T2, 06/07/2020 11:03

Thời chưa xa ghe mê Cổ Lũy

Chưa có đánh giá về bài viết

50 năm trước, họ đã kết hợp tài tình giữa thuyền câu của ngư dân Quảng Ngãi với tàu gỗ để ra loại tàu gỗ chạy máy, rồi phát triển tiếp thành tàu đánh bắt xa bờ. Hôm nay, những nghệ nhân Cổ Lũy lại đứng trước thách thức chuyển sang đóng tàu sắt. Liệu cái chất “mê” đã cùng những hùng binh Hoàng Sa bao đời chinh phục biển khơi có được tiếp nối vào con tàu mới?

Pho bí kíp

Gió thổi phù phù từ cửa biển Cổ Lũy. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Viện ngồi nhìn ra cửa, mắt nhòa đi khi nhắc chuyện cánh buồm no gió. Năm nay hơn 87 tuổi, ông là nghệ nhân đóng tàu của làng chài, từ chiếc ghe mê lên tàu vỏ gỗ.

Gia đình ông Viện (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa) có nghề đóng tàu “gia truyền”. Nhắc chuyện đóng tàu, ông lần giở pho bí kíp đóng tàu cách đây hơn 50 năm. Cuốn sổ giấy màu đen, ám vàng vì đã trải qua nhiều thời gian. Trong cuốn sổ, ông vẽ từng bộ phận để ráp nối thành một con tàu vỏ gỗ; nhiều chi tiết được ông vẽ tỷ mỷ các mặt cắt (ngang, dọc, vị trí đóng chốt, cách dựng sỏ…). Nhìn vào hình ảnh là thợ đóng tàu sẽ hình dung ra được. Những bản thiết kế này để lắp máy tàu Yanmar 20 đầu xanh, máy 3 lốc đầu bạc… Đó là tàu hiện đại cách đây 50 năm.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Viện với pho bí kíp đóng tàu

Theo ông Viện, đến thời bây giờ, vỏ tàu có nhiều thay đổi, như đuôi tàu nâng cao hơn, nhưng cánh quạt vẫn hạ thấp để tàu lướt sóng. Tuy nhiên, bản vẽ này vẫn là một trong những công thức căn bản để thợ đóng hoàn chỉnh con tàu gỗ.

Ông Viện nhớ lại, sau năm 1954, ngư dân làng chài đã bắt đầu sử dụng động cơ thay cho cánh buồm. Ông Thiện Tín và ông Vinh Vấn, hai người giàu có trong làng mời thợ giỏi ở các nơi về đóng con tàu gỗ đầu tiên. Vậy là ông Viện tức tốc học nghề. Ông tham gia đóng tàu để học hỏi thiết kế.

Buổi trưa, khi thợ thuyền đã về nhà nghỉ, ông một mình vã mồ hôi với cây thước đi đo từng bộ phận của tàu và ghi chép, phác họa trên giấy. Về nhà, thấy chỗ nào còn chưa rõ ông tiếp tục lặn lội ra kiểm tra và vẽ lại. Ban đêm lọ mọ mang bản vẽ về ráp nối, đồng thời nghiên cứu để sáng tạo thêm. Chỉ tốn một thời gian học nghề, ông đã nắm vững quy trình đóng tàu vỏ gỗ để thay thuyền buồm.

Từ một thợ đóng ghe mê, giờ chuyển qua đóng tàu gỗ cho làng chài, ông Viện phải thuyết phục ngư dân bằng sản phẩm của mình. Rồi ông đã gặp may khi lão ngư Huỳnh Đồng mê mẩn cuốn bí kíp đóng tàu, bỏ tiền thuê ông Viện đóng chiếc tàu vỏ gỗ to nhất trong vùng.

Từng ngày, chiếc tàu được hình thành trên ụ. Ngày đẩy tàu xuống nước, cả làng ra trầm trồ vì con tàu đẹp. Nhưng ông Viện vẫn còn phân vân với đứa con đầu tiên của mình: “sỏ tàu các nơi làm nghiêng quá, tôi nâng lên cho đứng, giúp con tàu vững; cabin họ làm đơn giản thì mình bố trí thêm cửa ra vào như một gian nhà nhỏ và tiện lợi…”.

Thuyền Hùng binh Hoàng Sa sử dụng để vượt biển chinh phục Hoàng Sa, Trường Sa thực chất là ghe câu đóng bằng cả gỗ và tre, dài 12 – 18 mét, rộng 2,5 – 3 mét, sâu khoảng 2 mét. Gỗ làm khung sườn và kết cấu phần trên. Đặc biệt nhất của con thuyền này là tre. Cật tre già đan thành mê, bọc ngoài làm vỏ thuyền, vì vậy thuyền này còn gọi là thuyền mê. Chiếc vỏ tre cùng với lòng khá rộng giúp con thuyền câu của ngư dân miền Trung cực nhẹ, lướt nhanh và rất khó bị lật, cũng không có nguy cơ mắc cạn. Đây cũng là bí quyết trả lời tại sao với những con thuyền buồm rất nhỏ mà đội Hùng binh Hoàng Sa – Bắc Hải vượt Biển Đông chinh phục những bãi đá ngầm cực kỳ nguy hiểm trên “quần đảo bão táp” này. Lịch sử hàng hải các nước phương tây như Pháp, Hà Lan và cả Trung Hoa ghi nhận các vụ tàu buôn khi giao thương với triều đình nhà Nguyễn, va phải đá ngầm trên biển Hoàng Sa được “tàu mê” của Hùng binh Việt Nam cứu giúp. Vào những năm 1970, những nghệ nhân đóng tàu Cổ Lũy đã kết hợp tài tình con tàu mê này với tàu gỗ, cho ra mẫu tàu gỗ dành cho ngư dân Quảng Ngãi và cả miền Trung.

