T2, 06/07/2020 01:41

“Thẻ vàng” và cả sinh mạng (P3): CÂU HỎI Ở CORAL SEA COMMONWEALTH

Chưa có đánh giá về bài viết

Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình ABC News, ông Peter Venslovas, cơ quan quản lý nghề cá của Úc cho biết, chúng tôi muốn việc đánh bắt trái phép phải dừng lại, nên việc đốt các tàu cá vi phạm là một thông điệp mạnh mẽ. Câu chuyện này sẽ cho các ngư dân thấy, việc đánh bắt trái phép sẽ làm ảnh hưởng như thế nào đến thể diện quốc gia.


Úc công bố hình ảnh bắt tàu cá với tang vật sò tai tượng – Tư liệu

Phóng hỏa tàu

Ngày 25/5/2016, trên mạng xã hội của quốc đảo Palaus lan truyền hình ảnh chiếc tàu cảnh sát mang số 001 và một ca nô tuần tiễu có chữ Police vây quanh một chiếc tàu gỗ cùng với lời bình minh họa “đốt tàu cá đánh bắt trái phép của ngư dân Việt Nam”. Hình ảnh được quay bằng fly cam trên không gian giới thiệu toàn cảnh con tàu bị tiêu hủy. Tiếp đến là vào ngày 20/10/2016, trên cộng đồng mạng của đảo Nouvelle-Caledonie lan truyền hình ảnh một tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến vào các đảo Fayaoué, Nang, Laroche và bị phát hiện, quay phim từ không gian. Ca nô của cảnh sát mang biển số P 688 đã rượt đuổi, áp sát, sau đó khoảng 15 ngư dân bị bắt giữ, ngồi dồn ở vị trí mũi tàu cá.

Trước khi chiếc tàu cá ngư dân bị bắt giữ ở Nouvelle-Caledonie, cảnh sát ở đảo này đã sử dụng tàu cao tốc P 606 rượt theo, sau đó thả ca nô để áp sát, vì chiếc tàu cá cố gắng bỏ chạy với tốc độ cao. Tàu tuần tra rượt đuổi song song, sau đó thả ca nô chở lính có vũ trang đến bắt giữ và khống chế thuyền trưởng dừng máy. Đó là cao điểm những vụ việc bắt giữ ở các quốc đảo và thông tin lan truyền nhanh chóng đến các quốc gia khác trên Thái Bình Dương về đội tàu ngư dân vào các đảo lặn bắt trái phép hải sâm.

Úc là quốc gia có diện tích khai thác thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, hơn 4.000 loại cá sinh sống nhưng chỉ có 10% được đánh bắt thương mại. Úc có hệ sinh thái san hô rộng lớn nhất thế giới, rặng san hô Great Barrier Reef lọt vào danh sách di sản thế giới; Úc bảo vệ rất nghiêm ngặt hệ sinh thái của các đảo Cocos, Chritmas (ở Ấn Độ Dương) và Norfolk (ở Nam Thái Bình Dương). Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Úc rất chặt chẽ. Vì vậy, tàu ngư dân sang vùng biển của Úc lặn bắt hải sâm đã bị tàu tuần tra rượt đuổi liên tục. Có thời điểm, tàu ngư dân vào vùng biển của Úc đều bị phát hiện và bắt giữ ngay.

Ngày 2/6/2016, một tàu cá của ngư dân Việt Nam đi vào khu bảo tồn biển phía Bắc của Úc lặn hải sâm và bị phát hiện bắt giữ sau đó. Tang vật trên tàu là 6 tấn hải sâm. Tòa án Darwin đã xét xử 30 ngư dân vi phạm với mức xử phạt 2 tháng đối với thuyền viên và 7 tháng đối với thuyền trưởng. Chiếc tàu đánh cá trái phép bị mang ra biển phóng hỏa. Nhưng Úc còn cho trực thăng quần lượn trên chiếc tàu đang ngùn ngụt khói để cảnh báo ngư dân về sự phản ứng nhanh của nước này, nếu ngư dân tiếp tục cho tàu cá sang Úc.

Từ đâu đến?


Tờ báo Ngôi Sao của quốc đảo Salomon đăng tin bắt tàu cá ngư dân Việt Nam

“Tàu từ đâu đến, no Viet Nam?”. Đó là câu hỏi nghi vấn rồi tự trả lời của cảnh sát Úc khi bắt giữ tàu cá Việt Nam. Ngư dân Phạm Thanh ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhớ lại, tàu của anh bị bắt khi đi từ Nouvelle-Caledonie băng qua vùng biển của Úc để về Việt Nam. Máy bay của Úc quần lượn trên đầu thì ngư dân tự nhủ rằng không thể chạy thoát. Sau đó thì tàu tuần tra đuổi theo rất nhanh và bắt giữ ngư dân gần khu vực Coral Sea Commonwealth.  

