T2, 06/07/2020 12:54

Thực hành trách nhiệm xã hội doanh nghiệp: Thương hiệu nâng, lợi nhuận tăng

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội thảo “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam”, do Oxfam – ICAFIS tổ chức chiều 26/10, tại Cần Thơ. Khá nhiều ý kiến được nêu ra nhằm phân tích tầm quan trọng trong thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trên thực tế, hiểu rõ vấn đề này sẽ giúp doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu và góp phần tăng lợi nhuận.


Thực hành trách nhiệm xã hội

Không phải đến bây giờ, khi đứng trước thực tế hội nhập toàn diện chúng ta mới nói đến trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp, thuật ngữ này đã được nhiều người biết đến từ lâu nhưng với những nội dung chưa thống nhất.

Năm mươi năm trước đây, khái niệm này được hiểu như một lời kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn các thiệt hại do doanh nghiệp gây ra cho xã hội trong đó có môi trường sống. Từng có nhiều định nghĩa khác nhau của các học giả về TNXH của doanh nghiệp(Corporate Social Responsibility, viết tắt là CSR). Gần đây, Nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đúc kết: “TNXH là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ; cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”… Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, có thể hiểu TNXH của doanh nghiệp bao gồm: Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; Trách nhiệm về bảo vệ môi trường; Trách nhiệm với người lao động; Trách nhiệm chung với cộng đồng.

Tập đoàn Minh Phú luôn chú trọng nuôi tôm sinh thái Ảnh: Huỳnh Lâm

Khó khăn khi thực hành TNXH

Trên thực tế, lòng tin của người tiêu dùng và cộng đồng trong nhiều trường hợp được xây dựng qua TNXH của doanh nghiệp và trong lịch sử kinh doanh đã có nhiều doanh nghiệp vượt qua đe dọa phá sản nhờ sự chia sẻ của cộng đồng người tiêu dùng. Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH sẽ không thua thiệt, mà thường đạt được những lợi ích đáng kể, bao gồm giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới. Thực tiễn cũng đã cho thấy, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, TNXH đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp nào đó không tuân thủ TNXH sẽ rất khó tiếp cận thị trường thế giới…

Bà Vương Ngọc Lý, đại diện Công ty TNHH Hải sản Việt Hải cho biết, việt Hải thực hành TNXH được 10 năm và đã thấy một số lợi ích thiết thực. Về mặt thị trường, khi Công ty thực hiện TNXH, đã có nhiều khách hàng tự tìm đến Công ty tham quan và đặt hàng. Giá thủy sản cũng bán được cao hơn. Uy tín, thương hiệu của Công ty cũng được nâng lên.

Để đạt hiệu quả cao trong thực hành TNXH, ông Alban Caratis, Chuyên gia của Fresh Studio đưa ra lời khuyên: “Phải luôn trao đổi, chia sẻ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về mặt vệ sinh và an toàn lao động; có những chiến lược về truyền thông, xây dựng trang thông tin về doanh nghiệp, tiếng Anh tốt là một lợi thế đưa thông tin của mình đến với nước ngoài”.

Cũng theo ông Alban Caratis: “Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khi thực thi các hệ thống chứng nhận TNXH doanh nghiệp bởi có quá nhiều bộ tiêu chuẩn đề ra đối với từng thị trường khác nhau. Với bối cảnh như vậy, chúng ta phải có tính minh bạch trong sản xuất kinh doanh, xây dựng cổng thông tin cho người mua biết về doanh nghiệp của mình. Nên thực hành TNXH bằng tính chủ động và trách nhiệm cao với cộng đồng hơn là luôn phải chạy theo các tiêu chuẩn”.

“Nếu mặc định doanh nghiệp là hoàn toàn mới, giải pháp liên kết theo chuỗi là khó thực thi, chúng ta nên dùng biện pháp chia nhỏ bó đũa, thực hiện dần từng bước, trong liên kết chuỗi, mọi người có thể tìm đuợc giải pháp về tín dụng, về kỹ thuật, về đầu vào, đầu ra…”, – ThS Phạm Minh Luân, Giám đốc Công ty TNHH Chứng nhận KNA nói.

Nhìn từ doanh nghiệp điển hình

Hãy cùng nhìn vào vai trò của các công ty hàng đầu. Điển hình là Tập đoàn Minh Phú, một trong 50 nhà sản xuất chế biến thủy sản lớn nhất thế giới và cũng là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất trên thị trường quốc tế.

