Thiếu vắng cá tôm mùa nước nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

“Mùa nước nổi” đã lâu rồi không còn là mùa kiếm sống của người dân, do cá, tôm sinh sản không kịp so với việc đánh bắt kiểu tận diệt từ trứng nước. Giữa vùng rốn lũ, người dân khắc khoải trông ngóng cá tôm trong khó khăn vây bủa.


Người dân khắc khoải trông ngóng cá tôm trong khó khăn vây bủa  Ảnh: Báo Nông Nghiệp

Đỏ mắt tìm cá, tôm

“Nước ngập mênh mông thấy vậy chứ không có bao nhiêu cá, vợ chồng tôi giăng lưới ngày kiếm trăm ngàn là mừng rồi”, ông Nguyễn Văn Chính, 40 tuổi ở xã Phú Hiệp (Tam Nông, Đồng Tháp) nói. Thời điểm nước ngập mênh mông, người dân vùng rốn lũ ngàn đời kiếm sống bằng nghề câu lưới. Thế mà năm 2018, phóng viên theo ông Nguyễn Văn Chính ra cánh đồng Phú Hiệp giăng lưới trong nỗi khắc khoải khó tả. Ông Chính giới thiệu, ở khu vực này dân được phép đánh bắt, còn sâu hơn dăm cây số là Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu vực cấm không được phép vào. “Ở đây vùng trũng, rốn lũ của ĐBSCL nên cá tôm dồn về nhiều, tuy nhiên đó là chuyện trước đây, còn giờ giăng cả buổi kiếm vài ký cá đỏ con mắt”, ông Chính bộc bạch.

Ông kể, mới hôm qua chạy sang đồng xã Phú Thành B cùng huyện Tam Nông giăng “trúng mánh” được gần chục ký, bán được 400.000 đồng. “Nhờ mùa lũ mà dân sống đắp đổi qua ngày nhưng cực khổ lắm, phải thức đêm lạnh lẽo, muỗi cắn. Chưa kể trời mưa cũng ráng cuốn cho xong lưới mới về”, ông Chính giơ hai bàn tay chay sần, chỗ bị nước ăn lõm. Sau gần 3 giờ ngoài đồng, 400 mét lưới dính chưa được chục con cá, ông Chính nói quay trở về nhà chở vợ đi đồng khác giăng vào ban đêm chứ thế này lấy gì sống.

Khoảng nửa tiếng trên chiếc xuồng ba lá chạy máy kole, về đến nhà. Vợ ông Chính là bà Nguyễn Thị Út chuẩn bị cơm nước theo chồng ra đồng. Vợ chồng ông có 3 người con, con gái lớn lấy chồng rồi về bên chồng sinh sống, con trai giữa học lớp 7 đã nghỉ, giờ còn con trai út học lớp 5. Căn nhà sàn của gia đình ông khoảng 40 m2 cột gỗ, mái tôn cũ kỹ. Bà Út người gầy nhom bộc bạch: “Nghề này khô lưới là hết tiền” nên vợ chồng tôi không dám một ngày nghỉ tay, tranh thủ làm mùa nước chứ vào mùa khô làm thuê bữa có bữa không nên cuộc sống nghèo hoài”.

Cách vài trăm mét là nhà ông Nguyễn Văn Hòa, gắn bó với nghề câu lưới hơn chục năm qua. Ông Hòa cho biết, mấy năm nay vùng này lên vụ 3 còn đỡ chứ gần chục năm trước mỗi khi lũ lề, cánh đồng mênh mông sông nước nên sóng gió dữ lắm. “Mỗi trận giông người nào vô không kịp rất dễ bị chìm xuồng ghe, thậm chí có người chết ngoài đồng”, ông Hòa kể. Theo lời ông, khu vực Tam Nông trước đây hoang vắng, cá tôm nhiều, người dân vất vả câu lưới nhưng mùa lũ cũng kiếm sống được. Còn vài năm trở lại đây, tôm cá ít hẳn đi nên người dân, đặc biệt là thanh niên nhiều người rời quê đi lên Bình Dương làm thuê.

Nạn cào điện hoành hành

Cũng đầu nguồn lũ, người dân ở xã biên giới Phú Hội (An Phú, An Giang) sống bằng nghề đặt lọp cua đang kêu trời vì nạn cào điện ủi mất ngư cụ kiếm sống hằng ngày. Bà Võ Thị Mai, 43 tuổi ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội nói: “Nhà tui hỏi nợ 3 triệu trả góp hằng ngày làm vốn mua được 200 cái lọp cua nhưng đặt mấy hôm bị ghe cào ủi mất hơn một nửa, giờ không biết lấy gì sống, còn tiền đâu trả nợ”. Gia đình bà Mai không ruộng đất, mùa khô làm thuê, còn mùa lũ sống bằng nghề đặt lọp cua, trung bình mỗi ngày được từ 10 – 20 kg, bán cũng được hơn 200.000 đồng, hôm thất vài chục, đủ đắp đổi qua ngày.

Theo lời bà, hiện nay đồng nhà khó sống vì nạn cào điện hoành hành, đặt xuống bị ủi mất nên chạy sang đồng xã khác gần chục cây số đặt nhưng được vài hôm cũng bị ủi mất. “Dân ở đây sống nhờ mùa lũ nhưng bây giờ khó sống quá”, bà Mai than thở. Chồng bà là ông Huỳnh Văn Cạ cho biết thêm, gia đình thuộc diện hộ nghèo, làm ngày nào ăn ngày nấy, chủ yếu dựa vào mùa nước nổi nhưng bây giờ vô cùng khó khăn.

Cùng ấp, ông Nguyễn Văn Đắng vay 4 triệu đồng mua hơn 100 cái lọp sang đồng bên xã Vĩnh Lộc cùng huyện An Phú đặt, được mấy bữa cũng bị ghe cào ủi mất mấy chục cái. Ông cho biết, làm ngày kiếm trăm nghìn là đỏ mắt, nhưng mất mấy chục cái là lỗ nặng vì mỗi cái mua lại 45.000 đồng. “Tranh thủ 3 tháng nước nổi để sống mà giờ không còn tiền để mua lọp đi đặt nữa lấy gì sống đây?”, ông Đắng thở dài.

Anh Trương Hoàng Đông đặt 450 cái lọp cua nhưng hiện chỉ còn 200 cái. Anh kể, lần đầu tiên mất gần 100 cái, sáng ra đi tìm dáo dác nhưng đồng nước mênh mông biết đâu mà lần. Anh Đông làm nghề 10 năm nay, thấy việc đánh bắt bằng điện này càng tăng chứ không giảm. “Mất nhiều quá định đem về nhưng về nhà thì không có tiền trả nợ, còn đặt thì mất. Ở đồng nhà không xong mà muốn qua bên Campuchia cũng không được vì bên đó bảo vệ nguồn lợi thủy sản chặt chẽ lắm, không như bên mình”, ánh mắt anh Đông khắc khoải nhìn ra đồng nước lũ mênh mông trắng bạc.

>> Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trong mùa lũ ngày càng khan hiếm do việc đánh bắt thủy sản trái phép (sử dụng xung điện, lưới có kích thước không đúng quy định…). Dù các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, xử lý song vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này.

Lan Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!