Thượng tọa Thích Chân Quang: Đoàn kết là đạo đức lớn của xã hội

Chưa có đánh giá về bài viết

Một xã hội phát triển không chỉ tăng trưởng về kinh tế mà còn là một xã hội có tinh thần đoàn kết, “chia ngọt sẻ bùi”, thu hẹp sự khác biệt, sống trong sự chia sẻ và yêu thương. Nhân dịp Tết đến Xuân về, Tạp chí Thủy sản Việt Nam có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Chân Quang (ảnh) xung quanh chủ đề xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

Thưa Thượng tọa, Thượng tọa có thể cho biết nhận định của mình về vai trò của đoàn kết dân tộc?

Thượng tọa Thích Chân Quang:  Đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu chính trị, vừa là đạo đức của xã hội, vừa là thiện chí của cá nhân.

Thường con người ta lo cho bản thân mình, có sự ích kỷ, người tháo vát thì lo cho gia đình mình, giỏi hơn nữa thì lo cho hội đoàn, cơ quan của mình… Nói đến đoàn kết dân tộc chính là nói về việc con người mở lòng mình ra với mọi người, đó là sự nhảy vọt trong đạo đức cá nhân. Mình lo cho gia đình, cộng đồng của mình rồi, còn biết lo cho cả đất nước nữa.

Xã hội đẹp hay không là do tinh thần đoàn kết trong xã hội có tốt hay không; một xã hội càng đoàn kết thì xã hội đó càng tốt đẹp. Chẳng hạn người ở TP Hồ Chí Minh, khi đón một người tỉnh khác thì ngay lập tức nghĩ rằng đó là người anh em mình. Cái thiện ý của con người lúc ấy là biết lo nghĩ cho những người khác, dù họ không phải là người thân của mình. Chính đoàn kết dân tộc cũng góp phần tạo ra những con người có tầm nhìn rộng rãi, thậm chí có tầm nhìn của những con người lãnh đạo, biết lo cho cái chung. Điều đó giúp cho xã hội vững mạnh hơn.

 

Đoàn kết dân tộc không phải là vấn đề thật sự mới, song vì sao nó lại được quan tâm nhiều vào thời điểm hiện nay, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Muốn có sự đoàn kết dân tộc thì phải có hai yếu tố, đó là một cảm xúc lớn và một tấm gương lớn. Trong thời kỳ kháng chiến dân tộc, chúng ta có cảm hứng lớn là giải phóng thống nhất đất nước, có tấm gương lớn là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, đất nước vượt qua nhiều khó khăn và đã giành được thống nhất, độc lập.Sang thời bình, khi con người lao vào làm kinh tế, cạnh tranh, đầu óc nghĩ tới lợi nhuận thì sự đoàn kết bị phai nhạt đi so với trước đây. Tôi nghĩ, việc khơi gợi lại lòng đoàn kết dân tộc lúc này là cần thiết. Đặc biệt, người dân có cảm hứng đoàn kết dân tộc qua những chiến thắng của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 và những thành tựu về ngoại giao, về phát triển kinh tế, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình… Cảm hứng về đất nước về dân tộc thu hút đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội. Về tấm gương lớn, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chống tham nhũng tiêu cực cũng tạo ra niềm tin rất lớn đối với nhân dân, vì chống tham nhũng tiêu cực không hề đơn giản, phải có những con người có quyết tâm cao độ mới có thể đi đến thành công.

Tinh thần thể thao cuồng nhiệt góp phần nâng cao sự đoàn kết – Ảnh: Zing

 

Để tư tưởng đoàn kết đi vào thiết thực, tránh sự sáo rỗng và hình thức, cần điều gì, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Thật ra, không có tiêu chí cụ thể nào về việc xây dựng đoàn kết dân tộc như các chỉ số tăng trưởng kinh tế, hay thu hút đầu tư. Luật pháp cũng không có quy định gì về việc đoàn kết cả. Do vậy, đoàn kết là vấn đề thuộc về đạo đức, ý thức từng cá nhân.

