Thủy điện xả lũ, cá chết trắng hồ

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc xả lũ ở hồ thủy điện Hòa Bình trong những ngày vừa qua đã làm hàng trăm tấn cá nuôi lồng ở lưu vực sông Đà của hàng trăm hộ dân tại tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang bị chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Người nuôi cá lồng ở TP Hoà Bình vớt cá chết   Ảnh: Quỳnh Trang

Người nuôi cá lồng ở TP Hoà Bình vớt cá chết Ảnh: Quỳnh Trang

Thiệt hại nặng

Theo thông tin từ các địa phương, sau khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, có 400 tấn cá nuôi ở các lồng bè vùng hạ du bị chết do sặc nước. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết, khu vực chịu thiệt hại nặng là huyện Thanh Sơn hạ lưu sông Đà; với hơn 200 lồng bị chết ngạt khí do xả lũ, thiệt hại ước 350 tấn cá.

Theo người nuôi cá ở Phú Thọ, khi xả lũ, dòng chảy lớn khiến cá bị ngạt khí. Hơn nữa, khi đập thủy điện xả đáy kéo theo các độc tố từ bùn đáy tích tụ lâu ngày trôi xuống khu vực hạ nguồn. Anh Dương Tiến Dũng, khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy cho biết, gia đình anh nuôi 15 lồng cá thì đợt này gần như mất trắng. “Chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày hôm nay vì cá, chưa bao giờ cá chết đột ngột và nhiều như vậy. Từ đêm 19/7, cá bắt đầu có hiện tượng nổi đầu sau đó chết, ban đầu chết cá giống nhỏ rồi đến cá to và vẫn tiếp tục chết. Mặc dù đã làm đủ các biện pháp như sục khí, chắn lưới… nhưng cá vẫn chết, đành phải bán vội để gỡ gạc được phần nào” – anh Dũng buồn bã nói.

Ở hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình có 400 lồng bè, trong đó có khoảng 250 lồng bè bị thiệt hại. Theo bà Đặng Thị Duyên, Phó Giám đốc Chi cục Thủy sản Hòa Bình: “Ngay sau khi có hiện tượng cá chết, Chi cục đã cử cán bộ xuống thực địa lấy mẫu nước và cá để gửi xuống Viện Khoa học công nghệ Việt Nam tìm nguyên nhân chính xác, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả”. Tại tỉnh Hòa Bình, số cá thiệt hại ước tính trên 6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ nhiệm HTX Nông lâm thủy sản Kỳ Sơn (xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn) cho biết, mặc dù số cá chết đến nay không còn con nào, nhưng ông không dám đổ ra sông vì sợ gây ô nhiễm môi trường. Trước đó gia đình đã phải thuê người vớt số cá chết bán lại cho các hộ dân về ủ làm phân bón cho cây với giá chỉ 4.000 đồng/kg. Theo ước tính ban đầu thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Sau nhiều năm nuôi cá, đây là lần đầu tiên bà con nuôi cá ở xã Hợp Thành bị mất trắng.

Được biết, đa phần các lồng nuôi cá trên sông Đà là lồng kiên cố, ngoài khung sắt, trong đóng bương hoặc tre và buông lưới 2 – 3 lượt. Chi phí cho 1 lồng nuôi khoảng 50 triệu đồng, trong đó tiền làm lồng khoảng 20 triệu, còn lại là cá giống. Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà bắt đầu được khoảng 5 năm gần đây, hộ nhiều nhất khoảng 50 lồng, hộ ít có 5 lồng. Đa số các hộ đều phải vay vốn ngân hàng.

Nhanh chóng khắc phục

Ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hàng năm cứ đến 15/6 là thời điểm các hồ thủy điện xả lũ. Là tâm điểm mưa lũ ở miền Bắc, do đó các hoạt động ở hạ du phải tính đến việc chủ động thích ứng với việc xả lũ để đảm bảo an toàn cho sản xuất nuôi trồng. Ngay từ 11/7 (trước thời điểm xả lũ 7 ngày), Ban chỉ đạo Trung ương phòng chóng thiên tai đã có văn bản gửi các địa phương thông báo về việc khả năng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ xả lũ. Chính vì vậy, các địa phương cần chủ động triển khai thông báo cho người dân vùng hạ du được biết, đồng thời có các phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Ban Chỉ đạo Trung ương đã thông báo địa phương từ rất sớm. Đơn vị làm tốt công tác xả lũ, thực hiện đúng quy trình, quá trình xả lũ được đánh giá tốt, đảm bảo an toàn hạ du, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên đáng tiếc là có một số hộ dân ở Tuyên Quang, Phú Thọ và Hòa Bình đã thiệt hại thủy sản, cá nuôi trên lồng bè chết do sặc nước.

Vấn đề hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố; do đó, các địa phương cần triển khai ngay việc hỗ trợ để bà con yên tâm ổn định sản xuất. Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã có Nghị định 02 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai lũ lụt, các địa phương có trách nhiệm đánh giá, kiểm kê thiệt hại của người dân, sau đó chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ. Nếu các địa phương thấy số tiền hỗ trợ thiệt hại vượt quá ngân sách thì báo cáo cho Bộ NN&PTNT để báo cáo Chính phủ tính toán phương án hỗ trợ tiếp theo. Qua sự việc này, các địa phương cần chủ động hơn nữa, tuyên truyền liên tục để bà con vùng hạ du nắm được thông tin có phương án đảm bảo an toàn. Về phía người dân, không nên chủ quan, ông Văn Phú Chính cho biết thêm.

Trong khi, để giảm bớt thiệt hại cho người nuôi cá, Chi cục Thủy sản các tỉnh cho rằng, việc di dời cá vào các hồ, đầm nội đồng là không thể. Phương án khả dĩ nhất lúc này là tăng cường ôxy để giảm tối đa thiệt hại. Hiện, các tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ, giảm tối đa thiệt hại cho người dân.

>> Theo Chi cục Thủy sản Phú Thọ, toàn tuyến sông Đà có 444 lồng cá của 51 hộ thuộc 2 huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy; tổng sản lượng cá lồng ước trên 1.000 tấn. Đến sáng 22/7, toàn tuyến có 200 lồng bị ảnh hưởng, trong đó, 133 lồng bị chết hoàn toàn; 67 lồng bị chết 30 – 70%. Sản lượng bị thiệt hại ước 350 tấn.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!