T2, 06/07/2020 01:42

“Thẻ vàng” và cả sinh mạng (Phần cuối): CHỐT CHẶN CỬA BIỂN

Chưa có đánh giá về bài viết

Ở khu vực miền Trung, vấn đề chống đánh bắt trái phép (IUU) được UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định vào cuộc quyết liệt, vì đây là 2 địa phương có đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ, thường xuyên vi phạm. Những giải pháp hiệu quả đã góp phần chặn đứng tàu cá ra Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc được rút “thẻ vàng” là điều không hề đơn giản.


Các thiết bị giám sát hành trình sẽ quản lý trực tuyến được hoạt động tàu cá

Ngăn từ bờ

Tại cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, vào những thời điểm nóng, Bộ đội Biên phòng đã cắt cử 1 tàu tuần tra gác ngay cầu cảng của Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ. Dấu hiệu để kết luận tàu cá đánh bắt ở ngoài Thái Bình Dương được kết luận từ quan sát bằng mắt thường. Đó là những chiếc tàu xếp phi dầu kín trong boong. Bình thường, ngư dân ra khơi chỉ chở theo khoảng 3.000 lít dầu chứa trong bồn dưới khoang. Nhưng để hải trình ròng rã 3 – 4 tháng trên biển trong điều kiện không được tiếp dầu, tàu cá phải chở 60.000 lít.

Đối với Bộ đội Biên phòng Bình Định, công tác ngăn chặn ngư dân đánh bắt vi phạm vùng biển các nước được áp dụng bằng hình thức viết cam kết trước khi ra khơi. Tại Trạm kiểm soát biên phòng Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, các chủ tàu trước ngày xuất bến thì xuống trạm điền thông tin vào mẫu đã đánh sẵn, sau đó ký cam kết chấp hành nghiêm việc đánh bắt trong vùng biển Việt Nam, không đi lấn sang vùng biển các quốc gia khác trên biển Đông. Do lượng tàu cá nhiều, vì vậy có thời điểm chồng giấy cam kết đặt tại trạm kiểm soát cao ngang thắt lưng.

Huyện ủy Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định vào cuộc tích cực bằng quy định ràng buộc, địa phương nào để xảy ra vụ việc ngư dân ra nước ngoài đánh bắt trái phép thì kiểm điểm chi bộ. Quy định trên đã kéo hệ thống chính quyền cấp thôn, xã vào cuộc, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tăng cường tuyên truyền. Bên cạnh đó là tác động người thân ngư dân trong đất liền nhắc nhở con em ra biển không vi phạm. Kết quả như thôn Ka Kông Nam, xã Tam Quan Nam được ghi nhận là không còn ngư dân vi phạm.

Ngành thủy sản tỉnh Bình Định đưa ra mục tiêu đến hết năm 2018, có 100% tàu cá có chiều dài thân vỏ 24 mét được lắp thiết bị giám sát hành trình Movimar, 300 tàu có chiều dài từ 15 đến 24 mét có gắn thiết bị giám sát hành trình VX 1700 và hết năm 2019 thì nâng lên là 2.830 tàu cá.

Chế tài nước sở tại


Đồn Biên phòng Tam Quan Nam ghi lời khai ngư dân Tạ Quang Tịnh ở xã Hoài Hương bị Malaisia bắt và thả về

Hiện nay phía Indonesia sử dụng nhiều biện pháp rắn trong xử lý tàu cá đánh bắt trái phép. Đối với thuyền trưởng trước đây bị phạt tù 3 năm, hiện nay tăng lên 6 năm, tàu cá vi phạm sẽ bị đánh chìm. Bên cạnh đó, tàu cá vi phạm còn bị hình phạt tiền 20 tỷ Rupiah, tương đương 38 tỷ đồng đối với tàu ngư dân đánh bắt trái phép, xử phạt 3 tỷ Rupiah, tương đương 6 tỷ đồng đối với hành vi sử dụng giấy phép đánh bắt giả; xử phạt 2 tỷ Rupih, tức gần 4 tỷ đồng đối với hành vi sử dụng các công cụ đánh bắt cá gây hại đến sự bền vững tài nguyên biển. Rõ ràng, với mức phạt trên thì tàu cá vi phạm không có khả năng tài chính để nộp và phải chấp nhận ngồi tù và mất trắng tài sản.

