“Thiên thời” cho cá tra Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra lớn của Việt Nam; Mới đây, việc Trung Quốc quyết định giảm thuế nhập khẩu 221 sản phẩm trong đó có mặt hàng cá tra fillet và cá đông lạnh đã tạo thêm nhiều cơ hội cho cá tra Việt Nam tăng thị phần ở quốc gia đông dân này.

Cá tra Việt Nam có nhiều tiềm năng ở thị trường Trung QuốcẢnh: LHV

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới sẽ khả quan, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Lý do là từ ngày 1/7/2018 nước này sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2 – 10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, thuế nhập khẩu fillet cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7%, tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này. Trong thời gian tới, nhiều dự báo xuất khẩu thủy sản (tôm, cá tra) sang Trung Quốc sẽ tăng do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu của nước này. Theo chính sách trên, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tăng lợi nhuận nhiều hơn và người tiêu dùng Trung Quốc được sử dụng thủy sản từ Việt Nam với giá thấp hơn hiện tại. Từ đó, gia tăng nhu cầu nhập khẩu thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thủy sản nước ta đạt gần 4 tỷ USD, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 20%.

Trên thực tế, Công ty CP Vĩnh Hoàn, đơn vị chế biến xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam cũng đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các loại mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến (ready to eat, ready to cook) với chất lượng cao sang thị trường Trung Quốc; mặt hàng này kỳ vọng sẽ mang lại 10% doanh thu cho doanh nghiệp. Nếu Mỹ áp thuế cho mặt hàng cá tra hay các sản phẩm thay thế như cá rô phi từ Trung Quốc thì đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn hay Biển Đông chiếm lĩnh nốt thị phần của thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ nhì thế giới. Cùng với đó là sự tăng trưởng của IDI và Trường Giang có sự đóng góp rất lớn đến từ Trung Quốc khi đây là 2 doanh nghiệp chiếm thị phần nhập khẩu cá tra lớn nhất của thị trường này với 14% (IDI) và 10% (Trường Giang). Sản phẩm xuất khẩu của IDI sang Trung Quốc chủ yếu là cá nguyên con, mang lại biên lợi nhuận thấp hơn so với cá tra fillet. Vĩnh Hoàn theo ngay sau với thị phần khoảng 8%, tuy nhiên Vĩnh Hoàn chủ yếu bán cá fillet và các sản phẩm giá trị gia tăng, những mặt hàng mang lại biên lợi nhuận tốt hơn.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của VASEP, việc đẩy mạnh mặt hàng cá tra sang Trung Quốc cũng cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng Chứng thư Thủy sản xuất khẩu theo quy định. Đồng thời, VASEP cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để xử lý những trường hợp gian lận thương mại, góp phần giữ vững uy tín hình ảnh cá tra Việt Nam phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

>> Ghi nhận trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 203 triệu USD, tăng 46,8% so cùng kỳ năm 2017. Theo các nhà phân tích, do tình hình ô nhiễm môi trường gia tăng, diện tích nuôi trồng ngày càng co hẹp cùng với sự dịch chuyển khẩu vị từ gia súc sang thủy sản, dự kiến nhập khẩu cá tra của Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm nay.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!