Thủ phạm gây chết cá bớp nuôi lồng bè ở Cà Mau

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian vừa qua, tại các lồng bè ở đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) xuất hiện tình trạng cá bớp chết hàng loạt. Nguyên nhân được các nhà chuyên môn xác định là do chình ngọc xuất hiện dày đặc, bám vào mang, thân cá bớp gây thiếu ôxy cục bộ, khiến cá bị ngạt và dẫn đến chết.

Cá bớp chết rải rác tại các lồng bè ở đảo Hòn Chuối

Cá bớp chết rải rác tại các lồng bè ở đảo Hòn Chuối

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Minh Út, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau cho biết, hiện tượng cá bớp chết rải rác tại các lồng bè ở đảo Hòn Chuối xảy ra vào ngày 11/6, cá chết có khối lượng trung bình 5 – 10 kg/con. Theo thông tin người dân tại đảo Hòn Chuối, cùng thời điểm cá bớp chết, xuất hiện một “sinh vật lạ” bám vào cá, nổi xung quanh lồng nuôi. “Sinh vật lạ” dài khoảng 20 cm, to cỡ đầu đũa, màu trắng đục, mềm như cá khoai sống ở tầng đáy, thời gian gần đây bất ngờ nổi lên mặt biển và bám vào cá nuôi. Nếu chạm vào người sẽ bị ngứa da, nổi mụn nước.

Sau khi tham khảo một số chuyên gia Hải dương học, có thể kết luận, nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do cá chình ngọc xuất hiện dày đặc, bám vào mang, thân cá bớp gây thiếu ôxy cục bộ, khiến cá bị ngạt và dẫn đến chết. Cá chình ngọc là loài cá không có giá trị kinh tế cũng như thực phẩm, nhưng có giá trị về nghiên cứu khoa học. Trong hai ngày 11 – 12/6, có khoảng 2.000 con cá bớp chết, đến 13/6, hiện tượng này không còn. Thời điểm sau đó, cá chình ngọc vẫn xuất hiện nhưng số lượng ít, không gây ảnh hưởng đến cá nuôi, người dân địa phương theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau đã tự xử lý bằng biện pháp vớt bỏ, đến nay đã hết hoàn toàn.

Theo ông Út, đây là hiện tượng xảy ra lần đầu trên địa bàn tỉnh, trong thời gian ngắn, hơn nữa đảo Hòn Chuối khá xa so đất liền; vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân gây xuất hiện cá chình ngọc dày đặc cũng như giải pháp để khắc phục còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm thông tin và đề xuất nghiên cứu về đặc điểm sinh học, môi trường sống… của “sinh vật lạ” này, nhằm có biện pháp ngăn ngừa hậu quả do chúng gây ra.

Kim Tiến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!