T2, 06/07/2020 10:35

Thuật ngụy trang của sinh vật biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Hòa vào môi trường, biến dạng thành kẻ khác, hay đôi khi chỉ là “lừa” kẻ thù, tất cả như một bản năng giúp chúng sinh tồn trong đại dương.

Cá mũ làn


Cơ thể cá mũ làn có một lượng lớn các xúc tu, cộng thêm làn da mỏng, màu sắc huyền ảo, mềm mại, uyển chuyển khiến chúng dễ dàng hòa vào những rặng san hô để phục kích con mồi. Cách ngụy trang này tỏ ra rất hiệu quả, bởi hầu hết những sinh vật xấu số không thể nhìn ra mối đe dọa. Cá mũ làn có thể đứng im trong nhiều giờ, chờ cơ hội đến và nuốt trọn con mồi vào chiếc miệng khổng lồ của mình. Hơn thế, cá mũ làn được trang bị những nhánh xương chứa chất kịch độc, chỉ cần một nhát đâm cũng đủ khiến con mồi nguy hiểm tính mạng.

 

Hải long lá


Là một trong những loài cá quý hiếm nhất dưới đáy biển, hải long lá sở hữu cơ thể thanh mảnh, dài, màu sắc trông như những loài thực vật dưới nước. Vì thế, chúng được coi là một trong những bậc thầy về ngụy trang dưới đáy đại dương, khi dễ dàng hòa nhập với những loài thực vật. Đây là lợi thế giúp chúng tránh các loài cá dữ ăn thịt, đồng thời dễ dàng săn mồi là những loài không xương sống nhỏ sống trong những đám tảo bẹ. Hải long lá được tìm thấy ở bờ biển Tây và Nam Australia, ở độ sâu khoảng 5 – 35m, đặc biệt chỉ xuất hiện ở vùng nước ôn đới với nhiệt độ quanh năm 14 – 190C.

 

Bạch tuộc bắt chước


Loài bạch tuộc Longarm sống ở vùng biển Caribe thuộc Đại Tây Dương là một bậc thầy trong nghệ thuật hóa trang. Bằng cách chuyển động và sắp xếp các phần cơ thể, chúng có thể bắt chước 15 loài sinh vật biển khác (như rắn biển, cá mao tiên, cá bẹt, sứa, cá đuối gai, cỏ chân ngỗng…). Sự thay đổi hình dáng bên ngoài được bạch tuộc thực hiện khi chúng xác định mối đe dọa nhất định và phản ứng đầu tiên là bắt chước thành kẻ thù của kẻ thù.

 

Cá bơn đáy biển


Là một trong các loài cá thân bẹt, cá bơn có cơ thể gần như hòa lẫn vào đáy biển. Khi chúng lớn dần lên, con mắt thứ hai gần như chuyển sang cùng phía con mắt còn lại (trái hay phải tùy từng loài), làm cho chúng trở thành ngoại lệ của quy tắc đối xứng hai bên. Nhờ vậy, loài cá này có thể tuần tra vùng đáy biển bằng cách bơi ngang theo chiều song song mặt đất bên dưới mà vẫn có thể nhìn lên trên và phía trước. Thông thường, chúng được che phủ trong bùn, cùng với cơ thể có màu sẫm nên chúng khó bị phát hiện. Ngoài ra, khi cần thiết, cá bơn có thể thay đổi màu sắc cơ thể để phù hợp môi trường.

 

Cá bướm


Không giống những loài trên ngụy trang bằng cách hòa lẫn cơ thể vào môi trường, hay biến thành kẻ khác, cá bướm lại sử dụng chiêu thức “đánh lừa” để ngụy trang. Chúng sống thành đàn trong vùng biển nhiệt đới, có màu sắc rực rỡ, hình dạng thay đổi vuông, tròn, lục lăng… đẹp như những con bướm nên được gọi là cá bướm. Nhiều loài cá bướm ở thân có loang đen, đối xứng với mắt, giống như mắt cá. Bình thường chúng vẫn bơi lùi nên kẻ thù bị đánh lừa, tưởng đuôi cá là đầu. Khi kẻ săn mồi vồ nó, cá bướm nhanh chóng lao về phía trước chạy trốn. Chúng sống len lỏi trong các đám san hô của biển nhiệt đới, ăn san hô và động vật giáp xác nhỏ trong kẽ đá.

>> Theo Wikipedia, ngụy trang là hành vi (tập tính) của sinh vật nhằm thoát khỏi tầm quan sát của đối tượng khác bằng cách ẩn mình trong môi trường xung quanh. Tập tính này có thể giúp sinh vật trốn tránh kẻ thù hoặc dễ dàng hơn trong việc săn mồi.

Trần Vân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!