Đoàn kết cần sự đồng lòng của từng cá nhân, từng người ý thức mới có được sự đoàn kết toàn xã hội. Không ai làm thay được từng con người cụ thể trong xã hội về vấn đề đoàn kết. Người ta nói đến sức mạnh quần chúng, đó là khi đạo đức của từng cá nhân đã thống nhất trong sự đoàn kết để tạo ra sức mạnh của xã hội.

Những người thành công trong xã hội, được xã hội quan tâm cần phải là tấm gương cho sự đoàn kết. Người của công chúng là người có quyền lực, nghệ sĩ, những người làm về văn hóa, họ sẽ là tấm gương cho sự đoàn kết để đoàn kết đi vào tâm hồn từng con người.

 

Trong xã hội dần hình thành khoảng cách người giàu và người nghèo, giữa người có chức vị và người không có chức vị? Xây dựng khối đoàn kết như thế nào khi những khoảng cách trong xã hội ngày càng lớn, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Chân Quang:  Trong xã hội vẫn thường chia ra những người có ưu thế và người kém ưu thế. Để xây dựng đoàn kết xã hội thì người có ưu thế phải gần gũi với người kém ưu thế, quan tâm chăm sóc họ. Ngược lại, người kém ưu thế thì không ganh tỵ mà hãy ủng hộ những người có ưu thế, góp ý với sự chân thành yêu thương, đừng biến thành thù ghét. Sự thành công của người có ưu thế đôi khi cũng do họ là người có phước, do vậy cũng cần mừng cho họ và ủng hộ những người có ưu thế làm việc có ích cho xã hội.

 

Thưa Thượng tọa, các tổ chức tôn giáo giữ vai trò thế nào trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Công giáo có Bác Ái, đạo Phật có Từ Bi. Các tôn giáo đều có đạo lý về sự đoàn kết và các tôn giáo có thể từ đó phát triển tinh thần đoàn kết. Các tôn giáo, khi đã có quyền lợi về sự tự do phát triển tôn giáo thì cũng đồng thời phải có nghĩa vụ xây dựng sự đoàn kết dân tộc. Tất cả các tu sĩ, giáo sĩ, nên dạy người tín đồ lòng yêu nước, lòng đoàn kết dân tộc. Lòng yêu nước là rất gần gũi, cảm động. Yêu thương tôn giáo cũng đồng thời yêu thương đất nước.

Tôi có viết một bài hát về Chúa Giê Su. Những dịp Noel Phật tử thường hát. Mọi người hỏi tôi vì sao làm thế? Tôi nói rằng các tôn giáo khác nhau, nhưng cần hiểu nhau, không phải vì khác nhau mà trở thành cách biệt. Đoàn kết phải chân thành.

 

Thượng tọa có lời khuyên nào cho các Phật tử về đoàn kết dân tộc khi Tết đến Xuân về?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Như tôi đã nói ở trên, một xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi sự đoàn kết trong xã hội lớn hơn. Nếu ra đường, va xe, lập tức lao vào đánh nhau thì đoàn kết ở đâu? Chỉ vì xe móp một chút mà phá đi sự đoàn kết hay sao? Tình đoàn kết không cao hơn việc móp méo chiếc xe một chút hay sao? Việt Nam chúng ta đang cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình trên thế giới, tăng cường đoàn kết trên thế giới, thì chính chúng ta cũng cần thể hiện sự không hận thù, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta.

Ngoài ra, người Việt Nam ở đâu, dù trong nước hay đang ở nước khác cũng vẫn luôn cần đoàn kết với nhau. Những người bản địa họ cũng luôn để ý xem người Việt Nam có thật sự đoàn kết với nhau không? Mình mang quốc tịch nước ngoài, nhưng vẫn mang trong người dòng máu Việt Nam và luôn cần đoàn kết với nhau. Chúng ta cần tránh sự chia rẽ và không làm cho đất nước bị chia rẽ.

Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Nguyên Anh (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!