T2, 06/07/2020 10:53

Thương lái Trung Quốc thao túng thị trường hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ khi thương lái Trung Quốc (TQ) nhúng tay vào thị trường Việt Nam, trong đó có mặt hàng hải sản, khiến thị trường này biến động và đã có không ít người dân Việt phải ăn “trái đắng” vì những mánh khóe kinh doanh của thương lái ngoại.

Thâu tóm thị trường

Sau một thời gian khá yên ắng do bị đánh động trên phương tiện thông tin đại chúng, khoảng 2 tháng trở lại đây, thương lái TQ lại “đổ bộ” tới nhiều cảng cá tại miền Trung để thu mua hải sản do ngư dân Việt Nam đánh bắt.

Tại cảng cá Vĩnh Lương, TP Nha Trang – một trong những nơi xuất hiện thương lái TQ thu mua hải sản từ nhiều năm nay, 10 giờ sáng một ngày đầu tháng 4, những chiếc ghe đánh cá hố sắp cập cảng, cũng chính là lúc những thương lái TQ lảng vảng đến để chuẩn bị trả giá. Theo nhiều người dân, những năm trước, vào lúc cao điểm có khoảng 50 thương lái TQ đến các cảng cá thu mua.

Bởi vậy, những cái tên như Lâm Tài Cường, A Ty, A Bảy – vốn rất quen với ngư dân ở các cảng cá. Còn năm nay, do đã thuần thục nên số lượng thương lái cắm chốt tại các cảng cá cũng giảm đáng kể. Hiện nay, theo thống kể của BQL cảng cá Vĩnh Lương, hàng ngày thường xuyên có 6 thương lái TQ đến cảng thu mua cá. Nhìn hoạt động mua bán của họ chẳng khác những thương lái Việt Nam.

 

Thương lái Trung Quốc công khai thu mua cá tại cảng cá Vĩnh Lương

Cá hố – loại cá vốn thịnh hành tại cảng Vĩnh Lương, lâu nay được các chủ doanh nghiệp trong nước thu mua. Tuy nhiên, từ ngày thương lái TQ đổ bộ lên các cảng cá, thị trường cá bị xáo trộn hoàn toàn. Họ thu mua cao hơn giá doanh nghiệp trong nước khoảng 10.000 đồng/kg. Khi tàu cá cập bờ, thương lái TQ đến tận tàu giao dịch. Đối với ngư dân, bên nào mua cao thì bán, vì thế mà đa số cá hố đều lọt vào tay thương lái TQ.

Theo thống kê, năm 2012 có gần 6.000 tấn hải sản (cá hố chiếm nhiều nhất) thông qua cảng Vĩnh Lương thì 2/3 trong số đó đã lọt vào tay thương lái TQ. Không thu mua được cá, nhiều doanh nghiệp chế biến cá hố Việt Nam chỉ có cách chuyển nghề, nhường lại thị trường cho thương lái TQ tự định giá. Một doanh nghệp từng thu mua cá hố nay đã chuyển nghề tại TP Nha Trang, chua chát nói: “Nhìn thương lái TQ đóng từng container cá hố chở đi, lấy miếng cơm bấy lâu nay mà… uất ức”.

 

Chèn ép thương lái Việt

Từ đầu vụ sản xuất năm nay, thông thường, mỗi ngày Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty CP thủy sản Thông Thuận tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) mua vào khoảng 60 tấn tôm nguyên liệu (tôm thẻ chân trắng). Thế nhưng, nhiều tháng trở lại đây, mỗi ngày công ty chỉ mua được khoảng 15 tấn. Theo công ty này, do khan hiếm tôm nguyên liệu nên giá tôm bị đẩy lên cao, từ 80.000 đồng/kg, nay tăng lên 130.000 đồng/kg.

Nguyên nhân là do một số thương lái TQ núp bóng dưới những đầu “nậu” người Việt để thu mua với giá cao nên đã giành hết nguyên liệu. Với giá bị đẩy lên 50.000 đồng/kg, doanh nghiệp Việt Nam khó thể cạnh tranh vì doanh nghiệp trong nước phải chịu nhiều khoản thuế đầu vào, trong khi thương lái TQ lại không chịu thuế gì do xuất khẩu chủ yếu bằng đường tiểu ngạch.

Cách đây không lâu, một số hộ kinh doanh mặt hàng cá bớp tại Khánh Hòa bị thương lái TQ “xỏ mũi” khi quá tin tưởng vào đối tác. Ban đầu thương lái TQ đề nghị một số hộ kinh doanh tại Khánh Hòa thu gom cá bớp và chế biến thành hàng phi lê để đưa về TQ. Mấy lần giao dịch đầu diễn ra khá suôn sẻ, khi các hộ kinh doanh người Việt được cung ứng tiền đầy đủ để mua cá bớp như đơn đặt hàng.

Nhưng thời gian sau, thương lái TQ chỉ đưa cho thương lái Việt Nam khoảng 30% trong tổng số tiền hàng phải mua. Khi nhiều người đã gom hàng và chế biến xong, phía thương lái TQ đột nhiên thông báo không mua vì nhiều lý do, đồng thời chịu mất 30% số tiền đã đặt cọc.

Với hàng chục tấn cá phi lê thành phẩm có giá trị hàng tỷ đồng, nếu không bán được thì các hộ kinh doanh này chỉ còn nước phá sản. Trong khi đó, cá bớp đã phi lê thì không thể bán tại thị trường trong nước vì tập quán tiêu thụ. Không bán được ở đâu, số cá bớp đã phi lê nói trên đành bán tháo cho một thương lái khác cũng là người TQ – nhưng thương lái này cũng chính là một “mắt xích” của những đối tác người TQ trước đó.

Không chỉ vài loại cá, thương lái TQ đến Việt Nam thu mua tất cả các mặt hàng hải sản từ cao cấp đến bình dân. Ban đầu, họ mua với giá cao hơn vài chục phần trăm so với doanh nghiệp trong nước. Sau thời gian đẩy được doanh nghiệp Việt Nam khỏi cuộc tranh mua, các thương lái TQ bắt đầu thao túng giá.

Anh Lưu Thế Anh, chủ một cơ sở thu mua tôm hùm tại Nha Trang, cho biết từ ngày tôm hùm nuôi phát triển cũng là lúc thương lái TQ đặt chân đến thu mua. Và không lâu sau, thị trường tôm này nằm trong tay của họ, bởi vậy nên có chuyện tôm hùm lúc có giá lên tới 2,5 triệu đồng/kg và sau đó giảm chỉ còn 700.000 đồng/kg.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, mỗi năm Khánh Hòa có khoảng 1.000 tấn tôm hùm, thị trường tiêu thụ từ TQ chiếm trên 80%, tuy nhiên, trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa lại không có tôm hùm. Chính vì điều này, một khoản thuế rất lớn từ tôm hùm bị thất thu.

>> “Thương lái TQ đến Việt Nam thu mua hải sản có nhiều “chiêu” để lách, nhưng việc này không khó phát hiện, có điều các cơ quan quản lý ít vào cuộc nên thương lái TQ tự tung tự tác. Đã đến lúc chúng ta phải tìm con đường xuất khẩu chính ngạch và người Việt phải thực sự làm chủ được thị trường xuất khẩu hải sản nếu không thì thua chính trên sân nhà của mình”, ông Võ Thiên Lăng bức xúc.

Văn Ngọc

Sài Gòn Giải Phóng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!