng định giới trẻ hôm nay. Có người nói rằng thời chiến tranh chúng ta đã có toán học, nhiều giáo sư giỏi, điều đó không ai phủ nhận. Song chính các giáo sư đầu ngành ấy cũng công nhận những đóng góp của Ngô Bảo Châu và thời điểm năm 2010 Ngô Bảo Châu là nhà khoa học Việt Nam trẻ nhất trong lịch sử được phong hàm giáo sư. Có người nói Ngô Bảo Châu là sản phẩm đào tạo của Pháp, điều đó không thể không ghi nhớ, bởi ông từng là sinh viên Đại học Paris VI và Sư phạm Paris; tiếp bước Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, là sinh viên cao học và nghiên cứu sinh Đại học Paris XI, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1997, trở thành nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) từ năm 1998, lấy bằng Habilitation à Diriger les Recherches (HDR) năm 2003 và được bổ nhiệm giáo sư toán tại Đại học Paris XI năm 2004. Song cũng không thể quên, ngay từ khi được đào tạo tại Việt Nam, Ngô Bảo Châu cũng đã hai lần đoạt Huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế tại Australia năm 1988, Đức năm 1989; ông cũng là người Việt Nam đầu tiên giành 2 Huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế.

Nói về lớp trẻ, không thể không nhắc đến cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam. 13 tuổi, Đỗ Nhật Nam không chỉ biết đến là cậu bé nói tiếng Anh như “gió”, hùng biện giỏi, dịch giả tài năng mà còn có khả năng làm thơ hay, sâu sắc. Hiện nay, Nam đang là học sinh trường Saint Paul The Apostle, Texas, Mỹ. Trong quá trình học tập tại đất nước cờ hoa, em cũng đã giành được những thành tích vô cùng đáng nể.

Cách đây chừng một tháng, tôi tới xem một buổi tập của đội tuyển bơi khuyết tật Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Huấn luyện viên của đội tuyển nay đã già, thời trẻ là vận động viên bơi lội có tiếng, nhận xét: “Những thông số kỹ thuật các cháu đạt được hiện nay vượt xa thế hệ chúng tôi”. Ông đánh giá rất cao tài năng vận động viên Ánh Viên và cho rằng nếu chúng ta phát hiện và bồi dưỡng tốt từ tuyến trẻ thì tương lai còn nhiều Ánh Viên. Ánh Viên 19 tuổi đã giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho Việt Nam, phá 8 kỷ lục và được công nhận là vận động viên ngoài Singapore xuất sắc nhất tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015 ở Singapore. Kỳ tích của Ánh Viên đã phá vỡ quan niệm tự ti rằng bơi lội không phù hợp tố chất người Việt Nam và chỉ có những nước như Singapore mới sinh ra tài năng tầm cỡ.

Quá trình đổi mới không chỉ đem lại cho Việt Nam những thành tích kế tiếp trước đây như bắn súng, bóng đá, điền kinh… mà còn tạo dấu ấn từ nhiều môn thể thao mới, trong đó quần vợt hay boxing là ví dụ. Lý Hoàng Nam là vận động viên quần vợt Việt Nam đầu tiên vô địch một nội dung trẻ ở một giải quần vợt Grand Slam, giành ngôi vô địch nội dung đôi nam trẻ tại giải quần vợt Wimbledon 2015. Sự thăng tiến liên tục trên bảng xếp hạng đã đưa Lý Hoàng Nam vào thi đấu chuyên nghiệp, nhiều hứa hẹn.

Xuất sắc giành chức vô địch cờ vua thế giới lứa tuổi U8 diễn ra tại Hy Lạp hồi đầu tháng 11/2015 vừa qua, cô bé Nguyễn Lê Cẩm Hiền 8 tuổi khiến làng thể thao Việt Nam ngỡ ngàng, bởi đây là thành tích vô cùng đặc biệt của cờ vua Việt Nam. Trước đó, Cẩm Hiền cũng đã đoạt 1 HCB giải trẻ châu Á, 1 HCV đồng đội, 1 HCĐ cá nhân ở giải trẻ Đông Nam Á.

 

Xây nhà từ móng

 Sự thăng hoa một số ngôi sao sáng trong các lĩnh vực ở Việt Nam cũng đặt ra câu hỏi không mới nhưng vẫn thời sự: Những ngọn lửa nhỏ ấy có nhen nhúm, thổi bùng lên ngọn lửa lớn, khơi dậy bình minh, ánh sáng rực rỡ của tương lai? Hay đó chỉ là những thiên tài cá biệt, người hùng cô đơn, tấm gương quá xa vời?

