Thị trấn Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy hiệu quả mô hình nuôi cá lồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm qua, đời sống của người dân ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan không ngừng cải thiện, nâng cao. Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,2% trên tổng số 1.021 hộ dân. Có được kết quả đó là do thị trấn đã thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao, điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn.

Anh Hoàng Văn Chín, ở phố Tân Minh chia sẻ: “gia đình tôi là một trong 2 hộ dân đầu tiên nuôi cá lồng ở Văn Quan. Những năm đầu tiên, gia đình nuôi 2 lồng, đến nay có 3 lồng, với mỗi lồng nuôi từ 200 – 300 con, trong đó chủ yếu là cá trắm cỏ. Thời gian nuôi cá lồng, khoảng 15 – 16 tháng sau thì năng suất trung bình đạt từ 1,8 – 2kg/con, có nhiều con to đến 2,5 – 3kg. Trước đây, gia đình phải đem ra chợ bán hoặc bán cho các nhà hàng đặt mua, nhưng vài năm nay, cá lồng Văn Quan có tiếng hơn, các xe khách đi qua đây dừng lại mua rất nhiều nên đầu ra rất thuận lợi. Với giá bán hơn 100 nghìn đồng/kg, năm 2013, gia đình thu được trên 60 triệu đồng… Trong những năm qua, nhờ duy trì nguồn thu nhập này gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, vươn lên cải thiện, nâng cao đời sống.” Cùng với gia đình anh Chín, từ nuôi cá lồng hàng chục hộ dân đã thoát nghèo và ngày càng nâng cao mức sống, như hộ gia đình ông Hoàng Văn Bầu, hộ Hoàng Văn Ba, phố Tân Minh, Lý Chí Dũng phố Đức Hinh I, Hoàng Văn Bảy, phố Tân Sơn… Những hộ này có thu nhập đạt từ 60 – 100 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi cá lồng ở Văn Quan

Mô hình nuôi cá lồng ở thị trấn Văn Quan được người dân nuôi nhỏ lẻ bắt đầu từ năm 1989, gồm nhiều loại cá: trắm cỏ, trắm đen, chép, mè… Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mô hình này ngày càng phát triển, từ ít lồng lên vài chục lồng và với kĩ thuật chăm sóc cũng được nâng cao, năng suất và hiệu quả tăng lên đáng kể. Năm 2012, trên địa bàn có 35 lồng, năm 2013 tăng lên 82 lồng và đến nay con số đó là 90 lồng, vượt kế hoạch 42 lồng, với 67 hộ dân tham gia (tăng 35 hộ so với năm 2012). Tính trên sản lượng, năm 2012 chỉ đạt khoảng 18 tấn, nhưng đến nay lên 51,5 tấn/năm, giá trị kinh tế đạt 4.104 triệu đồng.

Sở dĩ năm 2013, nuôi cá lồng tăng vượt bậc về cả số lượng (số người nuôi, số lồng) và chất lượng (năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế) như vậy là do thị trấn đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án khôi phục và phát triển cá lồng trên địa bàn giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Bà Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch UBND thị trấn Văn Quan cho biết: Đề án được Trung tâm phát triển thủy sản của tỉnh trực tiếp hỗ trợ cả về nguồn kinh phí và kĩ thuật nuôi cá. Qua đó đã tạo thêm nguồn lực, động viên, giúp đỡ các hộ dân vượt qua khó khăn, do ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề từ những đợt mưa bão lớn năm 2010, nhanh chóng vực dậy nghề nuôi cá lồng của mình. Trên địa bàn, hiện nay, tổng diện tích sông suối có hơn 67ha, diện tích mặt nước khoảng 10ha. Để khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế đó, nhân rộng, phát triển mô hình này hơn nữa trong tương lai, UBND thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân tăng cường ứng dụng kĩ thuật, tăng số lồng nuôi. Cùng với đó, kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức về vốn, kĩ thuật, giống và nguồn thức ăn. Dự định trong tháng 6/2014, thị trấn sẽ hoàn thiện các thủ tục xin thành lập Hợp tác xã cá lồng thị trấn Văn Quan để thông qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, nhân rộng mô hình. Trong đó, tiếp tục quan tâm thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân gắn với nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn, tiến hành đăng kí thương hiệu, giới thiệu sản phẩm ra nhiều huyện, tỉnh. Từ đó, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững mô hình nuôi cá lồng ở Văn Quan.

Bài, ảnh: Lâm Như

Báo Lạng Sơn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!