T2, 06/07/2020 12:19

Thị trường tôm 2016: Liệu có theo quy luật cung cầu?

Chưa có đánh giá về bài viết

Dịch bệnh và giá tôm thấp đang được coi là các thách thức chính cho sự phát triển của nghề nuôi tôm. Sản lượng tôm nuôi năm 2015 dù có giảm so với năm 2014 nhưng vẫn cao hơn mức đạt được năm 2011, trước khi dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra. Giá tôm mới chỉ nhích lên trong thời gian gần đây. Vậy tình hình sẽ ra sao trong năm nay?

Quy luật cung cầu

Các phân tích đều khẳng định, nhu cầu tiêu thụ hải sản, trong đó có tôm, lớn gấp nhiều lần so với khả năng cung ứng của cả nghề nuôi lẫn khai thác hải sản. Tuy nhiên, nhu cầu cao không có nghĩa là giá tôm cao. Trên thực tế, giá của các đối tượng nuôi có sản lượng lớn (0,5 – 1 triệu tấn/năm hoặc cao hơn) đều có xu hướng giảm theo thời gian. Thống kê giá tôm trên thị trường Mỹ của Indexmundi trong 30 năm qua cho thấy giá tôm năm 2015 đã xuống rất thấp (21,1 USD/kg) nhưng vẫn còn cao hơn thời điểm 12/2009 (17,5 USD/kg) hay trước đó là 8 – 10/1989 (18,7 USD/kg) (Hình 1).

giá tôm trên thị trường mỹ trong 30 năm gần đây

Hình 1: Giá tôm trên thị trường Mỹ trong 30 năm gần đây. Số liệu của Indexmundi (2016)

Giá tôm ở mức thấp trong 2 năm 2014 và 2015 là có thể giải thích được. Trước đại dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), năm 2011 được coi là năm thành công nhất trong lịch sử của nghề nuôi tôm với tổng sản lượng đạt mức 4,2 triệu tấn (Hình 2).

sản lượng tôm nuôi toàn cầu giai đoạn 2007 - 2015

Hình 2: Sản lượng tôm nuôi toàn cầu giai đoạn 2007 – 2015 và dự báo 2016 – 2017 (GAA, 2015)

Chỉ trong 2 năm, khi các quốc gia nuôi tôm hàng đầu trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Mexico bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi AHPND, sản lượng tôm nuôi của thế giới đã giảm khoảng 14%, tương đương với 588.000 tấn. Mức suy giảm này khiến cho giá tôm trên thị trường Mỹ tăng một cách chóng mặt từ 21,4 USD/kg vào tháng 5/2012 lên 39,9 USD/kg vào tháng 4/2014.

Giá tôm cao trong năm 2013 khiến lợi nhuận tăng, kích thích người nuôi tôm tăng vụ, mở rộng diện tích nuôi. Năm 2014, sản lượng tôm nuôi của Việt Nam đạt mức kỷ lục 669.000 tấn. Tại châu Á, hai quốc gia khác là Ấn Độ và Indonesia cùng lúc có mức gia tăng ngoạn mục về lượng tôm nuôi. Kết quả là tổng sản lượng tôm nuôi của thế giới đạt 4,3 triệu tấn năm 2014; cao hơn năm 2011 khoảng 100.000 tấn. Tổng sản lượng tôm nuôi của thế giới năm 2015 dù có giảm chút ít so với 2014 vẫn còn cao hơn 2011.

Khi cung vượt quá cầu, giá tôm quay đầu giảm tới 27% chỉ trong vòng 8 tháng của năm 2014 và tiếp tục tụt dốc trong năm 2015 cũng là điều dễ hiểu. Giá tôm có tăng trong thời gian gần đây được hiểu là kết quả của 3 yếu tố: Sụt giảm sản lượng tại Ấn Độ do lũ lụt; kết quả nuôi không tốt của Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ tôm ở châu Á vào dịp năm mới Bính Thân.

 

Giá tôm xuất khẩu có cải thiện?

Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) dự báo tổng sản lượng tôm nuôi của thế giới sẽ tăng 6 – 7%/năm trong giai đoạn 2016 – 2017 và có thể đạt mức 4,8 triệu tấn năm 2017, cao hơn hiện tại khoảng 700.000 – 750.000 tấn. Trong đó, Indonesia được GAA dự báo là quốc gia có tăng trưởng mạnh nhất, sẽ chiếm ngôi vị số 2 trên thế giới, sản xuất khoảng 850.000 tấn năm 2017, tiếp theo là Ấn Độ. Với dự báo này, mức cung có thể sẽ vượt cầu khi mà tình hình kinh tế của thế giới đang trong xu thế suy thoái. Giá dầu thô giảm, thiên tai gia tăng và khủng hoảng tài chính vẫn đang tiếp diễn tại châu Âu, Trung Quốc làm cho sức mua bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Tuy vậy, dự báo của GAA có nhiều khả năng không đúng. Đơn giản là vì chưa có quốc gia nào trên thế giới có sản lượng trên 600.000 tấn/năm mà không gặp vấn đề về dịch bệnh hay ô nhiễm. Nghề nuôi tôm của Trung Quốc với sản lượng trên 1 triệu tấn/năm đang gặp phải các ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, thoái hóa con giống. Sản lượng tôm nuôi của Thái Lan từ mức kỷ lục 611.000 tấn năm 2011 đã giảm tới 65% chỉ trong 3 năm, xuống chỉ còn 217.000 tấn. Năm 2015, Thái Lan chỉ sản xuất được khoảng 260.000 tấn và phải còn mất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi. Việt Nam sau năm 2014 thành công với 669.000 tấn tôm nuôi đã có 2015 với tỷ lệ thành công ở các vùng nuôi trọng điểm chỉ ở mức 20 – 30% do dịch bệnh và điều kiện thời tiết không phù hợp. Nghề nuôi tôm của Indonesia đã có giai đoạn lao đao về bệnh đục cơ do virus IMNV gây ra.

Ấn Độ được coi là một cường quốc mới nổi về nuôi tôm. Tuy thế, nghề nuôi tôm ở Ấn Độ mới chỉ ở giai đoạn ban đầu của quá trình phát triển. Công nghệ nuôi thấp, thả thưa (30 – 40 con/m2), đầu tư đơn giản, liên tục mở rộng diện tích nuôi… đang giúp cho giá tôm nuôi tại Ấn Độ được duy trì ở mức thấp. Tôm thẻ chân trắng cỡ 30 con/kg được xuất khẩu sang Việt Nam với giá chỉ 4,5 USD/kg. Ngay khi thâm canh hóa có dấu hiệu manh nha ở Ấn Độ, mật độ nuôi được đẩy lên mới ở mức 60 con/m2 đã lập tức xuất hiện các vấn đề về dịch bệnh, môi trường. TS Chalor Limsuwan cho biết phần lớn các trại nuôi tôm ở Ấn Độ đều không được đầu tư đúng mức. Hiện tượng ô nhiễm hữu cơ, thiếu hụt ôxy hòa tan xảy ra rất phổ biến sau 60 ngày nuôi, khiến cho tôm bị stress, dịch bệnh dễ bùng phát. Hội chứng tôm kéo đàn rồi chết (running mortality syndrome) hay bệnh đen mang được coi là hậu quả của khả năng quản lý ao nuôi kém cỏi tại đây.

Nhìn chung, mặc dù đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ trong thời gian gần đây, nghề nuôi tôm trên thế giới vẫn có sản lượng được quyết định bởi một lực lượng sản xuất đông đảo ở trình độ thấp. Bởi vậy, chiến lược gia tăng sản lượng quá nhanh của bất cứ quốc gia nào khi tổng sản lượng tôm nuôi đã ở mức ngấp nghé nhu cầu sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn có khả năng khiến cho tác động của nghề nuôi tôm vượt quá sức tải sinh thái, dẫn đến các hệ lụy nguy hại cho sự phát triển bền vững.

Năm 2016, ảnh hưởng của El Nino vẫn tiếp diễn gây nắng nóng và hạn hán ở nhiều nơi. Sản lượng tôm nuôi trên thế giới vì thế sẽ ở mức hạn chế, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở Trung Quốc, Thái Lan chưa phục hồi, Ấn Độ mới phải chịu ảnh hưởng của lũ lụt và bệnh dịch bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, Honduras có thể không nuôi được tôm năm 2016 vì hạn hán. Trong khi, dự báo tại châu Âu, sản lượng tôm biển khai thác tự nhiên sẽ giảm khoảng 15 – 18%, làm thay đổi cán cân cung cầu. Tại Việt Nam, dự báo thời tiết cho biết 5 tháng đầu năm nhiệt độ rất cao, nắng nóng kéo dài. Sau tháng 5, thường xuyên có mưa bão và mức độ ảnh hưởng sẽ khốc liệt hơn mọi năm. Diễn biến thời tiết này chắc chắn sẽ gây nhiều bất lợi cho nghề nuôi tôm. Chính vì vậy, có thể dự báo sản lượng năm 2016 sẽ không tăng cả Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Nhờ vậy có thể kỳ vọng giá tôm thương phẩm hay xuất khẩu sẽ được duy trì ở mức tốt.

Mấu chốt quyết định hiệu quả nuôi chủ yếu sẽ nằm ở việc lựa chọn thời điểm thả nuôi phù hợp và khả năng giảm chi phí sản xuất để cải thiện lợi nhuận đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.

PGS.TS Hoàng Tùng - Cố vấn khoa học của Skretting Vietnam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!