Thừa Thiên – Huế: Nước mắm Phong Hải đi Tây

Chưa có đánh giá về bài viết

Nước mắm Phong Hải (Phong Điền) từ lâu nức tiếng khắp các vùng miền trong tỉnh Thừa Thiên – Huế, điều đó có lẽ không còn là chuyện lạ đối với nhiều người. Nhưng nước mắm của vùng biển xa xôi mộc mạc này được khách Tây “ưng ý”, rồi tạo điều kiện xuất ngoại là chuyện chắc hẳn ít người biết đến…

Chủ nhân của doanh nghiệp này là bà Hồ Thị Vân và Hoàng Thị Đảnh ở thôn Hải Thế, với tên thường gọi: Đảnh Vân.

Vùng biển Phong Hải một thời vốn lắm tôm nhiều cá. Nhiều đến mức các ghe thuyền chở nặng đầy phải mắc cạn, tăng bo tôm, cá nhiều đợt mới đưa được thuyền vào bờ. Ngặt nỗi, tôm, cá thì nhiều nhưng lại ít người mua, bán không hết buộc phải làm mắm cất giữ lâu dài để sang mùa đông chế biến đổi lấy lúa gạo. Nghề chế biến nước mắm của ngư dân các vùng quê ven biển bắt đầu từ đó.

Nghề chế biến nước mắm không chỉ giúp các hộ gia đình đắp đổi qua ngày, mà còn có điều kiện nuôi con khôn lớn, ăn học đến nơi đến chốn. Chính hương vị thơm ngon, đậm đà mà nước mắm Phong Hải còn vượt phá Tam Giang đến tận nhiều vùng miền trong và ngoài tỉnh.

Bà Hồ Thị Vân đang kiểm tra chất lượng các hũ mắm – Ảnh: Hải Triều

“Con đường” đưa nước mắm vượt phá hồi đó cũng lắm gian nan. Ký ức khó quên nhất đối với bà Hoàng Thị Đảnh là những chuyến gánh nước mắm đi bộ băng đôn cát, đi qua đập cửa Lác, rồi đến tận các vùng đất đồng bằng, miền núi để đổi lấy khoai sắn, lúa gạo về ăn. Mỗi chuyến đi thường bắt đầu từ 3 – 4 giờ sáng, đến 6 – 7 giờ tối mới về đến nhà.

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải Phan Khánh nói: “Hơn 40 nhóm hộ chế biến nước mắm đang quyết tâm bám trụ với nghề. Có thể điểm mặt các nhân tố như các o, các dì Hoàng Thị Đảnh, Hồ Thị Vân, Nguyễn Thị Luân, Nguyễn Thị Lý, Võ Thị Thanh… là những tay vốn nổi tiếng nghề chế biến nước mắm, nuôi con ăn học thành danh”.

Giờ đây không riêng gì nước mắm Phong Hải, trên địa bàn tỉnh còn nhiều làng nghề nổi tiếng chế biến nước mắm. Nước mắm Phong Hải không vì thế “chùn chân”, mà vẫn đảm bảo đủ sức cạnh tranh nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng, có truyền thống từ lâu đời. Có lẽ, không có gì đáng nói nếu nước mắm Phong Hải không những có “thương hiệu” mà còn xuất ngoại bằng “đường chính thống” (được cấp quota sang Mỹ). Đó là chuyện bà Hồ Thị Vân và Hoàng Thị Đảnh thực hiện một ý tưởng khá táo bạo, mà người dân địa phương cho là “ngông” khi thành lập Doanh nghiệp chế biến nước mắm xuất khẩu Đảnh Vân.

Theo lời của bà Hồ Thị Vân, cơ duyên cũng như ý tưởng xuất ngoại nước mắm bắt đầu từ chuyện hai ông Tây người Mỹ theo những Việt kiều về quê Phong Hải thăm chơi. Hai vị này cũng là doanh nhân chuyên cung ứng các mặt hàng chế biến nông – thủy sản cho 53 bang ở Mỹ. Trong các buổi tiệc, người dân Phong Hải chiêu đãi đủ mọi thứ đặc sản quê hương, lạ thay hai ông Tây này lại tấm tắc khen ngon mỗi loại nước mắm. Hai vị khách nghiễm nhiên được chính doanh nghiệp Đảnh Vân chọn nước mắm của mình làm quà tặng. Hai vị này sau khi về nước đã gọi điện về cho bà Vân, bảo nước mắm của các bà được người thân của họ “không thể chê vào đâu được”. Sau đó nước mắm Đảnh Vân được hai vị khách Tây đưa đi kiểm định, đảm bảo chất lượng đủ điều kiện và ngỏ ý hỗ trợ việc xin đăng ký cấp quota xuất khẩu sang Mỹ… Vậy là cả hai o Đảnh, Vân mừng rơn, bắt tay thực hiện ngay kế hoạch chế biến nước mắm xuất ngoại.

Không dễ dàng gì để có được sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Hai bà chủ doanh nghiệp Đảnh, Vân đến tận các tỉnh Phan Rang, Bình Thuận, Phan Thiết, các tỉnh miền Nam để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chế biến nước mắm. Bằng kinh nghiệm truyền thống, kết hợp với học tập, tìm tòi cách thức chế biến từ các tỉnh bạn, cách đây mấy năm mẻ nước mắm đầu tiên ra đời. Ngặt nỗi, ngay từ mẻ đầu tiên đã thất bại, chất lượng, hương vị không được như ý muốn. Làm lại mẻ thứ hai cũng chưa thành công, mẻ thứ ba rồi cũng thế… Cứ thế, 2 năm luẩn quẩn với thất bại. “Một lần nữa hai chị em tui lại tiếp tục khăn gói “Nam tiến” để học tập, thăm dò coi còn thiếu sót chi không, có bí quyết nào mà người ta còn giấu mình không”, bà Vân nói. “Biết chắc chắn có bí quyết chi đó, tui liền hỏi họ. Câu trả lời mà chị em tui nhận được là bí quyết thì đơn giản lắm nhưng phải trả tiền! Tui không chần chừ, nói với người ta rằng mấy tiền tôi cũng trả!”, bà Đảnh tiếp lời. Khi phóng viên tò mò: “Vậy bí quyết chi mà đáo để rứa hai o?”, liền nhận được câu trả lời: “Các cháu cứ trả tiền trước… o sẽ nói ngay”, bà Đảnh cười ha hả.

Người dân Phong Hải đều rất bất ngờ khi nghe nước mắm quê mình được đưa sang Mỹ… Bà Hồ Thị Vân tự hào: “Thương hiệu nước mắm Đảnh Vân giờ đây có mặt tại nhiều tỉnh miền Trung, các siêu thị trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu sang Lào, Mỹ, mỗi năm tiêu thụ trên dưới 30 ngàn lít”. “Chất lượng thì đã ổn rồi, vấn đề còn lại là thay đổi dung tích, mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm mần răng cho phù hợp, trên nhãn hiệu phải ghi cả hai thứ tiếng Việt và Anh”, bà Đảnh nói tiếp.

>> Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Thừa Thiên – Huế: Nước mắm Đảnh Vân chất lượng an toàn, có hương vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng. Sản phẩm của Đảnh Vân từng đạt nhiều giải cao về chất lượng an toàn tại các hội chợ, festival các làng nghề truyền thống…

Hoàng Hải Triều

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!