Kết quả từ chương trình nuôi tôm bền vững trong rừng ngập mặn của Minh Phú cho thấy cách làm bài bản và đầy trách nhiệm của doanh nghiệp này. Minh Phú đã tham gia vào một dự án nhằm Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải, hoạt động trên diện tích 12.500 ha của Ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, Cà Mau, là khu vực sinh sống và canh tác của khoảng 2.600 hộ nuôi tôm. Đến nay, 80 ha rừng ngập mặn từng bị phá hủy để nuôi tôm trong các thập kỷ trước đã được trồng lại. Hiện, Minh Phú có trên 900 ha tự nuôi tôm, cùng hơn 12.000 ha nuôi tôm sinh thái liên kết và hơn 100.000 ha của các hộ nuôi tôm trong chuỗi cung ứng tôm, đảm bảo đủ cung cấp nguồn tôm nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà máy của mình.

Để có tôm sinh thái, Minh Phú đã liên kết chặt chẽ với các hộ nuôi, có chính sách hỗ trợ cụ thể, giúp bà con yên tâm nuôi tôm giữ rừng.

Không những vậy, Minh Phú còn hướng tới “Thành lập Doanh nghiệp xã hội” với mục tiêu xã hội và môi trường sẽ tạo cho sản phẩm tôm sinh thái Cà Mau một giá trị khác biệt, đồng thời giúp liên kết hộ nông dân với nhà máy sản xuất tạo thành một chuỗi giá trị bền vững, giúp Tập đoàn có thể xây dựng một mô hình nuôi tôm sinh thái với sản lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời giúp ngành tôm sinh thái Việt Nam có được một chiến lược phát triển bền vững. Là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất, Minh Phú đã luôn ý thức “cầm chịch” giá tôm, giúp tôm Việt Nam giữ giá. Khi nguyên liệu tôm dồi dào, thị trường xuất khẩu tôm có dấu hiệu chững lại, Minh Phú vẫn chủ động chịu thiệt, thu mua tôm với giá tốt, giúp giữ cân bằng cung cầu, tránh gây thiệt hại kinh tế quá lớn cho bà con.

Một khía cạnh cần chú ý đó là vai trò cá nhân của các lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thực hiện TNXH. Họ phải là những người lãnh đạo có tầm nhìn xa, trông rộng để hướng tới mục tiêu hoạt động toàn diện, không chỉ giới hạn bởi thặng dư, lợi nhuận kinh tế đơn thuần. Các doanh nhân này cần tìm kiếm những giải pháp để thay đổi xã hội theo chiều hướng ngày càng tốt hơn và ngược lại, các doanh nghiệp của họ sẽ có những điều kiện để phát triển bền vững hơn. Là người dẫn dắt Minh Phú, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn là người hội đủ các tiêu chí trên. Xuất thân từ một cán bộ thu mua thủy sản hoạt động trong một doanh nghiệp nhà nước, chính sự am hiểu với ngành và mong muốn phát triển đột phá đã giúp ông qua 1/4 thế kỷ tạo dựng nên đế chế Minh Phú ngày nay. Ông cũng đưa ra mô hình“Doanh nghiệp xã hội chuỗi giá trị tôm rừng có trách nhiệm” và “Doanh nghiệp xã hội chuỗi giá trị tôm lúa có trách nhiệm”. Nhờ tầm nhìn của ông, Minh Phú đang dần hiện thực hóa khát vọng mang lại một Hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngành tôm Việt Nam.

Có thể nói, những doanh nghiệp hàng đầu như Minh Phú đang giữ vai trò quan trọng, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng cho cả ngành thủy sản. Hãy nhìn cách công ty “biểu tượng ngành tôm” này thực hiện đầy đủ TNXH doanh nghiệp, chúng ta sẽ phần nào hiểu vì sao thương hiệu Minh Phú ngày một nâng cao và lợi nhuận của Tập đoàn đang đi theo hướng phát triển bền vững.

>> Ông Alban Caratis, Chuyên gia của Fresh Studio: “Một điểm đặc biệt mà chúng ta cần lưu ý là thế giới không đặt nhiều niềm tin vào việc thực hành TNXH của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, qua đợt khảo sát 16 doanh nghiệp Việt Nam, quả thực, chúng tôi rất ngạc nhiên và thích thú vì họ đã thực hiện TNXH hơn cả mong đợi. Và vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về tiềm năng thực thi TNXH của các doanh nghiệp Việt Nam”.

Nguyệt Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!