Đối với Malaisia, quốc gia này khởi động chương trình RaKam nhằm ngăn chặn tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp. Chương trình này gắn hệ thống kết nối giữa lực lượng quản lý biển với tàu cá ngư dân để khi phát hiện thì báo cáo trực tiếp. Khi tàu cá bị bắt, thuyền trưởng sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm; thuyền viên bị phạt tù từ 2 đến 6 tháng, số tiền phạt là 1.000 ring gits, tương đương 263 triệu đồng.

Chính phủ Philippines trong thời gian qua có nhiều chính sách nhân đạo đối với tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm lần đầu. Quốc gia này cũng tăng cường công tác kiểm soát trên biển, đối với tàu cá bị bắt thì thuyền trưởng và thuyền viên bị phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm nếu bị bắt giữ vì hành vi sử dụng chất nổ đánh cá. Các trường hợp vi phạm khác sẽ bị phạt từ 50 ngàn USD đến 1 triệu USD.

Hiện nay, mức xử phạt của Papua New Guinea đối với ngư dân Việt Nam sang đánh cá trái phép là 12 tháng tù, 3.500 kani (hơn 26 triệu đồng Việt Nam) đối với một ngư dân. Riêng thuyền trưởng sẽ bị xử phạt 3 năm tù và 24.000 kani. Hiện nay, hình phạt liên tục được điều chỉnh tăng lên. Đối với người vi phạm lần 2 thì bị phạt rất nặng, thời gian ngồi tù cũng tăng lên gấp nhiều lần. Các tàu vi phạm khi bị bắt giữ đều bị mang ra đốt trước mặt tập thể tàu cá để cảnh cáo.

Ông Ruston, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Úc mới đây đã công bố: “Cách tiếp cận chung của Úc và Việt Nam đã chứng tỏ được một mặt trận thống nhất trong việc đưa ra những thông điệp đến những đối tượng làm trái pháp luật, họ sẽ phải đối mặt với những trừng phạt về tài chính, chịu án tù hoặc chấp nhận việc các tàu cá của họ sẽ bị phá hủy”.

Chương trình hành động

Đoàn Thanh tra Nghề cá của Ủy ban châu Âu khi đến các địa phương thường bắt lỗi nhắm vào các tàu cá không khai báo nguồn gốc hải sản khai thác; tàu khai thác hải sản loại nhỏ theo kiểu tận diệt. Dù từ xa tới, nhưng đoàn thanh tra này có những dữ liệu trích xuất từ vệ tinh nên có thể đưa ra chứng cứ chi tiết về việc không khai báo nguồn gốc thủy sản của các tàu cá, hoạt động của các tàu làm lưới giã cào. Trước tình hình trên, các địa phương đang triển khai quyết liệt bằng các chương trình hành động.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định có những tàu cá lang thang khắp các tỉnh phía Nam và phía Bắc nhiều năm không trở về quê. Những chiếc tàu này nằm ngoài vùng kiểm soát của địa phương, nhiều tàu trong số đó sau khi bị nước ngoài bắt giữ thì địa phương mới nắm được. Trước tình hình trên, riêng tỉnh Bình Định ra quy chế, tàu cá hoạt động ở vùng biển ngoài tỉnh không quá 12 tháng phải quay về làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra máy, vỏ, nghề khai thác. Nếu không trở về thì sẽ bị thu hồi sổ đăng ký đã cấp.

Tỉnh Quảng Ngãi có các chế tài đánh mạnh vào quyền lợi của chủ  tàu, đó là tước giấy phép vĩnh viễn và không cho sang tên đổi chủ đối với tàu cá vi phạm. Hai tàu cá QNg 90945 TS và tàu QNg 96697 TS đã bị áp dụng hình phạt này. Tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo, từ năm 2017 đến nay, tình trạng ngư dân đánh bắt trái phép đã bị chặn đứng hoàn toàn.

>> Đại tá Lê Văn Khương, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai quyết liệt, như tàu cá không có giấy tờ không được neo đậu tại các cảng địa phương. Trong năm 2019, đoàn Thanh tra Nghề cá của Ủy ban châu Âu đã đến thanh tra hoạt động tại cảng cá. Để thúc đẩy nỗ lực rút “thẻ vàng”, tỉnh đã lập 3 chốt thanh tra thủy sản, bao gồm Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng và Bộ đội Biên phòng. Các chốt này hoạt động 24/24.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!