Nhân viên cảnh sát mang ra một tờ bản đồ và người phiên dịch hỏi “con tàu này đi từ đâu?”. Các ngư dân rà tay chỉ vào một điểm rất xa là Việt Nam, sang Nouvelle-Caledonie và trên đường quay về. Câu trả lời đó khiến tất cả cảnh sát đứng dựng người dậy và quay ra bán tán với vẻ nhốn nháo. Sau này các ngư dân mới biết được, những nhân viên cảnh sát này nói rằng, điều này quá kỳ lạ và đôi khi là không thể, vì tàu gỗ quá nhỏ bé. Tuyến đường này chỉ dành cho tàu lớn.

Cảnh sát Úc cho 2 người trực trong ca bin tàu cá rồi bắt đầu hành trình đi ngược về lãnh thổ Úc. Ngư dân khó ăn nói với tang vật trên tàu là 65 phi hải sâm, trị giá ước tính khoảng 7 tỷ đồng. Các ngư dân khai, mỗi ngày lặn được khoảng 5 phi. Nếu phiên biển trót lọt thì mỗi ngư dân đi bạn được chia phần trên 250 triệu đồng.

Nhưng lời khai của các ngư dân không phải đều được tin cậy. Một chiếc tàu nhỏ bé nhưng đi ròng rã từ Việt Nam sang Úc gần 40 ngày đêm là điều dường như không thể?

Trên tờ Hawai Public Radio ngày 25/1/2017 đã bình luận về những chiếc tàu cá vỏ gỗ của ngư dân Việt Nam bị bắt: “Giới truyền thông địa phương trích dẫn một quan chức Pháp, tự hỏi làm thế nào những chiếc thuyền nhỏ được tiếp nhiên liệu để có thể ở lại trên biển quá lâu?”. Còn giới truyền thông ở New Caledonia thì cũng nghi ngờ về khả năng tàu cá đi hơn 7.000 km… Rõ ràng là mối nghi ngờ đối với tàu cá ngư dân là hoạt động có tổ chức. Mặc dù khi lục soát dưới tàu cá bị bắt giữ, cảnh sát thường chứng kiến con tàu chở 60 ngàn lít dầu, chứa trong các phi đặt đầy trên tàu. Số lượng dầu này đủ cung cấp cho con tàu hoạt động vài tháng trên biển mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.

Coral Sea Commonwealth

Ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có nhiều gia đình đã khóc người thân suốt 6 năm, vì sự mất tích quá khó hiểu. Tháng 11 năm 2013, chiếc tàu cá QNg 90789 TS ở xã Bình Châu đã đột ngột biến mất trên đường trở về. Con tàu này mất tích chính xác tại tọa độ nào vẫn là điều còn nhiều bí ẩn. Gia đình của 14 ngư dân bị nạn có thể biết rõ con tàu này đã chìm đắm tại đâu. Chính quyền địa phương cho biết, tàu bị chìm ở quần đảo Trường Sa, nhưng rất có thể, con tàu này đã chìm ở một vùng biển rất xa và có thể nằm ngoài biển Đông.

Thời điểm chiếc tàu mất tích, tàu cá của ngư dân bắt đầu ra Thái Bình Dương, đến quốc đảo Palaus, Micronexia và sau đó bị bắt giữ tại khu vực Coral Sea Commonwealth của Úc. Báo chí ở Việt Nam ban đầu không đăng tải những câu chuyện về “ngư dân ở Thái Bình Dương” cũng là nguyên nhân khiến cho vấn nạn này gia tăng và thời điểm nóng nhất là năm 2016. Trong năm đó, Úc bắt giữ 11 tàu (150 ngư dân Việt Nam) đánh bắt trái phép.

Năm 2018, phía Úc đã cử cán bộ trực tiếp đến xã Bình Châu để phối hợp với phía Việt Nam tuyên truyền cho ngư dân. Những hình ảnh về tàu ngư dân bị bắt, bị chụp từ vệ tinh tại bãi Coral Sea Commonwealth được chiếu công khai. Khi tới tại địa phương xã Bình Châu, phía Úc đã hiểu được những con tàu vỏ gỗ sang tận bãi Coral Sea Commonwealth đều hành trình đơn độc, không có tàu mẹ dẫn dắt.

>> Trong thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã phát hiện và ngăn chặn 42 tàu cá ra nước ngoài đánh bắt, xử phạt hành chính 8 trường hợp, 530 triệu đồng. Tàu cá vi phạm bị tước giấy phép từ 3 đến 6 tháng. Lãnh đạo Bộ NN&PTNN đã sang Nouvelle-Caledonie để gặp gỡ và đưa ra cam kết của chính quyền Việt Nam trong việc chống đánh bắt trái phép ở Nouvelle-Caledonie; đào tạo ngư dân theo quy định quốc gia và quốc tế, tăng hình phạt tài chính…

Hà Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!