Thị trường cá tra: Người khai, kẻ phá

Chưa có đánh giá về bài viết

Hai tuần qua, giá cá tra ở khu vực ĐBSCL tăng vọt. Bước sang cuối tháng 10-2016, giá cá tra tiếp tục nhích lên từ 21.000 – 23.000 đồng/kg. Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân tác động đến thị trường. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn do quy luật “cung – cầu”.

Nhưng giá cá tra có tăng thì cả các nhà máy chế biến và người nuôi cá vẫn thấp thỏm lo âu. Chuyện giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm này không đơn thuần là liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp mà còn phải thắt chặt mối liên kết ngang giữa các doanh nghiệp…

4 ao thất, 1 ao trúng

“Tôi vừa bán ao cá tra thứ 5 với giá 22.500 đồng/kg. Lâu lắm rồi mới bán được giá này. Khoản lời đợt này cũng bù lại phần nào cho 4 ao bán giá thấp trước đó, chỉ từ 18.000 – 19.000 đồng/kg”, anh Lê Văn Trường, người nuôi cá tra ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết.

Cần kiểm soát và thống nhất giá xuất khẩu sản phẩm giữa các doanh nghiệp

Cần kiểm soát và thống nhất giá xuất khẩu sản phẩm giữa các doanh nghiệp

Người nuôi cá tỏ ra phấn khích khi giá cá tra tăng trở lại. Trong đó, giá cá tra thịt trắng hiện đạt đến mức 23.500 đồng/kg (tăng gần 3.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng). “Giá cá tăng hiện nay do nguồn cung hạn chế. Trong khi nhu cầu của doanh nghiệp lại tăng để cung cấp cho thị trường mùa Noel và Tết Dương lịch ở nhiều nước. Cũng cần nói thêm, không chỉ người dân giảm diện tích nuôi do trước đó giá cá thấp mà doanh nghiệp cũng giảm nuôi ở vùng nguyên liệu truyền thống của chính họ. Vậy nên cá tra hiện đang hút hàng và tăng giá cục bộ”, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), phân tích.

Vấn đề đặt ra là giá thành cá tra trung bình hiện nay là bao nhiêu? “Theo báo cáo khoa học, giá thành năm 2015 là 21.500 đồng/kg. Còn hiện tại giá bao nhiêu vẫn chưa xác định được”, bà Võ Thị Thu Hương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trả lời câu hỏi của chúng tôi. Tuy nhiên, theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ: “Giá thành chỉ xác định ở một thời điểm nào đó. Hiện tại, khảo sát thực tế từ một số hộ nuôi cho thấy giá thành hiện nay dưới mức 20.000 đồng/kg. Cũng cần nói thêm, hiện giá thành cá tra nuôi của doanh nghiệp cao hơn nông dân”. Trong khi đó, vùng nguyên liệu nuôi cá tra hiện nay của doanh nghiệp chiếm đến 80%; còn lại của nông dân chỉ chiếm 20% do liên tiếp thất giá, phá sản. Đến tháng 10-2016, diện tích nuôi mới cá tra ở các tỉnh ĐBSCL giảm 9%, chỉ còn 2.577ha.

Khai tử kẻ phá

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến tháng 9-2016 đạt trên  1,15 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu đến 133 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, nông dân và doanh nghiệp không chủ động được về giá vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố, như tình hình xuất khẩu, sản lượng cá thu hoạch và các yếu tố khác. Bà Võ Thị Thu Hương cho biết: Các rào cản kỹ thuật về cá tra như đưa ra tiêu chí gây ô nhiễm môi trường đã làm sụt giảm thị trường ở châu Âu. Trong khi đó, nhiều địa phương còn lúng túng nên chưa đưa ra các quy chuẩn về nghề nuôi; chưa theo dõi, cập nhật giá thành của người nuôi…

Cần nhìn nhận, sau thời gian giá cá tra trượt dài, bấp bênh nên mối liên kết ngành dọc giữa nông dân và doanh nghiệp được hình thành khá bài bản. Người nuôi cá tra hiện nay gần như đều gắn đầu ra với doanh nghiệp, cụ thể cũng như áp dụng các quy trình nuôi tiến bộ. Tuy nhiên, mối liên kết ngang (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) vẫn rời rạc và thậm chí thiếu minh bạch. Một người hoạt động nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cá tra ở ĐBSCL ví von: “Cần biểu dương những doanh nghiệp “khai phá” thị trường mới. Nhưng cũng rất buồn ở chữ “khai phá” ấy. Bởi thực tế có doanh nghiệp vừa “khai” được thị trường mới, thì sau đó xuất hiện doanh nghiệp “phá” thị trường! Mỗi lần Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn doanh nghiệp đi dự hội nghị ở nước ngoài đều họp thống nhất giá bán cá tra, như thống nhất giá xuất cá tra phi lê 3,2USD/kg, nhưng sau đó có doanh nghiệp lén  “đạp giò”, hạ giá bán xuống còn 3,1USD/kg. Khách hàng nhân đó “đè” luôn giá xuất khẩu của các doanh nghiệp khác.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), mạnh dạn đề xuất: “Cần phải loại khỏi cuộc chơi đối với những doanh nghiệp yếu kém, có chiêu trò bán phá giá. Không nên hỗ trợ để cứu những doanh nghiệp dạng này. Doanh nghiệp nào đủ vật lực, tài lực thì tồn tại. Doanh nghiệp yếu kém hay “xé ráo bán phá giá” thì khai tử, chuyển sang ngành khác. Cần phải có chính sách hỗ trợ liên kết ngang để tập hợp các nhà máy thành đầu mối. Giảm được đầu mối là giảm sự cạnh tranh không cần thiết”.

Thiết nghĩ, đề xuất của ông Lê Chí Bình cũng đáng được xem xét. Bởi trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể ổn định ngành hàng cá tra bằng chiến lược lâu dài và chính sách phù hợp. Nếu để một doanh nghiệp “khai” thị trường, rồi nhiều doanh nghiệp “phá” thì ngành hàng cá tra vẫn luẩn quẩn chuyện giá cả bất ổn, nông dân tiếp tục treo ao…

CAO PHONG

Sài Gòn Giải Phóng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!