Thử nghiệm ương nuôi cá bè quỵt (Caranx ignobilis) giai đoạn ấu trùng thành cá giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá bè quỵt (bè vẫu) có tên khoa học là Caranx ignobilis Forsskal, 1775. Đây là đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, ít bệnh và đặc biệt là khả năng thích nghi tốt với biển, đầm phá có độ mặn dao động lớn. Chúng hiện được ngư dân nuôi ở một số vùng ven biển Việt Nam. Tuy nhiên, do nguồn giống phụ thuộc chủ yếu vào nhập ngoại nên việc mở rộng phát triển nuôi loài cá này còn gặp nhiều khó khăn.

Đặt vấn đề

Nhận thấy cá bè quỵt là đối tượng tiềm năng phát triển nuôi biển, nhiều nước (Trung Quốc, Philippines) đã tiến hành nghiên cứu sinh sản loài cá này (Ma Therasa & cs., 2009). Việt Nam cũng bước đầu thu thập đàn cá hậu bị và nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản (Nguyễn Quang Linh, 2018). Theo kết quả được công bố, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã thành công trong lưu giữ đàn cá bè quỵt bố mẹ tại Cát Bà (Hải Phòng) và Vân Phong (Khánh Hòa). Năm 2016, Viện đã tiến hành nuôi vỗ đàn cá bố mẹ, cho sinh sản với tỷ lệ thành thục cá cái 83,3%, cá đực 84,6%; tỷ lệ sinh sản đạt 100%, tỷ lệ nở 70,5% (Hoàng Nhật Sơn, 2016).

Trong những năm 2018 – 2019, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cũng đã thử nghiệm sản xuất giống cá bè quỵt bằng 2 phương pháp ương ao và ương trong hệ thống bể. Bài viết này tổng hợp một số kết quả đạt được trong ương nuôi ấu trùng thành cá giống, đây là những dữ liệu kỹ thuật ban đầu phục vụ nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống nguồn gen cá biển quý hiếm này.

 

Phương pháp nghiên cứu


Hình 1: Thu mẫu tuyến sinh dục đàn cá bố mẹ

Địa điểm nghiên cứu: Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc (Xuân Đám, Cát Hải, Hải Phòng). Thời gian: Chia 2 đợt ương (9 – 10/2018 và 9 – 10/2019).

Bố trí thí nghiệm

Sử dụng phương pháp nghiên cứu ương nuôi ấu trùng cá song vua (Hoàng Nhật Sơn, 2015) và ấu trùng cá mú trân châu (Hoàng Nhật Sơn & cs., 2018).

• Thí nghiệm ương ấu trùng thành cá hương trong ao ngoài trời (TNA):

Triển khai trong 3 ao xi măng, thể tích 500 m3 (3 ao/lô thí nghiệm), độ sâu 1,2 – 1,5 m, 1/2 diện tích ao được che lưới phong lan, sục khí 24/24h. Bón hỗn hợp (bột cá: bột đậu tương: vi sinh BZT): 0,5 – 1 kg/ao, 1 lần/2 ngày. Mật độ ấu trùng (at) bắt đầu thí nghiệm 1 at/ lít (khoảng 500.000 at/ao). Quản lý và chăm sóc: Ấu trùng 3 – 15 ngày tuổi (duy trì luân trùng mật độ > 10 con/ml); giai đoạn 12 – 20 ngày tuổi (duy trì copepoda trong ao, mật độ > 1 con/ml).

• Thí nghiệm ương ấu trùng thành cá hương trong bể (TNB):

Triển khai trong hệ thống 6 bể xi măng, thể tích 10 m3/bể. Mật độ ấu trùng (at) bắt đầu thí nghiệm 10 at/ lít (khoảng 90.000 at/bể). Mật độ tảo Nannochloropsis sp duy trì: 3 – 6.103 tb/ml; Quản lý và chăm sóc: Ấu trùng 3 – 15 ngày tuổi (cung cấp, duy trì luân trùng mật độ >10 con/ml); giai đoạn 12 – 20 ngày tuổi (cung cấp, duy trì Nauplii artemia, mật độ > 1 con/ml).

• Ương nuôi cá hương thành cá giống: Thu hoạch cá hương, lọc phân cỡ, nuôi trong bể (nước chảy tràn), thức ăn NRD (INVE).