Nối nghiệp đóng tàu

Hơn nửa thế kỷ, từ ngày nghệ nhân Nguyễn Tấn Viện đặt đà đóng những con tàu lớn, ông đã đào tạo được nhiều thợ lành nghề. Cổ Lũy đã trở thành làng đóng tàu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Cả xã có hơn 200 thợ đóng tàu lành nghề. Không có đủ mặt bằng để đóng tàu, các ông thợ cả đến các địa phương khác để thuê mặt bằng, mở trường đà. Con trai của ông giờ cũng là thợ cả đóng tàu vỏ gỗ.

Thợ cả là người giữ vai trò quyết định đối với việc đóng một con tàu có chất lượng, kiểu dáng; tính toán giúp cho chủ thuyền mua được gỗ tốt; gỗ không dư thừa; xẻ một tảng gỗ thì làm sao tận dụng bằng hết. Chủ tàu giàu lên từ biển, thợ cả thì vẫn cuộc sống đắp đổi qua ngày.

Trong ngôi nhà cũ kỹ ở xã Nghĩa Phú huyện Tư Nghĩa, thợ cả Nguyễn Tấn Trung là con trai của ông Viện. Đóng tàu và làm thợ nối nghiệp cha hơn 20 năm, nhưng ông thợ cả này vẫn nghèo.

Lý giải chuyện chủ thầu nhưng cũng nghèo như thợ, anh Trung cho biết, thợ cả đóng tàu không giống ông chủ thầu dẫn thợ đứng ra xây dựng nhà. Khi đóng tàu, thợ thường hưởng bao nhiêu thì thợ cả cũng tương tự. Mỗi ngày ở trường đà, chủ đóng tàu đều ghi sổ và tính công thợ 180.000 – 220.000 đồng/người. Thợ cả cũng chỉ là người làm thuê kiếm cơm qua ngày.

Ông Trần Văn Anh (Hoa) cũng là một nghệ nhân ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh. Con trai ông Hoa là Trần Văn Long, nay đang làm thợ cả. Mỗi năm anh Long đóng 12 – 15 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Hai đời đóng tàu nhưng gia cảnh cha con anh cũng không khác gì nghệ nhân Nguyễn Tấn Viện. Cuộc sống của người nghệ nhân vẫn đạm bạc trong ngôi nhà nhỏ nhất xóm. Khi chúng tôi viết bài này, ông Hoa cũng trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 81.

 

Ký ức ghe mê

Gia đình ông Viện đã 5 đời đóng thuyền cho ngư dân đi biển. Thời còn nhỏ, ông Viện chứng kiến ông nội, ông bác ruột, cha cùng những ngư dân có nước da đen thui gập mình bên những thân tre dài. Người chặt đẽo chèo, người đan mê, người vót chốt. Tre được chẻ ra đan thành mê nan, trét dầu rái không thấm nước, dít chặt vào lườn gỗ, trở thành bụng con thuyền.

Lá cói đan quạt bây giờ thì hồi đó được sử dụng thay cho vải trên 3 cánh buồm. Hằng ngày, cả một đội quân tham gia tước cói, đan sợi, kết thành cánh buồm. 

Tàu vỏ gỗ đang được con trai ông Viện chỉ huy đóng mới – Ảnh: Lê Văn Chương

Trên thuyền mang theo những công cụ hỗ trợ đặc biệt nghe khá lạ tai, đó là đá tảng. Khi gặp bão tố, gặp gió ngược chiều, mấy chục hòn đá này phối hợp với sức nặng của ngư dân làm cho chiếc thuyền không bị nghiêng lệch quá mức. Ông tổng lái hô: “Mang đá ra trước!”. Lập tức đội bạn trên thuyền ôm đá đặt hết phía gần mũi thuyền. Nhưng nếu thuyền đang chở đầy cá trên đường chạy vào bờ gặp bão, ông tổng lái hô anh em mang đá ra phía sau lái để chiếc thuyền tiếp tục quân bình trên sóng dữ.

Cuộc đời nghệ nhân Nguyễn Tấn Viện trải qua nghề đóng ghe mê, lên tàu vỏ gỗ. Cuốn bí kíp và nghề cha truyền con nối của ông như những trang lịch sử về sự phát triển của đội tàu ngư dân. Ngồi nghe ông kể chuyện, nghe tiếng hò dô của thợ đóng tàu từ ngoài bến vọng vào: “Hò dô, hò dô, anh em ta quay, anh em ta hò…”. Sau mỗi tiếng hò, miếng ván lại được ốp chặt thêm, như miếng da đắp lên thân tàu, cho con tàu một cuộc sống mới.

>> Ngày 6/3/2014, ngư dân Mai Văn Thành ở Quảng Ngãi đã hạ thủy chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trị giá 6,5 tỷ đồng. Hiện, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng 2 tàu vỏ thép, vốn đầu tư 14 tỷ đồng. Nhiều ngư dân ban đầu vẫn có tâm lý e ngại, vì đã quen tàu vỏ gỗ, nhưng hiện nay họ bắt đầu tính tới việc đóng tàu vỏ thép để đi xa, bám biển dài ngày.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!