T2, 06/07/2020 12:25

Thử nghiệm nuôi cá rô phi lai xa dòng Israel tại Nghệ An

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá rô phi lai xa dòng Israel là sản phẩm khoa học được tạo ra từ phép lai giữa cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) và cá rô phi xanh (O. aureus) dòng Israel nhằm cải thiện khả năng chịu lạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ giới tính đực cao > 96%. Người dân miền Bắc đang lựa chọn đưa vào nuôi nhằm thay thế các loài rô phi đơn tính đực truyền thống.

Phát huy tiềm năng

Với tiềm năng về diện tích nước ngọt lớn, việc đa dạng hóa loài nuôi và hình thức nuôi, nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm năng mặt nước đã được UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương tại Nghệ An thực hiện tốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi thủy sản hàng hóa còn hạn chế do đối tượng nuôi chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, sản phẩm không có tính cạnh tranh trên thị trường do không ổn định về cả số lượng và quy cỡ.

 Nhằm bổ sung thêm đối tượng nuôi mới có hiệu cao trong sản xuất, có triển vọng trở thành đối tượng sản xuất hàng hóa, đặc biệt khép kín được chu kỳ sản xuất trong năm thông qua vụ đông xuân. Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã được Sở Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá rô phi giống lai xa dòng Israel bằng thức ăn công nghiệp tại Quỳnh Lưu, Nghệ An”.

Cá rô phi lai xa giống dòng Israel được mua từ Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Phú Tảo – Hải Dương), tiến hành nuôi vụ đông xuân vào năm 2013 – 2014 (vụ I) và năm 2014 – 2015 (vụ II) trên diện tích 3.000 m2 ao tại Công ty TNHH Trường Hưng (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), với cỡ giống thả trung bình 30 g/con, mật độ 7 con/2 m2. Cá được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp có thành phần 28 – 35% protein (tùy theo gian đoạn cá) 2 lần/ngày với khẩu phần 2 – 4% khối lượng thân.

Dùng chài thu mẫu cá để theo dõi tăng trưởng định kỳ 30 ngày/lần, mỗi lần đo 30 con. Kiểm tra các chỉ tiêu môi trường như nhiệt độ, pH, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) hàng ngày.

 

Kết quả thực hiện

Kết quả theo dõi môi trường ao nuôi

Trong 2 vụ nuôi, các yếu tố môi trường hàng ngày trong ao ở vụ đông xuân 2013 – 2014 và 2014 – 2015 không có sự sai khác lớn, mang tính chất đặc trưng của khí hậu Quỳnh Lưu và không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng và phát triển của dòng cá này. pH và DO dao động không nhiều vì dự án đã sử dụng biện pháp bón vôi định kỳ và lắp giàn quạt nước.

cá rô phi israel

Kết quả theo dõi tăng trưởng của cá rô phi lai xa


Nhìn vào biểu đồ cho thấy, cá rô phi lai xa nuôi ở thời tiết lạnh của mùa đông xuân tại Quỳnh Lưu tăng trưởng khá tốt, cá nuôi đạt 500 g qua 150 ngày nuôi ở vụ II và 530 g sau 160 ngày nuôi ở vụ I. Ở giai đoạn 120 – 150 ngày nuôi là thời điểm tăng rất mạnh của cá nuôi vụ đông xuân. Bởi thời tiết giai đoạn này thường trùng vào tháng 4 của năm (thời tiết nắng ấm, nhiệt độ trung bình 24 – 250C là nhiệt độ tối ưu cho cá rô phi lai xa phát triển). Sau 150 – 160 ngày nuôi, đàn cá trung bình đều đạt cỡ 500 – 530 g/con. Có thể thấy cá rô phi lai xa phù hợp nuôi vụ đông xuân ở Nghệ An, mở ra hướng đi mới cho các hộ nuôi thủy sản tận dụng diện tích ao hồ, phát triển kinh tế vào mùa đông xuân thay cho mô hình chỉ lưu giữ cá qua đông như trước đây.

Tốc độ tăng trưởng của cá rô phi lai xa

Bảng 2: Tốc độ tăng trưởng của cá rô phi lai xa


Ở bảng 2, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (ADG) và tương đối (SGR) của cá ở hai vụ nuôi cho thấy kết quả nuôi cá rô phi lai xa dòng Israel tương đối ổn định và thích hợp với vụ đông xuân tại Nghệ An. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả của Lê Ngọc Khánh và ctv, 2012 khi cho rằng khí hậu miền Bắc thường có những đợt rét kéo dài về mùa đông nhưng cá rô phi lai xa dòng Israel vẫn sinh trưởng tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.

 

Hiệu quả kinh tế

Dự án chỉ nuôi thử nghiệm khả năng chịu lạnh của loài cá rô phi lai xa này qua hai vụ đông xuân với ao nuôi diện tích 3.000 m2/vụ. Với số lượng cá giống thả là 10.500 con/vụ, hệ số thức ăn bình quân là 1,5. Tỷ lệ sống vụ I đạt 86%, thu được 4.786 kg cá, trung bình 530 g/con, năng suất 15,9 tấn/ha. Vụ II, tỷ lệ sống 88%, thu 4.620 kg cá, trung bình 500 g/con, năng suất 5,4 tấn/ha. Chi phí cho mỗi vụ là 120 -135 triệu đồng, giá thành 28.500 đồng/kg. Với giá bán thương phẩm cá rô phi khoảng 30.000 – 32.000 đồng/kg thì người nuôi đã lãi 1.500 – 3.500 đồng/kg. Đây là một hướng phát triển kinh tế mới cho những hộ dân nuôi thủy sản trên địa bàn vào vụ đông xuân.

thử nghiệm nuôi cá rô phi lai xa

Điều này cho thấy, mô hình nuôi thương phẩm cá rô phi lai xa dòng Israel vụ đông xuân mang lại hiệu quả kinh tế, tạo hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm năng mặt nước, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chu Chí Thiết, Phan Thị Thu Hiền - Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng - Thủy sản Bắc Trung bộ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!