Chỉ tiêu thu thập, theo dõi

Các yếu tố môi trường gồm ôxy hòa tan, pH; Biến động mật độ động vật phù du (luân trùng, copepod); Tỷ lệ sống (%); Chiều dài ấu trùng (mm).

Phương pháp xử lý số liệu

Xử lý số liệu bằng phần mềm Microsoft office Excel 2007, phân tích phương sai một nhân tố với mức ý nghĩa p< 0,05.

 

Kết quả

Trong 2 đợt triển khai thí nghiệm (2018 – 2019), các chỉ tiêu môi trường nước các ao/bể thí nghiệm đo được cho thấy ít có sự biến động (nhiệt độ: 27 – 300C, độ mặn: 26 – 30‰, pH: 8 – 8,2; DO: 4,5 – 5,2 mg/lít), không có sai khác giữa lô TNA và TNB và nằm trong khoảng thích hợp cho ấu trùng cá bè quỵt phát triển.

Biến động mật độ thức ăn tươi sống

Phân tích cho thấy số lượng, thành phần loài động vật phù du trong ao thí nghiệm TNA phong phú, chiếm tỷ lệ lớn là luân trùng (Branchionus sp), copepoda… Trong đó, quẩn thể luân trùng phát triển trước và đạt mật độ cực đại (20 – 35 con/ml) từ ngày 10 – 15; tiếp đó là Copepoda (các giai đoạn) với mật độ đạt cao nhất (2 – 3,5 con/ml) từ ngày 15 – 25 – tính theo thời điểm gây màu.

Trong lô TNB, thức ăn là luân trùng và Nauplii artemia (cường hóa Selco DHA -INVE) được chủ động cung cấp. Mật độ luân trùng duy trì từ 10 – 15 con/ml (từ ngày 3 – 15); Nauplii artemia 0,5 – 1 con/ml (từ ngày 9 – 20) và không có sự biến động.


Tăng trưởng chiều dài


Khi mới nở, ấu trùng cá bè quỵt có chiều dài trung bình 1,5 mm. Giai đoạn 0 – 5 ngày tuổi: Chiều dài ấu trùng tăng chậm, trung bình khoảng 1,0 – 1,1 mm ở cả 2 lô thí nghiệm và sự sai khác không mang ý nghĩa thống kê (p> 0,05). Ở thời gian này, ấu trùng vẫn chủ yếu dinh dưỡng bằng khối noãn hoàng và bắt đầu ăn luân trùng (khi ấu trùng đạt 3 ngày tuổi) ngoài môi trường bể/ao ương, vì vậy những ảnh hưởng của thức ăn chưa dẫn đến sự khác biệt trong tăng trưởng. Giai đoạn 15 ngày tuổi, chiều dài ấu trùng lô TNA đạt 6,8 – 6,9 mm và TNB đạt trung bình 6,0 – 6,1 mm có sự sai khác mang ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Đến 20 ngày tuổi, phần lớn lượng ấu trùng ở 2 lô thí nghiệm đã qua biến thái (> 65%), cá hương trong lô TNA sử dụng thức ăn tự nhiên có chiều dài trung bình đạt 9,4 mm cao hơn lô TNB ương nuôi trên bể đạt 8,55 mm, sự sai khác mang ý nghĩa thống kê (p< 0,05) (Bảng 1). Nguyên nhân dẫn đến sai khác có thể do TNA có thức ăn đa dạng, dinh dưỡng phù hợp hơn cho ấu trùng phát triển, so với TNB (chỉ dùng luân trùng, artemia cường hóa bổ sung DHA).


Tỷ lệ sống


Kết quả được phân tích tại Bảng 2: Ở giai đoạn 5 ngày tuổi, tỷ lệ sống của của ấu trùng giảm mạnh so với ban đầu và chỉ đạt 50,6 – 53,6%, sự sai khác giữa 2 thí nghiệm không có ý nghĩa thống kê (p> 0,05). Ở giai đoạn 10 ngày tuổi, tỷ lệ sống của ấu trùng lô TNA là 18,8 – 19,2%; TNB (6,5 – 7%). Tại thời điểm 6 – 7 ngày tuổi, dinh dưỡng noãn hoàng đã sử dụng hết, khi không bắt được mồi hoặc khó tiêu hóa thức ăn ngoài thì tỷ lệ chết của ấu trùng cao. Kết quả thu được cũng cho thấy thành phần, kích thước, dinh dưỡng của luân trùng tự nhiên (TNA) phù hợp hơn so với TNB.

