Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong NTTS

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản”. Tham dự có đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Vụ NTTS (Tổng cục Thủy sản), Viện Nghiên cứu NTTS II, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam cùng với các đơn vị trực thuộc Hội, các hiệp hội, ngành hàng.

Hội nghị đã được nghe ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, giới thiệu về thực trạng ứng dụng và các chính sách cho việc ứng dụng khoa học công nghệ trong NTTS, những thuận lợi, khó khăn khi đẩy mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua đó cho thấy, những tiến bộ kỹ thuật được các doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần đưa ngành thủy sản phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp không ít khó khăn. Nội dung này đã nhận được sự quan tâm và trao đổi sôi nổi của các đại biểu tham dự, phần đông đều đưa ra những bất cập và vướng mắc trong việc áp dụng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhận định, hiện nay, phần lớn việc áp dụng khoa học công nghệ được triển khai hỗ trợ tại các dự án cấp nhà nước, phía doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ còn gặp rất nhiều khó khăn. Đồng quan điểm này, ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Thủy sản Bạc Liêu cho biết, người nuôi rất muốn áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, có sự hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng hiện nay, đa phần người nuôi tự nghiên cứu, ứng dụng tại farm nuôi của mình; do đó, mong muốn các công nghệ trong lĩnh vực thủy sản được nhân rộng, phổ biến hơn nữa đến địa phương.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đã giới thiệu những tiến bộ khoa học công nghệ đã được áp dụng tại doanh nghiệp, tạo nhiều sản phẩm có chất lượng, giúp nuôi trồng thành công hơn. Điển hình như Tập đoàn Việt – Úc với công nghệ sản xuất tôm giống, cá tra giống, nuôi tôm thương phẩm; HTX SX&TM Xuyên Việt với công nghệ nuôi tôm ao nổi, sông trong ao, công nghệ Biofloc; Công ty CP Công nghệ Hóa sinh Việt Nam là giải pháp tổng thể sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong NTTS an toàn và hiệu quả bền vững.

Kết luận Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ trong NTTS như công nhận các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức các diễn đàn giới thiệu phổ biến công nghệ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh ứng dụng trong thực tiễn sản xuất còn gặp những khó khăn nhất định. Theo đó, để chính sách dành cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản đi vào sản xuất hiệu quả hơn, cần có sự đánh giá toàn diện để lắng nghe chia sẻ từ doanh nghiệp, phát triển sự kết nối giữa các đơn vị hỗ trợ và đơn vị có nhu cầu, thảo luận một cách hiệu quả và thiết thực hơn.

Tin, ảnh: An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!