Ông bà ta có câu “Một cây làm chẳng nên non”. Một mình Ngô Bảo Châu không thể thay đổi cả nền toán học Việt Nam, nhưng ông là người đặt viên đá tảng vào nơi xây nền toán học mới.

Quy trình xây dựng một ngành khoa học mới ở nhiều nước: Cử nhân tài đi học những nơi tốt nhất, những thầy giỏi nhất, lĩnh hội kiến thức mới nhất để trở thành nhà khoa học thực thụ (ngoài bằng cấp, học vị còn có kỹ năng và sự say mê nghiên cứu, kỹ năng tổ chức, truyền thụ kiến thức) trở về xây dựng ngành. Cùng thời gian đó, trong nước thiết lập cơ sở hạ tầng gồm các viện, trường, trung tâm, đào tạo ra các đồng nghiệp, đồng sự, học trò… để khi các nhà khoa học thành công trở về có sẵn hệ thống vật chất và cộng sự nhân lực làm việc.

Với trường hợp Ngô Bảo Châu, các nhà toán học Việt Nam cũng đã thấy, ngoài sự tôn vinh, đãi ngộ, cái mà giáo sư này cần nhất để phát triển sự nghiệp chính là môi trường làm việc. Vì vậy Viện Toán ra đời, giúp ông triển khai các dự định của mình. Song Viện Toán làm việc thế nào và hiệu quả liên kết với viện, trường khác ra sao, còn chờ thời gian kiểm định. Như nhiều người dự đoán, Ngô Bảo Châu đã rời Pháp sang Mỹ làm việc; ngoài vấn đề lương bổng, vấn đề khác quan trọng không kém là ông muốn tìm tới môi trường gồm nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới và tại đó các phát kiến mới liên tục được hình thành, hoàn thiện.

thế hệ mới niềm tin mới

GS-TS Ngô Bảo Châu bình dị trên bục giảng – Ảnh: Xuân Trung

Trường hợp Ánh Viên cũng có nét tương đồng. Ánh Viên được phát hiện ở Việt Nam, nhưng trải qua đào tạo đặc biệt ở Mỹ. Nếu chỉ luyện tập ở Việt Nam,  thành tích của Ánh Viên khó được nâng cao, vì tại Việt Nam Ánh Viên gần như không có đối thủ. Cô kể rằng khi luyện tập tại Mỹ, những vận động viên có thành tích như cô rất nhiều; do vậy cô luôn thấy mình cần phải cố gắng vươn lên nhiều nữa. Sự cạnh tranh lành mạnh giúp tài năng Ánh Viên không bị thui chột và luôn khát khao vươn lên. Ánh Viên từng khóc khi nhận Huy chương vàng, không phải vì mừng vui, dù về nhất nội dung thi, mà buồn vì chưa đạt thành tích như khi tập luyện. 

Một cuộc trao đổi khá nóng gần đây, các học sinh được giải “Đường lên đỉnh Olympia” hầu hết đều chọn môi trường nước ngoài để làm việc, tương tự lựa chọn của Ngô Bảo Châu. Điều này đặt ra một vấn đề rất lớn trong xây dựng môi trường làm việc cho nhân tài.

Một quy luật phát triển: Nơi nào quy tụ được nhiều tài năng, nơi đó có sự phát triển mạnh cả chất và lượng. Sự dịch chuyển các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị cũng kéo theo sự dịch chuyển tri thức, nhân tài; đồng thời, sự dịch chuyển của tri thức, nhân tài kéo theo sự dịch chuyển các trung tâm văn hóa, chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao vai trò nhân tài trong phát triển đất nước. Năm 1948, Người viết bài Tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.  Nhớ câu của Nguyễn Trãi, “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”. Vấn đề ở chỗ tạo môi trường làm việc để những nhân tài như Ngô Bảo Châu, Ánh Viên cống hiến; từ đó khơi dậy sự cống hiến của các đồng nghiệp, các thế hệ, đoàn kết để có Việt Nam “sánh vai các cường quốc năm châu”.

>> Tiến sĩ triều Lê, Phụng Trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì nước mạnh và càng lớn. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng đời nào không chăm lo, nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài, bồi đắp nguyên khí”.

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!