Giai đoạn ấu trùng 15 ngày tuổi, lô thí nghiệm TNA đạt tỷ lệ sống (7,3 – 7,9%) cao hơn so với TNB khi chỉ đạt 3,2 – 3,3%, sự sai khác mang ý nghĩa thống kê (p< 0,05). Thời điểm này, ấu trùng có bước chuyển từ ăn luân trùng (kích thước 100 -180 μ) sang ăn Nauplii copepoda (hoặc Nauplii artemia) có kích thước lớn hơn (250 – 340 μ); đây cũng là nguyên nhân chính gây tỷ lệ chết cao với ấu trùng các loài cá biển nói chung do khó tiêu thụ thức ăn mới. Kết thúc thí nghiệm (ấu trùng 20 ngày tuổi), tỷ lệ sống cao nhất tại lô TNA (sử dụng thức ăn tự nhiên) đạt 4,2 – 4,3%, lô thí nghiệm TNB chỉ đạt 1,2 – 1,5%, sự sai khác có ý nghĩa thống kê (p< 0,05).


Kết quả ương nuôi cá hương thành cá giống

Sau 50 ngày nuôi cá hương thành cá giống (kích thước 4 – 5 cm), tỷ lệ sống của cá bè quỵt giống lô TNA đạt 87,35% (127.500 cá hương; 111.500 cá giống); TNB đạt 86,9% (15.120 cá hương; 13.700 cá giống). Tuy có tỷ lệ sống cao nhưng tốc độ tăng trưởng của giống cá bè quỵt chậm hơn so với giống cá chim vây vàng (T. blochii), cá song (Epinephelus spp)… ở cùng ngày tuổi.

 

Kết luận và kiến nghị

Phương pháp ương trong ao, sử dụng thức ăn tự nhiên là thích hợp nhất cho ương nuôi cá bè quỵt (giai đoạn ấu trùng lên cá hương). Trong thí nghiệm, tỷ lệ sống và chiều dài cá hương đạt 4,2 – 4,3%; 9,4 mm, cao hơn so với ương trong bể có mái che (1,2 – 1,5%; 8,55 mm).

Cá bè quỵt là đối tượng nhiều tiềm năng cho phát triển nuôi biển, để thúc đẩy nghề nuôi thì việc tiếp tục nghiên cứu nhằm xây dựng quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm loài cá này là việc làm cần thiết trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Nhật Sơn, 2015. Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cá song vua (Epinephelus lanceolatus). Báo cáo tổng kết đề tài. Trung tâm tư liệu Quốc gia.

2. Hoàng Nhật Sơn, Trần Thế Mưu, Phạm Văn Thìn, 2016. Kết quả thử nghiệm sinh sản cá bè quỵt (Caranx ignobilis Forsskal, 1775) tại Khánh Hòa. Tạp chí Thủy sản Việt Nam, số 239, 48-49. 

3. Hoàng Nhật Sơn, Nguyễn Đức Tuấn, Nguyễn Quang Huy, 2018. Nghiên cứu ương nuôi cá mú trân châu giai đoạn cá bột lên cá hương trong ao nước lợ. Kỷ yếu Hội nghị khoa học và công nghệ chuyên nghành thủy sản giai đoạn 2013 -2018, 58-64. 

4. Ma. Theresa, M. Mutia, 2009. Induced Breeding of Maliputo Caranx ignobilis. NFRDI Accomplishment Report CY 2009: R and D Abstract, Training and Extension, Vol 13, No. 1. National Fisheries Research and Development Institute, 940, Quezon Avenue, Quezan City 1103, Philippines.

5. Nguyễn Quang Linh, 2018. Khai thác và phát triển nguồn gen cá dìa (Siganus guttatus Bloch, 1787), cá vẫu (Caranx ignobilis Forsskal, 1775), cá căng (Terapon jabua Forsskal, 1775). Báo cáo tổng kết đề tài. Trung tâm Tư liệu Quốc gia.

Hoàng Nhật Sơn, Đỗ Xuân Hải, Bùi Văn Điền – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!