T2, 06/07/2020 11:26

Thưởng thức thủy sản ngày Tết

Chưa có đánh giá về bài viết

Với một số quốc gia, ngày Tết cổ truyền không thể thiếu những món ăn thủy sản. Những món ăn này được cho là đem đến sự may mắn, thịnh vượng, an lành.

Singapore

Tết được người dân Singapore rất coi trọng, diễn ra cùng thời điểm Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Dịp này, trong mâm cơm người Singapore luôn có món Yu Sheng (Gỏi cá Thịnh Vượng), một món ăn truyền thống trong ngày Tết. Món ăn gồm 27 nguyên liệu từ cá hồi, rau củ, nước sốt, gia vị. Mỗi nguyên liệu một ý nghĩa: cá mang đến sự phồn vinh, thượng dư; bưởi mang đến sự may mắn, phú quý; củ cải xanh có ý nghĩa trường thọ, mãi mãi tuổi thanh xuân; củ cải trắng biểu tượng làm ăn phát đạt, thăng tiến trong nghề nghiệp…

 

 

Nhật Bản

Từ lâu, người Nhật Bản đã chuyển sang ăn Tết dương lịch như các nước phương Tây, song cung cách chuẩn bị đón năm mới của họ vẫn có nét giống người Việt. Họ rất coi trọng bữa ăn trong dịp Tết, và không thể thiếu Osechi Ryori. Thức ăn đủ màu sắc đựng trong hộp sơn mài với nhiều loại thực phẩm, trong đó có nhiều loại hải sản. Ý nghĩa gốc của món Osechi Ryori là bữa ăn giúp cho người nội trợ và gia đình họ sống sót qua những ngày đầu tiên của năm mới, khi những cửa hàng đều đã đóng cửa. Hơn thế, mỗi món ăn và các thành phần trong Osechi Ryori đều có ý nghĩa riêng: sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu, trường thọ…

 

Việt Nam

Đến với vùng quê một số tỉnh miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… cá nướng úp chậu đã trở thành món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp, người dân đã rậm rịch chuẩn bị các nguyên liệu. Cá thường là loại cá trắm cỏ (2 – 5 kg/con), hay cá chép (1 – 1,5 kg/con), được cắt làm đôi, làm ba, hoặc để nguyên con tùy gia chủ, sau đó rửa sạch, không đánh vảy, cho vào chiếc chậu nhỏ, ướp gia vị (bột canh, sả, gừng, nghệ giã nhuyễn) khoảng 30 phút cho ngấm. Tiếp theo, chuẩn bị bếp nướng thì cần phải trải một lượt rơm nếp dày chừng 3 cm xuống nền bếp, đặt cá lên, dùng lá chuối tươi phủ kín bề mặt cá, rồi lấy một chiếc chậu nhôm úp lên trên cá. Xong xuôi, phủ rơm lên thành chậu và đốt khoảng 30 phút, phủ một lớp dày vỏ trấu lên trên rồi tiếp tục đốt. Để rơm và trấu cháy âm ỉ suốt 5 tiếng, sau đó cá được lật mặt và tiếp tục ủ trấu trong 5 – 6 tiếng nữa. Khi cá chín vàng, thơm lừng, ấn vào thấy khô là hoàn tất. Thưởng thức cá nướng thơm mùi rơm nếp với nước mắm pha gừng, vừa cay, vừa bùi đã trở thành một hương vị ngày Tết của một số tỉnh phía Bắc.

Hà My

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!