Thủy sản 2014: Ngoạn mục xuất siêu 5 tỷ USD

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp, thủy sản đã thể hiện được vị thế về giá trị đóng góp của mình với việc xuất siêu tới 5 tỷ USD. Đây thực sự là một nỗ lực không nhỏ, góp vào tổng giá trị 8.2 tỷ USD toàn ngành.

Vượt qua thách thức

Năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của ngành thủy sản chỉ chưa đến 1 tỷ USD nguyên liệu để chế biến trong khi đó tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến tháng 11 đã đạt 7,2 tỷ USD và sẽ cán mốc gần 8 tỷ USD cả năm. Tuy nhập khẩu nguyên liệu có tăng nhưng xuất siêu của ngành thủy sản đã đóng góp vào thành tích chung của ngành nông nghiệp với mức xuất siêu khoảng 8,2 tỷ USD.

Xuất khẩu tôm, tăng 22% so với năm 2013 (khoảng 3,8 tỷ USD) chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Sự tăng trưởng này được dự báo từ năm 2013 do thị trường cầu lớn hơn cung do dịch bệnh vẫn còn hoành hành. Nhờ tổ chức sản xuất tốt, nắm được thời cơ, nên phần lớn diện tích đã được khai thác, năng suất cũng ổn định. Sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT trong cả năm, cho thấy nuôi trồng, chế biến và khai thác luôn theo kịp thị trường, không bị động. 

Thử thách lớn nhất trong năm 2014 chính là một số rào cản kỹ thuật được dựng lên, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc nhập khẩu vào một số thị trường lớn như Nhật, Mỹ, nếu không, con số kim ngạch xuất khẩu có thể còn cao hơn. 

 

Tôm là điểm sáng của xuất khẩu thủy sản 2014 – Ảnh: An Đăng

Năm 2014 là năm khó khăn với cá tra. Nông dân treo ao, giá cả cạnh tranh với các loại cá thịt trắng khác, một số đối thủ bôi nhọ uy tín, sự trỗi dậy của ngành nuôi cá của một số nước… tất cả đặt ra thách thức với cá tra. Âm thầm vượt khó, cá tra vẫn đạt được kim ngạch khoảng 1,8 tỷ USD là điều đáng ghi nhận.

Thời gian vừa qua, sở dĩ ngành thủy sản Việt Nam phát triển khá ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng là do ngành đã được tổ chức ngày càng tốt hơn. Từ quy mô của ngành, được tổ chức theo ngành dọc của Nhà nước, lại tổ chức theo ngành ngang của các hiệp hội, sự manh mún đã dần được thay thế bằng tính chất liên tỉnh, liên vùng và quy mô toàn quốc. Sự phối hợp nhịp nhàng từ nghiên cứu đến sản xuất, từ cung ứng tới tiêu thụ, đã khiến ngành thủy sản trở thành một chỉnh thế thống nhất.

Mặt khác, xuất khẩu tăng là do khống chế được dịch bệnh, mà khống chế được dịch bệnh là do khoa học đã đồng bộ được với sản xuất. Đây không phải là kết quả ngẫu nhiên và “cơ hội” chỉ đến với những ai chăm chỉ. Đặc biệt với cá tra, mặc dù lợi nhuận không nhiều, nhưng việc giữ vững được diện tích và sản lượng cho thấy bộ máy điều hành của các tỉnh cũng như nỗ lực của doanh nghiệp là điều đáng ghi nhận. Đã giảm dần cảnh “mất mùa bỏ cuộc, rớt giá phá ruộng”. Người dân đã kiên trì hơn cho những mục đích lâu dài, đó là giữ vững thị trường và đảm bảo chữ tín trong xuất khẩu.

 

Giữ vị thế

Bên cạnh thành tựu khả quan đó, thực tế xuất khẩu thủy sản năm 2014 vẫn dựa nhiều vào tôm, với sự tăng trưởng được đánh giá là “lịch sử”, xem như việc chớp được cơ hội tốt đã đem đến thành công. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu do dịch bệnh ở nhiều nước trong khu vực thì việc xuất khẩu tôm khó đạt được kỳ tích tăng trưởng trên 20%.

Tương tự với cá tra, nếu thiếu sự chỉ đạo quyết liệt cũng như vào cuộc của nhiều ban ngành thì rất có thể tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu cũng sẽ diễn ra và việc đảm bảo lượng xuất khẩu tương đương năm 2013 khó thực hiện được. Nuôi trồng và xuất khẩu cá tra vẫn đang trong thách thức và còn khá phiêu lưu, khi mà thị trường ngày càng nhiều tính cạnh tranh.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là việc xuất siêu ấn tượng của Việt Nam kéo dài được bao lâu khi nguồn cung tôm thẻ chân trắng sẽ ổn định trở lại khi Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khắc phục được dịch bệnh. Và liệu giá cá tra được cải thiện hay không? Người dân tiếp tục nuôi cá tra nữa hay không khi mà thị trường vẫn còn nhiều biến động?

Bởi những năm qua, nuôi trồng chế biến của Việt Nam chủ yếu theo phong trào. Cứ thấy cái gì có lợi thì nhiều người đổ xô vào, thất bại lập tức chán nản và bỏ cuộc. Trong khi, xuất khẩu cần ổn định với các hợp đồng dài hạn và việc chấp nhận thua lỗ tạm thời một vài mùa vụ là điều phải nằm trong tính toán.

Hy vọng ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng vững nền móng quản lý, điều hành, phối hợp, bám sát được thị trường, vừa tranh thủ những cơ hội vừa củng cố được các thị trường truyền thống. Phát triển bền vững không chỉ là chạy theo con số lợi nhuận mà quan trọng hơn là phải giữ cho được thị trường và uy tín thương hiệu.

>> Dù được dự báo sẽ nhiều thách thức trong năm 2015, khi kinh tế thế giới đang dần khôi phục và tiềm lực xuất khẩu của nhiều quốc gia sẽ được khơi thông. Nhưng ngành thủy sản Việt Nam đã củng cố, xây dựng và phát triển uy tín của Việt Nam trên trường thế giới. Bởi, xuất khẩu thắng lợi trong thời điểm vừa qua là điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng mơ ước, nhưng rất ít quốc gia thành công.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!